Trong lúc nhiều người trên thế giới chưa biết đến hai chữ Việt Nam trên bản đồ thế giới, thì trên hòn ngọc của quần đảo Aritallas đã có một con người, mà sau này trở thành một nhân vật huyền thoại, một nhà tư tưởng lớn, một nhà dân chủ cách mạng, được nhân dân Cuba tôn vinh là vị "Thánh Tông đồ" của nền độc lập Cuba. Ðó chính là Jose Marti.
Trong cuốn sách “Tuổi vàng” viết cho thiếu nhi vào thế kỷ 19, ông đã có bài viết về đất nước Việt Nam Cuộc dạo chơi trên đất An-nam, kể về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là cuộc vật lộn của nhân dân An-nam và thiên nhiên, với sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, bóc lột và cướp đoạt tàn nhẫn tài nguyên thiên nhiên, và chà đạp lên nhân cách con người lao động Việt Nam. Nhờ bài viết đó, nhân dân Cuba và Mỹ la-tinh mới bắt đầu hiểu chút ít về Việt Nam, và chính vì thế, cuốn sách được lưu hành rộng rãi không chỉ ở Cuba mà còn ở Mỹ la-tinh.
Và sau này, trong cuộc trò chuyện với đồng chí Fidel Castro, cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã nói, chính J.Marti là người Mỹ la-tinh đầu tiên hiểu về Việt Nam, và đến ngày nay, mỗi lần nghĩ tới quan hệ hai nước Cuba và Việt Nam, mọi người đều thừa nhận rằng, chính J.Marti là người gieo mầm cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ở Việt Nam, sự hiểu biết về Cuba không chỉ qua hơi khói thuốc của xì-gà Habana trong một số người thành thị nào đó. Sự hiểu biết sâu sắc hơn của người Việt Nam về Cuba phải nói đó là Bác Hồ. Chính Bác đã từng tiếp xúc với các đồng chí Cuba trong Quốc tế cộng sản vào những năm 20 thế kỷ trước, nhờ đó, khi cuộc cách mạng Cuba mở đầu bằng cuộc tiến công pháo đài Molcada của phong trào 26-7-1953 kết hợp những cuộc đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng ở các đô thị, Người đã nhìn thấy tiền đề vẻ vang của nó và cho đến khi cách mạng Cuba giành thắng lợi 1959. Bác đã tỏ tình đoàn kết ủng hộ cách mạng Cuba, và sau đó hơn một năm, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ở cấp Ðại sứ.
Một sự ngẫu nhiên là, hai vĩ nhân của hai dân tộc dù ở rất xa nhau, là hai người đặt nền móng cho mối tình hữu nghị giữa hai nước, lại có một ngày kỷ niệm giống nhau: đó là ngày 19-5. Ngày này năm 1895, J.Marti hy sinh trong chiến đấu lúc ông còn rất trẻ, 42 tuổi. Và cũng ngày này năm năm trước đó, 19-5-1890, ở Việt Nam sinh ra một con người, một chiến sĩ cộng sản chân chính, một chiến sĩ giải phóng dân tộc kiên cường, một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn hóa lớn, một con người đã sinh ra một thời đại mà nhờ Người, thế giới biết đến Việt Nam: đó là Hồ Chí Minh.
45 năm qua, cứ vào ngày 19-5, trên mọi nẻo đường và mọi cơ quan, khu phố, thôn xóm ở Cuba, nhân dân Cuba đã thành tập quán, họ lập lễ đài, treo hai ảnh J.Marti và Hồ Chí Minh bên cạnh nhau, tổ chức mít-tinh, nói chuyện về cuộc đời của hai vĩ nhân, qua đó làm thắm đậm thêm mối tình hữu nghị gắn bó, đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc anh em.
Ðược sự giáo dục của đồng chí Fidel Castro và Ðảng CS Cuba, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng CS Việt Nam qua nhiều thế hệ, mối quan hệ truyền thống giữa hai nước đã được ghi nhận và phát triển qua năm tháng, không chỉ bằng những tình cảm sâu đậm mà còn bằng những việc làm thiết thực, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau.
Ngay từ khi cách mạng Cuba thành công, ngày 1-1-1959, nhân dân ta đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ của mình với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Cuba anh em. Tình cảm đó được thể hiện ở Bác Hồ, người đã có sự ưu ái đặc biệt với CH Cuba khi Người còn sống, của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ta và của mọi tầng lớp nhân dân ta đối với Fidel, đối với nhân dân Cuba đang ngày đêm xây dựng đất nước nhưng đồng thời luôn phải đối phó với những âm mưu và hoạt động chống phá cách mạng của kẻ thù. Trong lúc ta đang kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chưa có nhiều cơ sở vật chất để giúp bạn, nhưng sự ủng hộ về tinh thần và tình cảm thì vô hạn, nhất là ta và bạn đã trao đổi, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm bảo vệ Tổ quốc, kinh nghiệm chiến tranh nhân dân.
Trong thời kỳ khó khăn, sau khi Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu sụp đổ, chúng ta đã chia sẻ với Cuba những khó khăn mà bạn đang phải đương đầu. Những đợt quyên gạo của nhân dân ta giúp bạn rất kịp thời, giúp quần áo, hàng tiêu dùng, đồ dùng học tập, sách vở cho các cháu học sinh tuy không nhiều nhưng đã góp phần giúp bạn lúc khó khăn.
Những cuộc vận động giúp nhân dân Cuba vượt qua thời kỳ đặc biệt được tiến hành nhiều đợt, được nhân dân ta đã hưởng ứng rất nhiệt tình, vì như đồng chí nguyên Tổng Bí thư Ðỗ Mười đã nói "Ðoàn kết với Cuba là lương tâm và nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam".
Việc làm của chúng ta về vật chất chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn, và để chúng ta đền ơn đáp nghĩa lại tình cảm và sự ủng hộ của Cuba với cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta.
Trong những năm chúng ta kháng chiến, lãnh đạo Cuba đã sớm nhận ra ý nghĩa thời đại của cuộc đấu tranh của nhân dân ta, đồng chí Fidel đã nói: "Việt Nam chiến đấu không phải cho mình mà còn cho cả chúng ta". Với tư tưởng chỉ đạo đó, Cuba đã dành cho Việt Nam nhiều sự giúp đỡ và ủng hộ rất cụ thể, không chỉ ủng hộ và đồng tình về mặt chính trị, tinh thần.
Ngay trong lúc ta đang chiến đấu, Cuba đã nhận hàng nghìn sinh viên sang học và đào tạo ở Cuba. Nhiều sinh viên, trong số này có cả sinh viên ở miền nam, đã trưởng thành và nhiều người đã giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Ðảng và Nhà nước; giúp ta bằng cách bán số đường hàng vạn tấn, đổi lấy tiền gửi vào cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.
Cuba là nước công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đầu tiên trên thế giới và cho lập cơ quan đại diện thường trú của Mặt trận tại La Hababa và tạo mọi điều kiện cho phái đoàn hoạt động như một cơ quan ngoại giao chính thức.
Cuba cũng đã giúp ta những cơ sở kinh tế, y tế, cùng những trang thiết bị hiện đại, trong đó có việc xây dựng một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, lập đội xây dựng Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ này, xây dựng đường Xuân Mai, khách sạn Thắng Lợi- khách sạn hiện đại đầu tiên ở miền bắc mà khi đến dự lễ khai trương, cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã gọi: "Ðây là viên ngọc quý của tình hữu nghị Việt Nam - Cuba".
Các thanh niên Cuba cũng đã thực hiện lời dạy của Fidel: "Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Nhiều bác sĩ, kỹ sư, thủy thủ Cuba đã có mặt tại Việt Nam trong những ngày gian khó chống quân xâm lược.
Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam do nữ Anh hùng Moncada Melba Hernandez làm chủ tịch đầu tiên, và Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba do nguyên Bí thư T.Ư Ðảng Hoàng Tùng, sau đó là nữ đồng chí Nguyễn Thị Ðịnh, nguyên Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền nam làm chủ tịch và các đồng chí chủ tịch kế tiếp, đã có những đóng góp quan trọng, động viên phong trào Cuba ủng hộ Việt Nam, với những hình thức hoạt động phong phú, sâu sắc, rộng khắp, từ trung ương xuống các địa phương.
Nhờ có hoạt động của hai Hội, những tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo hai đảng đã được triển khai kịp thời rộng khắp đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước từng thời kỳ.
Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập quan hệ ngoại giao, nhân dân Việt Nam và Cuba có quyền tự hào về cuộc đấu tranh chính nghĩa của hai dân tộc thật lớn lao, tình cảm và quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa hai nước vô cùng sâu sắc, đậm đà và vĩ đại. Một câu nói hay một khẩu hiệu mà người Cuba mỗi lần nói chuyện với anh chị em Việt Nam hay kết thúc một bài nói trong cuộc mít-tinh, gặp gỡ với Việt Nam, thường hô: Việt Nam - Cuba đoàn kết nhất định thắng! Câu nói ấy mãi mãi sẽ còn đậm nét tính thời sự của nó.
|