Quy hoạch chăn nuôi gia cầm vẫn chỉ nằm trên văn bản
Các Website khác - 27/10/2005

Từ cuối tháng 6, Chính phủ đã chỉ đạo 15 thành phố trong năm nay phải quy hoạch mạng lưới chăn nuôi theo hướng cấm nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị; trước năm 2007 phải xây xong lò mổ tập trung. Nhưng đến nay, chỉ trừ TP HCM, Đà Nẵng làm được, còn lại tất cả mới dừng ở quy hoạch trên văn bản.

Ngay như Hà Nội, trong một hội nghị tổ chức mới đây, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Duy Tâm, phân trần, Sở đã soạn thảo quy chế cấm chăn nuôi gia cầm ở tất cả quận nội thành, ở các huyện ngoại thành người nuôi phải đăng ký với chính quyền xã; đến 30/6/2006 thành phố sẽ cấm vận chuyển gia cầm sống vào nội thành, cấm giết mổ trong tất cả chợ nội thành. Đề án xây 2 điểm giết mổ tập trung, quy mô đầu tư mỗi nơi tới 40 tỷ đồng cũng đã được trình thành phố từ đầu năm. Nhưng đến nay, cả quy chế lẫn đề án lò giết mổ vẫn chưa được thông qua.

Giết mổ gia cầm tại chợ Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Lý do được lãnh đạo Sở nêu ra là tìm được vị trí thích hợp để chăn nuôi, xây lò giết mổ tập trung ở một thành phố đông dân thứ nhì đất nước không phải dễ dàng. Mặt khác, tập quán mua gia cầm sống và giết mổ ở những chợ nhỏ lẻ rất khó thay đổi, trong khi Hà Nội có tới 171 chợ lớn nhỏ và hàng trăm tụ điểm kinh doanh. Ông Tâm hy vọng: "Sau chuyến tham quan các lò mổ của TP HCM vào tuần này, lãnh đạo thành phố sẽ quyết liệt hơn trong việc chống lại đại dịch cúm"!

Để ngăn ngừa dịch tái phát theo chu kỳ vào năm nay, tiến tới khống chế bệnh cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn cả nước vào năm 2006-2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra 4 giải pháp, được Chính phủ đồng ý. Trong đó ngay năm nay sẽ cấm chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu công nghiệp tại các thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Biên Hòa (Đồng Nai), Nha Trang (Khánh Hòa), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Hải Dương, Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Đông (Hà Tây), Thanh Hoá, Vinh (Nghệ An), Thái Nguyên. Các tỉnh còn lại được khuyến khích thực hiện, nhưng không chậm quá năm 2007.

Một giải pháp khác là quy hoạch điểm giết mổ gia cầm và hệ thống lưu thông phân phối theo hướng xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở các thành phố; xóa bỏ chợ gia cầm sống trong nội thành, nội thị; tất cả chợ buôn bán gia cầm phải cách ly với nơi buôn bán các mặt hàng khác. Mục tiêu là trước năm 2007, các tỉnh thành phố kể trên phải hoàn thành xây dựng điểm giết mổ tập trung, những thành phố thị xã còn lại không chậm quá năm 2010.

Hạ Long cũng nằm trong danh sách thành phố phải quy hoạch mạng lưới chăn nuôi gia cầm ngay năm nay. Tuy nhiên, ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Thú y tỉnh Quảng Ninh, cho biết, tỉnh mới duyệt quy hoạch, còn triển khai thì chưa. "Việc này liên quan đến nhiều ngành, môi trường đô thị, quy hoạch chợ, khu dân cư... Chứ một mình ngành thú y thì chào thua", ông Ái nói.

Mặt khác, theo ông Ái, hàng nghìn người sống nhờ vào việc chăn nuôi, giết mổ và buôn bán gia cầm nhỏ lẻ. Nếu cấm sẽ động đến nồi cơm của họ và dễ bị phản ứng. "Nhân viên thú y bị chửi, bị lăng mạ, thậm chí khi thu tiền kiểm dịch, họ còn xé tiền rồi đưa", ông Ái kể. Cũng bởi những lý do trên mà Chi cục trưởng Thú y cho rằng dù năm 2006 thành phố quyết tâm triển khai xong quy hoạch, nhưng để thực hiện triệt để thì ngay cả ông cũng không tin lắm.

Thành phố Thái Nguyên cũng đành lỗi hẹn, không thể thực hiện quy hoạch chăn nuôi và điểm giết mổ tập trung trong năm nay. Ông Hoàng Văn Dũng, Chi cục phó Thú y Thái Nguyên giải thích, tỉnh nghèo, ngân sách dự phòng năm nay đã được huy động hết cho công tác phòng dịch từ đầu năm tới nay. Bây giờ có thêm một đợt dịch quy mô lớn trên địa bàn thì tỉnh chỉ còn chờ cấp cứu của trung ương.

Cũng vì thiếu tiền nên UBND tỉnh chỉ lập kế hoạch xây 2 lò giết mổ tập trung tại thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công. Xây xong 2 lò thí điểm sẽ nhân rộng ở các quận khác. Tuy tỉnh đã kêu gọi nhiệt tình, nhưng bây giờ mới có 1-2 nhà đầu tư quan tâm tới dự án này. "Họ có tiền, song lại lo xây xong rồi không có khách bởi tập quán chăn nuôi, giết mổ tại gia đình, tại các chợ đã tồn tại từ bao đời, không thể một lúc thay đổi được", ông Dũng nói.

Một lý do mà lãnh đạo chi cục thú y ngại đề cập là từ lâu nay ngành nông nghiệp nói chung, thú y nói riêng không được địa phương quan tâm đúng mức vì nó không mang về nhiều lợi nhuận. Chỉ đến khi xảy ra đại dịch cúm, công tác quy hoạch mạng lưới chăn nuôi, giết mổ gia cầm mới trở nên cấp thiết. Chính vì thế, trong một hội nghị mới đây, nhiều lãnh đạo Sở Nông nghiệp đã phải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển có tiếng nói để "thúc" UBND tỉnh làm quyết liệt hơn. Tuy nhiên, Bộ đành bó tay vì việc này chỉ Chính phủ mới làm được.

Ý kiến của bạn

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Sẽ cấm bán tiết canh vịt, ngan (24/10)
Chung sức sản xuất thuốc đặc trị cúm gia cầm (21/10)
Indonesia đã có cúm gà từ 2 năm trước (21/10)
Đại dịch cúm có thể làm chết hàng triệu người (19/10)
'Khi có đại dịch cúm, trường học sẽ thành bệnh viện' (18/10)
Xem tiếp»