"Cò" chặn đường chỉ lối. |
Mỗi ngày, khi bệnh viện chưa đến giờ hoạt động, “cò” đã bắt đầu công việc. “Cò” làm việc từ rất sớm để "gắp" một lượng lớn khách cũng đến đây tranh thủ lấy số trước. Cứ thế, mỗi ngày, dòng người theo chỉ lối của “cò” "chảy" về các phòng mạch tư nườm nượp...
Không lén lút, mà rất công khai; giọng điệu "cò" như ra lệnh, khiến nhiều người từ các tỉnh thành về TP HCM khám chữa bệnh cứ tưởng “cò” là người của bệnh viện. Cứ thế, mỗi ngày dòng người bệnh theo hướng dẫn của “cò” đổ ra các phòng mạch tư nhộn nhịp...
Lôi kéo khách
Trong số hàng chục bệnh viện, cơ sở điều trị trên địa bàn TP HCM, thì không nơi nào “cò” khám chữa bệnh lại hoạt động công khai, ì xèo như trước khu vực Bệnh viện Da liễu (đường Nguyễn Thông, quận 3). Chưa tới cổng Bệnh viện , “cò” đã chạy tới chặn đầu xe: "Giờ này hết số rồi, chạy thẳng xuống dưới kia khám". Giọng “cò” tự nhiên, nhiệt tình, rất dễ tưởng lầm đây là người của Bệnh viện . Bệnh nhân có lo lắng, thì cò trấn an: "Yên tâm, là bác sĩ của Bệnh viện này mà, ổng tranh thủ chạy về làm buổi trưa. Nhanh đi, thẳng qua 4 ngã tư, đến phòng mạch bác sĩ H., số 7... Nguyễn Thông, quận 3, giá chỉ đắt hơn trong bệnh viện từ 5 đến 10 nghìn, khám nhanh rồi về, còn không vào Bệnh viện ngồi đó chờ tới chiều...!". Miệng “cò” thao thao, nhưng mắt lại quan sát những bệnh nhân khác đang hướng tới cổng Bệnh viện .
Phòng mạch bác sĩ H., bệnh nhân đang chờ khám bệnh khá đông. Bác sĩ H. lấy 25 nghìn đồng tiền khám, 130 nghìn đồng tiền thuốc. Trong ngày hôm đó, chỉ chưa đầy một giờ, "đàn cò" tại đây đã "gắp" được gần 20 bệnh nhân đến 3 phòng mạch (hai trên đường Nguyễn Thông và một trên đường Ngô Thời Nhiệm).
Ngày hôm sau tại Bệnh viện Da liễu, một “cò” khác tay vẫy, miệng la thật to: "Hê! Đi khám hả, quay xe lại, hôm nay Bệnh viện chỉ khám cho bệnh nhân BHYT thôi. Quay lại, quay lại, thẳng xuống 44/... Nguyễn Thông, phòng khám bác sĩ Ng...". Vừa nói, tay “cò” vừa giữ đầu xe, không cho khách vào Bệnh viện . Bên cạnh đó, một “cò” khác cũng đang "dụ" một đôi nam nữ, và cuối cùng họ cũng "xiêu lòng", quay đầu xe, rẽ trái sang phòng mạch trên đường Ngô Thời Nhiệm, cạnh Bệnh viện Da liễu. Tiếp theo sau là những bệnh nhân đi xe bảng số 60, 62, 63, 64, 72... đến từ các tỉnh, mất cảnh giác trước "bài ca" của “cò”, vô tư đổ dồn về 3 phòng mạch nói trên.
“Cò” làm việc chăm chỉ đến nỗi không cần biết ai ra ai, đến Bệnh viện với mục đích gì, hễ cứ đến cổng Bệnh viện là nhiệt tình "hướng dẫn". Thậm chí, một số thành viên trong đoàn đại biểu HĐND TP HCM đến làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Da liễu cũng bị “cò” chèo kéo về các phòng mạch tư. Giám đốc Bệnh viện - bác sĩ Vũ Hồng Thái cũng không là ngoại lệ, chính ông cũng đã từng bị “cò” ở đây "dụ" ra phòng mạch!
Mặc dù chỉ là bác sĩ làm việc tại một trung tâm y tế quận, nhưng bác sĩ T.H cũng in danh thiếp chữa trị ung thư, đồng thời "móc nối" với “cò” để đưa bệnh nhân từ bệnh viện Ung Bướu (TP HCM) đến phòng mạch của mình trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình).
Nữ bác sĩ này còn đưa cả danh thiếp để “cò” tiếp thị cho những bệnh nhân từ các tỉnh lên Bệnh viện Ung bướu lúc sáng sớm, khi chưa vào giờ làm việc. “Cò tiếp thị" rồi chở bệnh nhân đến phòng mạch luôn. Phòng mạch bác sĩ T.H. ở Tân Bình "chém" rất nặng, chỉ một ít thuốc, người bệnh phải trả mấy trăm nghìn đồng, nhưng rồi tiền mất tật mang, sau đó bệnh nhân cũng phải trở lại Bệnh viện để được chữa trị.
Hoạt động công khai
Hơn một chục “cò” hoạt động công khai trước Bệnh viện Da liễu. “Cò” chạy qua chạy lại hai bên đường Nguyễn Thông í ới, gọi, lôi kéo người bệnh một cách tự nhiên. “Cò” đi lại, "bắt" bệnh ngay trước mặt bảo vệ Bệnh viện. Ước tính có khoảng 1/3 lượng người đến khám tại Bệnh viện Da liễu đã bị “cò... gắp" ra các phòng mạch tư. Thường vừa đến cổng nghe “cò” hét: "Quay lại, phòng khám dưới kia" là lập tức quay đầu xe, chạy theo hướng dẫn của “cò”.
Bác sĩ Vũ Hồng Thái cho biết: "Bệnh viện đã làm nhiều cách để đẩy lùi nạn “cò” lôi kéo bệnh, như: cải thiện phục vụ, khám chữa bệnh; tăng cường phòng khám; phân công nhân viên đứng tại cổng và khu vực khoa Khám bệnh hướng dẫn cho người đến khám; phát loa, dựng bảng thông báo; phối hợp với Công an phường phường 6, quận 3, dân phòng để "quét cò”... Tuy nhiên, lượng “cò” cũ không vì vậy mà bớt đi, thậm chí còn gia tăng thêm “cò” mới. Công an đến “cò” tan, công an đi “cò” hợp, ngang nhiên hoạt động, gây mất trật tự.
Ăn chia kín đáo
Mặc dù ra sức lôi kéo bệnh nhân rất công khai, lộ liễu trước Bệnh viện Da liễu, song phương thức ăn chia giữa “cò” với các bác sĩ phòng mạch lại khá kín kẽ. Cò theo sau khách đến phòng mạch hoặc ở một chỗ nhưng móc di động "alô" cho ai đó. Cũng có khi “cò” này "bắt" bệnh, nhưng “cò” khác dẫn lối, đưa đường đến phòng mạch. Có phòng mạch bố trí người ngồi "chốt" phía trước suốt cả ngày, hình như là để ghi nhận những ca bệnh do các “cò” đưa tới.
Trước đây, “cò” đưa bệnh khám da liễu đến rất nhiều nơi như phòng mạch ở khu Vườn Chuối (quận 3), ở khu Bàn Cờ (quận 3), hay ở gần chợ Bến Thành (quận 1),... Nhưng hiện nay, theo ghi nhận qua hơn một tuần quan sát, “cò” chỉ "dồn" bệnh về 3 phòng mạch nói trên. Do vậy, tại 3 nơi này, ngay từ sáng sớm, lượng bệnh nhân đã rất đông. Tuy bác sĩ không "chém" tiền khám nhiều (20-25 nghìn đồng/lần khám), nhưng họ rất "ấm" nhờ số lượng bệnh, cũng như doanh thu từ tiền bán thuốc. Chẳng hạn, chỉ 20 phút (từ 7h40 đến 8h), phòng mạch bác sĩ N. đã tiếp nhận đến 10 bệnh do “cò”... gắp tới. Mà những phòng mạch này hoạt động từ sáng đến chiều tối... Ngoài ra, theo lời giới thiệu của “cò” thì các bác sĩ ở 3 phòng mạch này đều là bác sĩ của Bệnh viện Da liễu. Tuy nhiên, cả 3 vị đó không ai hiện công tác tại Bệnh viện Da liễu cả.
(Theo Thanh Niên)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm việc tại Bình Dương (12/09/2005)
▪ Tỉnh táo du học (12/09/2005)
▪ Sau 2 ngày súc xả, nước máy đã bớt đục (12/09/2005)
▪ Không được múa lân sau 22h (12/09/2005)
▪ Cướp biển ở Somalia đòi tăng tiền chuộc (12/09/2005)
▪ Bói toán ăn theo 'khu vườn lạ' Long An (12/09/2005)
▪ Hà Nội: Tắc đường 2km do thi công đường Láng Hạ (12/09/2005)
▪ Việt Nam đã làm được những việc mà nhiều nước giàu chưa làm được (10/09/2005)
▪ Cung chạy sau cầu (10/09/2005)
▪ IPU, nơi thể hiện tiếng nói của các dân tộc (10/09/2005)