Từ "... Hưng Nguyên một phen dậy rồi"
Con đường từ thành phố đỏ anh hùng, nơi có "Bến Thủy đứng đầu dậy trước" về Thái Lão thuộc xã Hưng Thái (nay là thị trấn Hưng Nguyên), nơi cách đây 75 năm, ngày 12-9-1930 diễn ra cuộc biểu tình của 8.000 quần chúng cách mạng thuộc ba tổng Phù Long, Thông Lạng và Nam Kinh (Nam Ðàn) hợp lực vùng lên đấu tranh chống ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến, thực dân Pháp và bị chúng đàn áp dã man làm 217 người hy sinh, 125 người bị thương. Mảnh đất, con đường thấm máu bao người ngã xuống, đòi độc lập, tự do giờ đã rộng thênh thênh nối về quê Bác.
Cụ Thái Bá Huệ, 86 tuổi, khối 7 thị trấn Hưng Nguyên, có anh trai là Thái Bá Thụy, tham gia cuộc biểu tình và đã hy sinh trong ngày 12-9-1930, nhớ lại: "Hồi đó tui mới 11 tuổi, chỉ nhớ sáng đi học về thấy nhiều hướng từ Quàng Cần, Thụy Lạc, cầu Yên Xuân, đê 42 sang rồi từ chợ Liễu từng đoàn người kéo xuống rất đông. Mặc cho bọn lính lê dương đón chặn các ngả đường, trên trời máy bay gầm rú và tiếng loa yêu cầu giải tán, nhưng đoàn người vẫn cầm cờ đỏ búa liềm quyết xông lên, bọn lính xả súng bắn rồi, bom trên máy bay ném xuống, hàng trăm người gục ngã. Buổi chiều, anh tui đi mai táng những người hy sinh trong buổi sáng và tiếp tục biểu tình đấu tranh lại bị chúng xả súng, ném bom đàn áp và hy sinh. Chiều hôm đó mưa rất to không thấy anh về, ba cha con tui đi tìm anh. Ra đến chỗ tượng đài bây giờ, nơi có nhiều người chết nhất, lật tìm mãi trong vô số xác chết mới nhận ra anh qua quần áo. Chôn cất anh cùng nhiều người hôm đó chỉ quấn chiếu chứ không có quan tài. Tui nhớ rõ hôm đó là ngày 20-7 năm Canh Ngọ".
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn, Nguyễn Văn Hảo, nói: Phát huy truyền thống của cha ông, chúng tôi những đảng viên kế tiếp quyết tâm xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập trung đẩy mạnh CNH nông thôn. Tuy mới thành lập thị trấn vào năm 1998, nhưng trong những năm qua, bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước các cấp, chúng tôi đã huy động nội lực để xây dựng cơ bản về hạ tầng cơ sở. Hiện nay hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống kênh mương cơ bản đã được bê-tông hóa, trong đó do nhân dân đóng góp đến 70%. Trong tổng số sáu trường học các cấp đã có bốn trường học cao tầng. Nhờ có quy hoạch nên đã tạo ra các vùng chuyên canh tổng thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 6,7 triệu đồng, tăng 80% so với đầu nhiệm kỳ trước, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo xuống còn 4%. Gần đây thị trấn đang thu hút và triển khai một số dự án lớn như nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái, dự án nuôi trồng thủy sản xuất khẩu và xây dựng khu công nghiệp nhỏ... Thị trấn Hưng Nguyên là đơn vị dẫn đầu về phong trào xây dựng đơn vị văn hóa, đến nay, thị trấn có 7/17 khối đạt đơn vị văn hóa, 85% số gia đình đạt gia đình văn hóa.
Nói về đổi thay của huyện Hưng Nguyên những năm qua, nhất là những thành tựu đạt được từ Ðại hội Ðảng bộ khóa 25 nhiệm kỳ 2001-2005, ông Hồ Sĩ Thắng, Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, cho biết: Ðảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Các mục tiêu kinh tế mà Nghị quyết Ðại hội đề ra đều đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt được trong 5 năm 13,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hằng năm 9,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 8,4%; giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng tăng bình quân hằng năm 12,5%. Tổng thu ngân sách tăng bình quân hằng năm 43,6%; thu nhập bình quân đầu người sáu triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 5%.
Ðến "Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên"
Trải qua bao thế hệ, người dân huyện Thanh Chương và mọi người dân Việt Nam mãi không quên sự kiện đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Vào rạng sáng 1-9-1930, khi nghe tiếng trống phát lệnh trên các đỉnh núi tổng Xuân Lâm, tổng Võ Liệt, núi Nguộc, núi Sừng Bò... cả huyện sục sôi khí thế trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hò reo của hơn 20 nghìn quần chúng cách mạng vùng lên đập tan xiềng xích của bọn thực dân, phong kiến: Ðốt huyện đường, tiêu hủy tài liệu, phá nhà giam, đập tan xiềng xích giải phóng tù nhân. Ở chợ Rộ, quần chúng cách mạng xông vào đập nát Sở đại lý rượu Phông-ten của Pháp. Cách huyện lỵ 2 km, đoàn biểu tình xông vào nhà riêng của Tri huyện Phan Sĩ Bàng lật đổ chế độ cai trị hà khắc của cha con Phủ Ngạc, huyện Bàng.
Sử sách còn ghi, cuộc biểu tình ngày mồng 1-9-1930 của Thanh Chương là cuộc biểu tình dữ dội chưa từng thấy ở An Nam, mở ra cho tầng lớp công nông đến một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh chống lại tư bản đế quốc và chế độ phong kiến đòi quyền sống và độc lập, tự do. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các Xô-viết, hình thức chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên mà Thanh Chương là đỉnh cao được thành lập thực hiện nhiều chính sách đem lại quyền lợi cho quần chúng lao khổ.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hạnh cho biết: Trong những năm qua, cùng với các chương trình của Trung ương và tỉnh, Thanh Chương tập trung huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðến nay, toàn huyện có gần 200 km đường nhựa, trong đó ngân sách huyện và nhân dân đóng góp làm hơn 90 km; với tổng chiều dài đã xây dựng 490 km kênh mương đã cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hóa kênh mương; xây dựng 600 km đường xi-măng nông thôn, 20 trường học cao tầng. Tốc độ tăng trưởng năm 2004 đạt 18%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.390.000 đồng. Sau nhiều năm khắc phục khó khăn, huyện Thanh Chương từng bước đi lên đạt được nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Hiện nay, huyện đã xây dựng bổ sung quy hoạch phát triển các vùng, xác định, cây con chủ lực kết hợp với việc đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng. Mục tiêu chủ yếu là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, nền sản xuất hàng hóa phù hợp đặc điểm địa phương và thị trường. Giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Và nay có đường Hồ Chí Minh đi qua, có cầu Rọ thông đường lên cửa khẩu Thanh Thủy... mở hướng nhiều thuận lợi cho Thanh Chương phát triển trên con đường đổi mới đi tới ấm no, hạnh phúc.
Trải qua 75 năm, dù còn nhiều khó khăn nhưng ở hai vùng quê cách mạng và cả những vùng đất "nơi tiếng trống năm ba mươi còn vang vọng đến bây giờ": Nam Ðàn, Nghi Lộc, Anh Sơn (Nghệ An), Can Lộc (Hà Tĩnh)... hôm nay đã thật sự thay da đổi thịt và trong những ngày này với truyền thống cách mạng lại sục sôi khí thế mới trên con đường theo Ðảng thực hiện công cuộc CNH, HÐH quê hương, đất nước.
|