Việt Nam là một quốc gia dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến. Quá trình dựng nước và giữ nước đã hun đúc và phát triển ngày càng sâu sắc ý thức về độc lập, chủ quyền đất nước và khát vọng tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhờ ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông sức mạnh, nước Nam đã thắng"(1) các đội quân xâm lược phong kiến đông mạnh trong lịch sử. Song động lực dân tộc vĩ đại đó không phải bất cứ lúc nào cũng có thể khơi dậy và phát động mạnh mẽ được.
Vào giữa thế kỷ 19, chế độ phong kiến Việt Nam đã suy thoái đến cực điểm. Lợi dụng lá cờ tự do và bình đẳng, thực dân Pháp đã xâm lược, biến Việt Nam thành một thuộc địa của chúng. Dưới ách thống trị hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam mất hết quyền độc lập, tự do.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lấy trách nhiệm lịch sử ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người nghiên cứu, tiếp biến và phát triển biện chứng giá trị tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Ðông và phương Tây, đặc biệt lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng, đã xây dựng được một hệ thống quan điểm toàn diện và sáng tạo về lý luận giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và tạo lập một thể chế quyền lực của "quần chúng số nhiều".
NĂM 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến Hội nghị hòa bình ở Véc-xai bản yêu sách, trong đó có yêu cầu đòi cải cách nền pháp lý ở Ðông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu, và phải thay đổi chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Ðó là tư tưởng đầu tiên về "thần linh pháp quyền" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ định hướng tư tưởng chính trị cơ bản đó, Người đã từng bước đề ra chủ trương đấu tranh để tạo dựng một thể chế cộng hòa dân chủ ở Việt Nam.
Cuối tháng 1-1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Pháp - Nhật của nhân dân Việt Nam. Nắm vững và giương cao ngọn cờ độc lập, tự do được xác định trong cương lĩnh đầu tiên của Ðảng, Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tháng 5-1941 do Người chủ trì đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng, khẳng định cách mạng Ðông Dương lúc bấy giờ là một cuộc "cách mạng dân tộc giải phóng". Nhiệm vụ đánh Pháp - Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nhân, nông dân mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân. Lúc này không phân biệt công nhân, nông dân, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ; ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất vào mặt trận chung, đem tiềm lực dân tộc để giành quyền độc lập, tự do. Mặt trận ấy là Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Chương trình cứu nước của Việt Minh nhằm thực hiện hai điều cốt yếu mà toàn thể đồng bào ta đang mong ước là: "Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được sung sướng tự do". Sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ "thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc"(2). Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy ngọn cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc và do "Quốc dân đại hội cử lên".
Chủ trương thay đổi chiến lược của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tháng 5-1941 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định đến thành công của cuộc vận động giải phóng dân tộc từ năm 1941 đến 1945.
Tháng 10-1944, trong bối cảnh chiến tranh thế giới sắp bước vào giai đoạn kết thúc, thắng lợi sẽ thuộc về các lực lượng dân chủ chống phát-xít, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Ðại hội đại biểu quốc dân để bầu ra một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân Việt Nam trước vận hội mới của đất nước. "Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang"(3).
Từ tháng 3-1945 trở đi, một cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát động mạnh mẽ trong toàn quốc. Cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra thắng lợi ở nhiều địa phương. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc Giải phóng là hình thức tiền chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giành chính quyền cách mạng. Trong các vùng giải phóng, các căn cứ địa cách mạng thì tổ chức Ủy ban Nhân dân Cách mạng do dân dùng phổ thông đầu phiếu hay do đại biểu hội nghị các giới bầu lên.
Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp từ ngày 15 đến 20-4-1945 cũng thảo luận và đề nghị triệu tập một cuộc đại biểu đại hội của các giới, các đảng phái, các thân sĩ toàn quốc để thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam và tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời. Ðiều này đã thể hiện rõ tư tưởng và chủ trương tổ chức Quốc dân Ðại hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt và được sự nhất trí của Ðảng và của Mặt trận Việt Minh.
Ðến giữa tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển đến đỉnh cao. Quân đội phát-xít Nhật bị quân Ðồng minh đánh bại. Vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Ðông Dương rệu rã, chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt. Quân Ðồng minh sắp kéo vào Ðông Dương. Thực dân Pháp ráo riết trở lại xâm lược Ðông Dương. Thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi.
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng đã kịp thời họp và quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, xác lập địa vị làm chủ nước nhà của nhân dân Việt Nam trước khi quân Ðồng minh vào Ðông Dương giải giáp quân đội Nhật. Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh cho quân dân toàn quốc phải đứng lên giành lấy quyền độc lập và phải hành động cho nhanh, với một tinh thần quả cảm.
Thực hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền, kế hoạch triệu tập đại biểu Quốc dân Ðại hội đã triển khai, song vì liên lạc khó khăn, giao thông trắc trở, cho nên nhiều đại biểu chưa thể đến kịp. Tình thế vô cùng khẩn cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc giá trị của thời gian, của mỗi ngày, mỗi giờ trong lúc đại chuyển biến của thời cuộc. Chậm một ngày, một giờ tức là bỏ lỡ cơ hội. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh thấy không thể chờ đại biểu đến đầy đủ được, cho nên đã quyết định khai mạc Ðại hội đại biểu quốc dân ngay từ chiều 16-8-1945 tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái dân chủ, các Hội Cứu quốc, các tộc ít người, đại biểu từ Nam Bộ, nam Trung Bộ và Việt kiều ở Thái-lan, ở Lào đã về dự đại hội. Phần lớn các đại biểu lần đầu được gặp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, được nghe Người vạch rõ phương châm hành động thắng lợi trước tình thế mới. Ðồng chí Trường-Chinh, Tổng Bí thư Ðảng, báo cáo với đại hội về quyết định phát động Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng; đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân; đồng chí Trần Ðức Thịnh báo cáo về phong trào nông dân; đồng chí Nguyễn Ðình Thi báo cáo về văn hóa cứu quốc; đồng chí Hoàng Ðạo Thúy báo cáo về Hướng đạo sinh... Ðại hội đã nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Ðảng và Tổng bộ Việt Minh, thông qua 10 chính sách lớn về đối nội và đối ngoại, trong đó điểm đầu tiên là "phải giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gồm 15 thành viên do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Ủy ban Dân tộc Giải phóng cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một Chính phủ chính thức. Ủy ban này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước.
Ðại hội bế mạc ngày 17-8-1945 trong bầu không khí Tổng khởi nghĩa sục sôi. Các đại biểu khẩn trương trở về địa phương để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền theo ba nguyên tắc: tập trung, thống nhất, kịp thời, vì "không phải Nhật bại mà nước ta tự nhiên được độc lập... Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta... Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập. Một dân tộc quyết tâm và nhất trí đòi quyền độc lập thì nhất định được độc lập. Chúng ta sẽ thắng lợi"(4).
Ngay sau Ðại hội quốc dân, Hồ Chí Minh - Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước "hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ". Người cũng đã gửi thư yêu cầu Liên Hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình về quyền được hưởng dân chủ và độc lập của tất cả dân tộc, đồng thời cũng gửi thông điệp yêu cầu Chính phủ Pháp phải công nhận Chính phủ Việt Nam và nêu các điều kiện về mối quan hệ giữa người Việt Nam và Pháp. Quốc dân Ðại hội Tân Trào diễn ra khẩn trương và thắng lợi trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết của dân tộc quyết tâm và nhất trí đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta ở một thời điểm thuận lợi ngàn năm có một, quyết giành cho được độc lập hoàn toàn.
Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng diễn ra thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Ðại xin thoái vị để "được làm dân tự do của một nước độc lập".
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp - Nhật, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Hồ Chí Minh đã về Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Chính phủ quốc gia thống nhất. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập".
Tổ chức thắng lợi Quốc dân Ðại hội Tân Trào để quyết định chuyển xoay vận nước bằng cuộc Tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng có tính chất như một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một điển hình sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng cơ sở pháp quyền đầu tiên cho chế độ dân chủ cộng hòa. Ông Archimedes L.APatti, một sĩ quan tình báo Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc bấy giờ nhận xét rằng, khi được tin sự sụp đổ của phát-xít Nhật, Hồ Chí Minh "đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đứng chân vững chắc ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ông Hồ biết rằng Ông phải làm cho mọi người thấy rõ được cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào"(5).
Ðại hội Quốc dân Tân Trào "là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay"(6), mang tầm vóc lịch sử như một Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cơ quan quyền lực cao nhất của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập. Sđd. Tập 1, tr80.
2. Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sđd. Tập 7, tr 114.
3. Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia H. 1995. Tập 3, tr 505.
4. Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sđd. Tập 7, tr 561.
5. Archimedes L.APatti. Tại sao Việt Nam. Nxb Ðà Nẵng, 1995, tr 146.
6. Hồ Chí Minh Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia H. 1995. Tập 3, tr 553.
|