30 xe ôtô thoát hiểm nhờ đường cứu nạn
Các Website khác - 12/09/2005
Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.
Mây bay đỉnh núi, sóng biển ngày đêm ì ầm vỗ đập chân núi, cảnh quan đầy thơ mộng, hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước. Những vần thơ, bài hát ví von về nét đẹp của đèo Hải Vân. Ðèo dốc tạo ra những cảnh quan ngoạn mục nên thơ, nhưng đèo dốc lại là nơi cực kỳ nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khi phải vượt qua.
Từ đầu năm 1994, Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Quảng Nam - Ðà Nẵng đã xây dựng bốn đường cứu nạn (ÐCN) tại những "điểm đen" đối với an toàn giao thông cho phía nam đèo Hải Vân (thuộc TP Ðà Nẵng). ÐCN là một đoạn đường cụt dài khoảng 100 - 200m được tiếp nối cạnh tuyến đường chính xe chạy, có độ dốc ngược với kết cấu mặt đường rời rạc để tăng độ ma sát, với hai yếu tố về độ dốc và ma sát nhằm triệt tiêu động năng khi xe đang xuống dốc dài, hệ thống phanh làm việc liên tục và quá sức dẫn đến hỏng phanh, lúc đó gia tốc của xe tăng nhanh, người lái xe không còn làm chủ tốc độ, việc xảy ra tai nạn không thể tránh khỏi.

Có thể nói ÐCN là những cánh tay của "mẹ hiền" được giang sẵn để hứng đón, giữ lại những xe ô-tô gặp rủi ro nhằm thoát hiểm trước lưỡi hái tử thần. Mười năm qua, số vụ tai nạn giao thông trên đèo đã giảm nhiều, làm thay đổi tâm lý cho lái xe và hành khách tin tưởng an toàn cuộc hành trình có sự góp phần của ÐCN. Nhờ có ÐCN tại những điểm đen an toàn giao thông trên quốc lộ 1A phía nam đèo Hải Vân, đơn vị quản lý, sửa chữa đường theo dõi và thống kê từ năm 1994 đến 2004 đã cứu được 30 xe ô-tô với gần một nghìn người thoát hiểm.

Theo Phó Giám đốc Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ Quảng Nam - Ðà Nẵng Nguyễn Xuân Chín, trong số xe thoát hiểm nhờ ÐCN gồm 13 xe tải, 16 xe khách và một xe con với tổng cộng 952 người ngồi trên các loại xe nêu trên. ÐCN phát huy tác dụng liên tục hơn 10 năm qua, năm 1994 có bốn xe (hai xe đường số 3, một xe đường số 1, một xe đường số 2), năm 2004 cũng có bốn xe (ba xe đường số 1, một xe đường số 2) đang đổ dốc, hệ thống phanh trục trặc đã kịp thời lao lên ÐCN và dừng lại an toàn. Một số ÐCN trên các đèo dốc khác do Khu quản lý đường bộ V xây dựng cũng phát huy tác dụng tương tự.

Thêm một người được thoát hiểm, thêm một chiếc xe tránh khỏi tai nạn... là một việc làm đầy tính nhân đạo, giảm được bao nỗi lo với lái xe và khách hàng và xác định một lần nữa công trình ÐCN là một sáng kiến có giá trị cần được nhân rộng.

LÊ LUYỆN
(Hội Cầu đường Ðà Nẵng)