Nhiều công trình trọng điểm
Chung quanh khu vực nội thành, từ tuyến đường vành đai hai trở ra, thành phố đã xây dựng thêm hàng chục khu đô thị mới hiện đại. Nhiều khu đô thị đã xây dựng xong, đưa vào sử dụng, như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Ðàm, Ðịnh Công, Ðền Lừ... Những khu đô thị mới, như Nam Thăng Long, Sài Ðồng, Việt Hưng, Mễ Trì, Nam Trung Yên... tiếp tục mọc lên, quy mô ngày càng to đẹp. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Hà Nội đã xây dựng mới hơn sáu triệu m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 7,5 m2, cải thiện chất lượng sống cho nhân dân, đồng thời tạo cho thủ đô dáng vẻ hiện đại.
Hà Nội cũng tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, nằm ở các cửa ngõ ra vào thành phố. Ðó là các nút giao thông như phía nam cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch, và mới đây là nút Ngã Tư Sở... góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xảy ra trước đây, tạo bộ mặt mới, khang trang, hiện đại cho các cửa ngõ ra vào thành phố. Tiếp đó là xây dựng các tuyến đường vành đai của thành phố. Ðường vành đai một, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa - công trình giao thông trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông giữa hai khu vực đông và tây thành phố, vừa được khởi công. Ðường vành đai hai từ nay sẽ thông thoáng hơn nhiều khi làn đường mới bờ trái sông Tô Lịch (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Ngã Tư Sở) dài hơn 6 km được đưa vào sử dụng. Cũng nằm trên tuyến này, đường Lạc Long Quân (đoạn từ đê Nhật Tân đến nút giao thông Bưởi) sắp tới sẽ mở rộng gấp bốn lần làn đường hiện nay. Ðường vành đai ba, mặc dù còn nhiều vướng mắc về công tác giải tỏa, nhưng đã hoàn thành 4,3 km từ Mai Dịch đến Trung Hòa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây thủ đô.
Khu vực nội đô được xây dựng nhiều tuyến đường mới với tiêu chuẩn kỹ thuật cao như Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao, Trần Khát Chân, Ðại Cồ Việt, Liễu Giai - Ðê Bưởi - Nghĩa Ðô, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Ðồng, Trần Duy Hưng, Nguyễn An Ninh - Phố Vọng, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Lê Ðức Thọ, Hồ Tùng Mậu, Láng Hạ - Thanh Xuân, Nguyễn Tuân... Ðường sá mở mang, việc đi lại thuận tiện đã làm khái niệm "khu vực trung tâm thành phố" không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu phố cổ, khu phố có kiến trúc kiểu Pháp như trước đây mà được mở rộng với quy mô gấp nhiều lần.
Ðể phát triển khu đô thị mới phía bắc sông Hồng theo quy hoạch, Hà Nội xây dựng thêm nhiều cây cầu mới bắc qua sông. Cầu Thanh Trì được xây dựng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản sẽ hoàn thành vào đầu năm 2006. Cầu Vĩnh Tuy đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1. Cầu Nhật Tân mới đây đã được Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội lựa chọn phương án kiến trúc, sẽ được khởi công trong năm 2006. Khi hoàn thành, cây cầu này sẽ là công trình kiến trúc đẹp, tạo dấu ấn cho thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Quản lý đô thị
Dân số Hà Nội tăng nhanh, quy mô các quận nội thành ngày càng mở rộng, gây nhiều áp lực đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố và khiến cho công tác quản lý đô thị ngày càng phức tạp. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước cải thiện môi trường xã hội cho người dân.
Nếu vào thời điểm năm 1990, công suất cấp nước sạch của Hà Nội chỉ đạt hơn 260 nghìn m3/ngày đêm, thì đến nay công suất sản xuất nước đạt gần gấp đôi, 510 nghìn m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 70% số dân thành phố. Mạng lưới truyền dẫn, phân phối được cải tạo, lắp mới đến từng hộ dân nên giảm 30% lượng nước thất thu, thất thoát. Hệ thống thoát nước của thành phố được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Ðã có thời những con sông thoát nước, như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét... do buông lỏng quản lý bị lấn chiếm, tắc nghẽn vì rác thải và phế thải xây dựng nay đã được nạo vét, kè bờ sạch đẹp. Hai trạm xử lý nước thải đầu tiên được xây dựng ở Kim Liên và Trúc Bạch đã hoàn thành, cải thiện môi trường cho thành phố.
Về chiếu sáng đô thị, đến nay 100% các tuyến đường phố và các khu dân cư, ngõ xóm có chiều rộng hơn 2 m trong các quận nội thành, các thị trấn, thị tứ đã có đèn chiếu sáng, góp phần ổn định trật tự - an ninh trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng các công viên Yên Sở, Thanh Nhàn, Nghĩa Ðô; mỗi năm trồng mới 10 nghìn cây, nâng diện tích cây xanh đạt 5 m2/người.
Công tác vệ sinh môi trường ở thủ đô thời gian qua được áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới về thu gom, xử lý các loại chất thải, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thủ đô, góp phần bảo vệ môi trường. Rác hữu cơ được tái chế thành phân vi sinh chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% rác thải y tế được xử lý. Rác thải công nghiệp được thu gom tái chế, tái sử dụng. Giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi, thành phố triển khai nhiều biện pháp kiên quyết, như đầu tư xây dựng các trạm rửa xe tại các bến khai thác cát như bến Bạc, bến Chèm, bến Phà Ðen; cải tạo thùng xe cho các xe chở vật liệu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm..., vì vậy đã giảm tình trạng ô nhiễm bụi trong nội thành.
Ngoài ra, thành phố triển khai xây dựng 125 tuyến phố văn minh đô thị, thực hiện không bán hàng rong, bày bán hàng, để xe đạp, xe máy trên vỉa hè, trả lại vẻ phong quang cho các đường phố. Các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương giải tỏa 24 chợ cóc, chợ tạm, đồng thời tiến hành cải tạo, xây mới một số chợ, xây dựng văn minh thương mại.
Vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội trong thời gian qua có sự thay đổi khá toàn diện. Thành phố đầu tư mua 570 xe buýt mới, điều chỉnh lộ trình 41 tuyến buýt cũ, mở mới thêm bốn tuyến buýt mới từ Hà Nội đi các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh... thực hiện nối mạng liên thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Nhờ đó, ngày càng nhiều người lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính trong thành phố, thay thế các phương tiện giao thông cá nhân. Nếu vào thời điểm năm 2001, mỗi năm xe buýt vận chuyển 19 triệu lượt hành khách, thì năm 2005 ước tính xe buýt Hà Nội sẽ vận chuyển được 301 triệu lượt hành khách, trung bình mỗi tháng vận chuyển hơn 25 triệu lượt người.
Diện mạo thủ đô tương lai
Tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, từ nay đến năm 2010, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị. Ðó là xây dựng thêm 108 km đường nội đô; các tuyến đường vành đai 1,2,3; các nút giao thông Kim Liên, Bưởi. Phát triển các loại hình vận chuyển hành khách công cộng, phấn đấu đến năm 2010, các phương tiện này đáp ứng 40% nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô. Mở thêm 23 tuyến buýt và hai tuyến xe buýt nhanh, từ Văn Ðiển và từ Hà Ðông vào trung tâm thành phố. Xây dựng hai tuyến xe điện nội đô từ hồ Hoàn Kiếm đi Hà Ðông và đi Phú Diễn. Mở mới 50 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, đạt 207 tuyến vào năm 2010, trong đó có 40 tuyến chất lượng cao. Xây dựng thêm chín nhà máy sản xuất nước sạch, đồng thời cải tạo, nâng công suất các nhà máy cũ, phấn đấu đến năm 2010, có 23 nhà máy sản xuất nước, với công suất 1,1 triệu m3 nước/ngày đêm, gấp đôi so với hiện nay. Triển khai dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn hai, xây dựng thêm hai trạm xử lý nước thải, giải quyết dứt điểm tình trạng úng ngập khi mưa lớn. Áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại, xây dựng nhà máy xử lý rác thành phân vi sinh tại huyện Thanh Trì và nhà máy đốt rác tại huyện Sóc Sơn. Triển khai xây dựng công viên động vật bán hoang dã Mễ Trì. Bên cạnh đó, thành phố từng bước khắc phục các yếu kém để công tác xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn ngày càng tốt hơn, xây dựng Hà Nội ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố văn minh, hiện đại.
KIỀU HƯƠNG
|