Từ thị xã Trà Vinh đi dọc quốc lộ 53 theo hướng về phía biển không đầy 8km là đến địa phận ấp Ða Hòa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ấp này có một thời được gọi là "làng bán máu". Toàn ấp có 294 hộ gia đình, hộ Khmer chiếm 92%; và theo điều tra ở năm 2000, có đến 181 người của 124 hộ gia đình, chiếm 42% số hộ trong ấp, đi bán máu.
Đến thăm những hộ gia đình trước đây có người từng đi bán máu lấy tiền chạy gạo qua ngày, nhưng bây giờ đã có cuộc sống ổn định. Đó là một ngôi nhà mới xây khá đẹp, 8 giờ sáng vẫn còn cửa đóng then cài. Kề bên ngôi nhà ấy có một căn nhà nhỏ buôn bán tạp hóa. Một phụ nữ người dân tộc Khmer từ trong quán bước ra tiếp. Tôi không thể ngờ được ngôi nhà xinh đẹp trị giá xây dựng 200 triệu đồng và cái quán tạp hóa kia là của cùng một chủ. Ðôi vợ chồng Thạch Chư và Thạch Thị The, là một trong những hộ cách đây mười năm từng phải đi bán máu lấy tiền lo bữa ăn hằng ngày. Thấy tôi ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng từ nghèo đói sang giàu có, chị The nói, nhiều người ở xa đi qua đây ghé lại xin cho xem kiểu nhà, và hỏi gia đình có Việt kiều hả, tôi ừ đại cho xong, chớ nhà tôi không có Việt kiều đâu.
Chị The kể về nguyên nhân của cái nghèo và lý do phải đi bán máu của gia đình mình. Hơn mười năm trước, các con của chị còn nhỏ, ở cái tuổi biết ăn mà chưa biết làm. Nhà có sáu công ruộng nhưng làm không được lúa vì sâu rầy phá hại và nhiễm mặn. Ruộng nhà ai ở đây cũng vậy, nên người ta cũng không mướn mình làm, mà mượn gạo cũng không được. Không có gạo nấu cơm cho con thì phải đi bán máu thôi.
Tôi nhớ lại, đúng là những năm 1993 - 1995, rầy nâu đã phát triển thành dịch bệnh, gây hại nặng nề cho nhiều vùng lúa ở Trà Vinh, mà có lẽ nặng nề nhất là vùng đất này. Lúc đó, vùng này chưa được đầu tư các công trình thủy lợi, người làm ruộng chỉ làm một vụ lúa mùa. Chuyện mất mùa những năm ấy còn là nỗi kinh hoàng cho gia đình chị Thạch Thị Liên. Khi ra ở riêng, anh chị cũng khá giả, được cha mẹ cho hơn chục công đất và cả trâu để cày. Thế mà sau mấy vụ mất mùa, tài sản và trâu đều ra đi hết. May là chị còn giữ lại được mấy công đất. Những năm mất mùa ấy không có ai mướn người làm thuê. Nghe chị Liên kể, tôi mới thấu hiểu được những khó khăn của 92 hộ gia đình không có đất trong thời đó - làm sao không đi bán máu cho được. Tôi đến nhà Thạch Phone. Thạch Phone kể, tôi không có đất, nhưng có nghề mộc nếu có người gọi đi làm thì một ngày cũng kiếm được khoảng 30.000 đồng. Nhưng những năm đó ở đây làm gì có người làm nhà, tôi phải vác đồ nghề đi nơi khác, có khi cả tháng mới về. Vợ tôi ở nhà hết tiền, vay mượn không được phải đi bán máu mua gạo nuôi con. Hiện nay, anh chị đã được cất cho một căn nhà đoàn kết bên cạnh con kênh thủy lợi vừa mới mở rộng. Ðứa con gái lớn đi làm ở thành phố mỗi tháng gửi vài trăm nghìn đồng về phụ giúp gia đình. Nghề mộc của anh có việc làm đều hơn, chị và cô con gái kế 16 tuổi cũng được người ta mướn cắt lúa, nhổ cỏ thường xuyên và cái quán cóc tại nhà cũng cho thêm thu nhập. Ðây là một trong những hộ không có đất, từ nghèo đói vươn lên.
Tôi một vòng thăm những hộ nghèo nằm trong dự án đầu tư nuôi bò sinh sản của MTTQ tỉnh. Hộ chị Thạch Thị Liên, Thạch Truyền, Thạch Chịa Tha, Thạch Bê... từ nguồn vốn ban đầu của Mặt trận tỉnh chỉ có 2-3 triệu đồng để mua một con bò cái nhỏ, sau 3-4 năm đều có trong tay từ 2 đến 3 con bò, trị giá gần 20 triệu đồng. Có thể xem đây là dự án xóa đói, giảm nghèo đem lại kết quả cao nhất ở Ða Hòa. Không đơn thuần là dự án chỉ có 79 triệu đồng mà giúp được 33 hộ gia đình từ tay không đến có tài sản hơn 10 triệu đồng, dự án còn thể hiện tính hiệu quả khi làm thay đổi nhận thức trong đồng bào.
C0huyện nghèo khó phải đi bán máu của dân Ða Hòa đã có từ trước ngày giải phóng. Rồi đến những năm mất mùa liên tục đã làm cho một bộ phận gia đình từ trung bình đi đến trắng tay, mất hết đất. Số hộ nghèo đói, phải đi bán máu tăng lên. Ðâu phải Ða Hòa không được đầu tư. Ðến trước năm 2000, bằng nhiều nguồn vốn, Ða Hòa đã được đầu tư hàng chục dự án với gần 500 triệu đồng, nhưng tất cả đều chưa đem lại hiệu quả. Chia ấp ra làm bốn tổ đoàn kết sản xuất, trang bị cho máy suốt lúa, máy bơm nước... mua cho tháng trước thì tháng sau đã bán đi rồi. Ngay cả chuyện thành lập tổ chuyên bơm nước, mua cho cả chục máy bơm, mà lần lượt máy bơm cũng đội nón ra đi. Những năm đó đầu tư cái gì về Ða Hòa cũng đều mất vốn, đến mức các ngành đành bó tay chạy dài, không dám đầu tư nữa. Các dự án không đem lại hiệu quả, là do thiếu sự kiểm tra, giám sát từng hộ, đầu tư tràn lan trên diện rộng và chưa đúng mục đích. Từ đó, số đông hộ không chí thú làm ăn, mà còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều người nhận vốn vay mà cứ cho rằng đó là tiền Nhà nước cho không, cứu trợ!
Ða Hòa bây giờ đã đổi thay kể từ khi được chọn làm điểm chỉ đạo làm mô hình thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư". Ba năm đầu (2000 - 2003) thực hiện cuộc vận động, Ða Hòa đã có bước chuyển. Từ 170 hộ đói nghèo, trong đó có 106 hộ cực nghèo, giảm xuống chỉ còn 36 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,24%. Từ năm 2000 đến nay, Ða Hòa không được đầu tư nhiều vốn như những năm trước. Mặt trận Tổ quốc tỉnh đầu tư hai dự án nuôi bò cho 33 hộ gia đình; đầu tư không hoàn lại 3.400 con vịt và gần 1.000 cây xoài giống. Thế mà hiện nay, toàn ấp chỉ còn 8% số hộ nghèo.
Nếu đem so với những ấp có đông đồng bào Khmer khác thì Ða Hòa kinh tế chưa phát triển bằng. Nhưng nếu nhìn lại 5 năm trước và ngày nay thì quả là một sự tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, Ða Hòa xem như cơ bản xóa được nghèo. Những năm qua, Ða Hòa được cấp hơn 100 căn nhà đoàn kết, không còn người dân phải sống trong nhà ổ chuột. Những ngôi nhà mới được xây bằng sức lao động của người dân Ða Hòa ngày càng nhiều.
ĐẶNG VĂN BƯỜNG
|