Không còn là cá biệt, việc lợi dụng chức quyền để phân bổ, chia chác đất đai đang xảy ra ở nhiều nơi. Thực trạng này được nhận diện ra sao? Sẽ xử lý như thế nào?
Tuổi Trẻ đã đặt vấn đề này với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ - người vừa trực tiếp đi kiểm tra tình hình thực thi Luật đất đai ở nhiều tỉnh thành.
- Thưa ông, trong quá trình kiểm tra tình hình thực hiện Luật đất đai trên toàn quốc hồi tháng tám vừa qua, hẳn ông và các đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng đất đai của quan chức?
- Qua phản ảnh của dân, có thể thấy tình trạng tham nhũng đất đai rất đa dạng, có ở nhiều nơi, cấp xã có, cấp huyện có, cấp tỉnh có. Tại các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo chủ yếu tham nhũng đất ở, còn tại các tỉnh phía Nam chủ yếu tham nhũng đất nông nghiệp.
Phải nói đây là hiện tượng phức tạp và tôi cho rằng 70% phản ảnh của dân là đúng nên cần phải điều tra cụ thể, xử lý sớm, xử lý triệt để.
- Các ông đã trực tiếp kiểm tra cụ thể đối với những trường hợp tham nhũng đất đai được dân phản ảnh chưa?
- Đối với một số trường hợp, sau khi nghe dân phản ảnh, chúng tôi đã kiểm tra tại các sở chuyên môn.
Chẳng hạn như tại Tây Ninh, sau khi được người dân phản ảnh về tình trạng đất phát triển lâm nghiệp rơi vào tay quan chức, chúng tôi kiểm tra tại Sở Tài nguyên - môi trường và được báo cáo khái quát về trường hợp vị lãnh đạo này, vị lãnh đạo nọ có bao nhiêu hecta đất trồng cao su ở chỗ này, chỗ khác mà đất đấy là đất giao cho nông dân thiếu đất theo chương trình 327.
Hay như ở Khánh Hòa, sau khi nghe dân phản ảnh chuyện quan chức tham nhũng đất, chúng tôi hỏi cơ quan chuyên môn, họ cũng khẳng định điều đó đúng.
- Theo ông, tình trạng tham nhũng đất đai thể hiện qua những chiêu thức nào?
- Qua phản ảnh của dân trong đợt kiểm tra vừa rồi và qua đơn thư tố cáo mà chúng tôi nhận được, có thể thấy có rất nhiều dạng tham nhũng đất đai khác nhau.
Thứ nhất, tham nhũng dựa vào các chương trình mục tiêu của Nhà nước. Đó là những chương trình khuyến khích, tạo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là người nghèo, phát triển quĩ đất. Trong trường hợp này có thể đất đến tay một số người nhất định đúng đối tượng thuộc chương trình nhưng không phải tất cả và đến tay một số quan chức với tỉ lệ lớn.
Có thể xử lý được triệt để nhưng đòi hỏi phải có một quyết tâm từ trên xuống dưới và điều quan trọng là chúng ta có muốn làm thật không. Về phía bộ, chúng tôi luôn luôn quyết tâm. Nhưng vẫn cần một quyết tâm chính trị để chúng ta cùng nhau xử lý nhằm làm cho bộ máy quản lý đất đai trong sáng, bộ máy hành chính nghiêm túc. Tất cả kết quả đó phải được công khai, người dân có thể biết ông nào có bao nhiêu đất. |
Thứ hai, tham nhũng đất đai từ các khu tái định cư. Đáng lẽ chỉ những người nằm trong diện tái định cư mới được vào đấy nhưng lại có nhiều người là quan chức, người nhà quan chức cũng được vào. Thậm chí có nơi một dự án tái định cư mà một vị lãnh đạo có tới 2-3 suất đất, suất tên mình, suất tên vợ, suất tên con.
Thứ ba, tham nhũng đất đai tại khu giãn dân ở khu dân cư nông thôn. Bình thường người được vào khu giãn dân là những người có nhu cầu về nhà ở, nhưng sự thật có nhiều người không thuộc diện đó cũng được bố trí và thường đó là người quen biết, họ hàng của các vị lãnh đạo hay chính các vị lãnh đạo.
Thứ tư, tham nhũng đất biểu hiện dưới dạng quyết định thu hồi đất cho một dự án, rộng hơn mức cần thiết của dự án, nhưng sau đó chỉ giao diện tích đúng như dự án, phần còn lại sau 1-2 năm, khi không ai còn biết nữa, không ai nhớ đến nữa thì đem chia chác cho nhau.
Thứ năm, biểu hiện tham nhũng đất đai mang tính lớn hơn là không có dự án gì nhưng vẫn thu hồi đất của dân rồi để đấy, sau đó thuyết minh dự án chậm, dự án không có rồi đem chia cho nhau.
Tức là ngay từ đầu họ đã chủ định thu hồi đất của dân cho mình. Ngoài ra có thể kể đến dạng tham nhũng từ việc nhận nhà đất của các doanh nghiệp thực hiện dự án phát triển nhà ở dưới hình thức quà biếu, tặng.
- Và tình trạng tham nhũng đất đai không chỉ ở cấp địa phương?
- Tôi tin cán bộ lãnh đạo của các cơ quan trung ương có tham nhũng đất nhưng thể hiện dưới dạng vợ, con, người thân của họ đứng tên. Tôi đã từng nghe phản ảnh chuyện quan trung ương, nhiều nhất là chuyện gia đình một số lãnh đạo cấp bộ, cấp vụ có đất ở Hòa Lạc, Xuân Mai (Hà Tây), Sóc Sơn (Hà Nội).
Nhưng tôi muốn nói lại, tất cả những chuyện đó chúng ta phải điều tra. Đáng lẽ chúng ta phải điều tra chuyện này sớm để kết luận. Hiện Nhà nước cũng có chủ trương sẽ rà soát lại hiện trạng sử dụng đất ở Hòa Lạc để đưa ra trường hợp tham nhũng cụ thể.
- Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng tham nhũng đất đai tại nhiều địa phương như vậy?
- Nguyên nhân sâu xa là do bất động sản có khả năng sinh lợi rất nhiều, chỉ cần trong tay có một mảnh đất thì hôm sau kiếm được giá gấp đôi. Nguyên nhân thứ hai là do hệ thống quản lý đất đai lỏng lẻo, chưa giám sát được những trường hợp tham nhũng.
Nếu hệ thống quản lý đất đai chặt, công khai, minh bạch, tất cả giao dịch về bất động sản đều phải qua đăng ký thì chúng ta sẽ nắm được.
- Vậy theo ông, cần đưa ra những biện pháp gì để xử lý tình trạng này?
- Phải công khai hóa vị trí tái định cư, công khai hóa danh sách những người được xét duyệt vào khu giãn dân, khu tái định cư, công khai hóa dự án, quyết định giao đất, đặc biệt là giao đất ở, thu hồi đất... Tất cả những công khai hóa đấy làm cho việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất được đúng pháp luật.
Tới đây, chúng tôi dự kiến trình Chính phủ hai báo cáo: một báo cáo về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Luật đất đai, một báo cáo về tình hình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của dân về đất đai, trong đó sẽ đề cập đến chuyện tham nhũng đất đai.
Mặc dù chưa kết luận về tình hình đó nhưng chúng tôi ghi nhận đấy là hiện tượng thiếu lành mạnh, cần xem xét, cần kiểm tra sâu hơn và cần tiến hành thanh tra. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trương sẽ thanh tra ở những điểm đang có biểu hiện sai trái, vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ làm tiếp chứ không phải cứ để thế.
Khiết Hưng (Tuổi Trẻ)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Khai trương siêu thị miễn thuế tại Cửa khẩu Mộc Bài (26/10/2005)
▪ Thái-lan cấm vận chuyển gia cầm trên cả nước (27/10/2005)
▪ Kinh nghiệm từ đợt tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm ở Hà Tây (27/10/2005)
▪ Việc không thể xin lỗi (27/10/2005)
▪ Đà Nẵng bị ô nhiễm ánh sáng (27/10/2005)
▪ Muốn nước sạch hết bẩn, phải có 1.500 tỷ đồng (27/10/2005)
▪ Phiên đấu giá gây thiệt hại 5 tỷ đồng (27/10/2005)
▪ Quy hoạch chăn nuôi gia cầm vẫn chỉ nằm trên văn bản (27/10/2005)
▪ 4 triệu học sinh, sinh viên trong diện tăng học phí (27/10/2005)