Là tỉnh có mật độ chăn nuôi gia cầm lớn, với 10,5 triệu con, là "trung tâm" sản xuất, cung ứng con giống, sản phẩm gia cầm lớn nhất miền bắc, Hà Tây được xem như "điểm nóng" phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, Ðảng ủy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, sẵn sàng đầu tư kinh phí để tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêm vaccine, giám sát dịch cúm gia cầm và có chế độ hưởng lương cho Trưởng ban thú y xã. Ðó chính là động lực cho các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân hợp tác, ngăn chặn kịp thời sự tái phát dịch cúm gia cầm trong hai năm qua.
Trong chiến dịch tiêm vaccine này, Hà Tây cũng chọn địa bàn tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà (như hướng dẫn của Cục Thú y), nhưng quá trình được thực hiện khá bài bản và kỹ lưỡng. Không làm mang tính phong trào, mà mục tiêu đặt ra là tiết kiệm vaccine, giảm sự cố do tiêm không đúng kỹ thuật, đặc biệt phải bảo đảm chất lượng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Theo anh Nguyễn Huy Ðăng, Chi cục trưởng Thú y, cách làm của Hà Tây có thể hiểu: Trước tiên, tỉnh tổ chức hội nghị nhằm quán triệt chủ trương đến Ban chỉ huy phòng, chống dịch cúm gia cầm các huyện, các trạm thú y trong huyện. Sau đó, các huyện sẽ triển khai đến từng xã (bao gồm lãnh đạo xã, trưởng thôn, các đoàn thể). Tiếp đến tỉnh chọn xã Nam Triều ( Phú Xuyên) là nơi tiêm phòng thí điểm, với sự có mặt của đại diện Ban chỉ huy các huyện, trạm trưởng thú y. Từ thực tế của xã Nam Triều, mỗi huyện lại tự làm điểm một xã, mời ban chỉ huy, thú y xã đến thực địa, rút kinh nghiệm ngay tại nơi làm điểm. Sau đó, tỉnh mới tổ chức tiêm đại trà theo cụm (gồm 4-5 xã/ cụm), theo hình thức cuốn chiếu. Nhờ vậy, Ban chỉ huy có thể giám sát quá trình tiêm, như đối tượng gia cầm, kỹ thuật tiêm đỡ lãng phí vaccine. Thông qua đó, các xã có thể học tập lẫn nhau về cách tổ chức. Với cách tổ chức các điểm cố định ở một xóm, thôn, thông báo cho dân mang gia cầm đến tiêm tập trung, hoặc các tổ tiêm lưu động đến tận hộ chăn nuôi (có số lượng từ 50 con trở lên) đã mang lại hiệu quả nhất định. Tại mỗi điểm cố định, ban chỉ huy cho dán thông báo ghi rõ đối tượng gia cầm trong diện tiêm, loại vaccine sử dụng, thời gian tiêm nhắc lại để người chăn nuôi thực hiện cho đúng. Trong chiến dịch này, Hà Tây chỉ tiêm cho gà, vịt sinh sản, làm giống, đẻ trứng thương phẩm có thời gian nuôi đẻ tiếp tục từ ba tháng trở lên. Như vậy, lực lượng tiêm phòng ở các xã được tập huấn kỹ thuật tới bốn lần, lại được huyện, xã hỗ trợ kinh phí, cho nên ngày công tiêm phòng được trả cao hơn so với chế độ quy định, đã có ý nghĩa động viên kịp thời người tiêm phòng. Nhờ giám sát chặt chẽ, thống kê, tuyên truyền tốt trong quá trình tiêm, tiêm đúng kỹ thuật, cho nên tỷ lệ gia cầm bị phản ứng thuốc chỉ chiếm 0,007%, trong tổng số 2.280 nghìn con đã tiêm (tính đến 12-10). Tỷ lệ này thấp so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Việt, yếu tố quyết định ngăn chặn dịch cúm gia cầm ở Hà Tây trong thời gian qua là vệ sinh tiêu độc, khử trùng triệt để. Riêng năm 2004 và đầu năm 2005, toàn tỉnh đã ba lần tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Không chỉ phòng bệnh cúm gia cầm, những đợt tiêu độc này còn có tác dụng làm giảm tới 10% số gia súc, gia cầm ốm do các bệnh truyền nhiễm khác (riêng gia cầm, tỷ lệ này là 50%). Trước và sau Tết Nguyên đán (năm 2006), tỉnh tiếp tục tổ chức hai đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong toàn tỉnh, tập trung ở đường làng, các chợ và những khu chôn gia cầm cũ. Ðến nay, tỉnh vẫn tiếp tục cấp toàn bộ thuốc sát trùng, tổ chức lực lượng (thanh niên, cán bộ thú y, học sinh) và chuẩn bị cấp vôi bột cho chiến dịch tiêu độc. Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi vẫn duy trì các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc hai lần/ tuần.
"Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, công tác kiểm dịch vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm ở Hà Tây là những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới" - Anh Nguyễn Huy Ðăng nhấn mạnh như vậy. Công việc phải làm rất nhiều, từ việc tăng cường chốt kiểm dịch chính ở Ba La, chợ Hà Vĩ (mỗi ngày buôn bán, tiêu thụ khoảng 7.000-10.000 gia cầm, cung cấp thịt gia cầm lớn cho Hà Nội và các tỉnh lân cận), kiểm soát giết mổ gia cầm ở 115 chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đến việc tích cực thông tin, tuyên truyền cho nhân dân hiểu, biết cách phòng, chống dịch cúm gia cầm... Tất cả các biện pháp đó đều phải làm một cách tích cực và đồng bộ, góp phần ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong mùa đông xuân tới.
|