Vụ công-tơ điện tử giả: Cần làm rõ trách nhiệm của 14 đoàn thanh tra, kiểm tra
Các Website khác - 10/10/2005
Từ năm 2001 đến 2005, đã có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc với Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh. Riêng năm 2004, tức chỉ cách vụ việc này có mấy tháng, đã có năm đoàn kiểm tra về công ty, nhưng vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi đã có nhiều đơn khiếu nại của nhân dân và báo chí vào cuộc.
Vụ Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (CTÐL) mua 312 nghìn công-tơ điện tử (CTÐT) tổng trị giá 171 tỷ đồng với nhiều sai phạm lớn như: vi phạm về quy chế đấu thầu; làm giả về nguồn gốc xuất xứ; giả về chất lượng, không thể đưa vào sử dụng và gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng nghìn hộ dân dùng điện. Ðến nay, tám cán bộ của công ty đã bị bắt tạm giam. Ðây là điều tất yếu dành cho những người vì tư lợi mà coi thường luật pháp.

Tuy nhiên, dư luận thắc mắc, khi biết rằng, từ năm 2001 đến 2005, chưa đầy năm năm đã có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc với Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh. Riêng năm 2004, tức chỉ cách vụ việc này có mấy tháng, đã có năm đoàn kiểm tra gồm: Cục Thuế thành phố (kiểm tra các hoạt động kinh tế, giá thành, doanh thu, lỗ lãi); Sở Công nghiệp thành phố (kiểm tra về chức năng quản lý điện lực trên địa bàn); Ðoàn của Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam (EVN, kiểm tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản); Công ty kiểm toán VACO (theo hợp đồng với EVN, kiểm tra hoạt động tài chính, đánh giá hoạt động kinh doanh); Ðoàn Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam (kiểm tra về chỉ tiêu tổn thất điện của công ty).

Ðoàn thanh tra, kiểm tra lẽ ra phải phát hiện những sai trái để ngăn chặn kịp thời và tránh xảy ra mất mát lớn về người và tài sản. Ðằng này ngược lại, hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm gì lớn của Công ty Ðiện lực thành phố. Ðây là điều khó hiểu. Mãi cho đến tháng 5-2005, sau nhiều đơn khiếu nại của nhân dân về CTÐT chạy sai..., vụ việc mới bị báo chí phát hiện.

Dư luận đặt câu hỏi là, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện được gì, hay chỉ "cưỡi ngựa xem hoa?". Có ý kiến cho rằng, hay các đoàn thanh tra, kiểm tra Công ty ÐLTP do trình độ chuyên môn kém, hoặc do Công ty ÐLTP giỏi bưng bít, cho nên khó phát hiện? Hay vì lý do nào đó mà cố ý làm ngơ? Dù gì nữa thì cũng cần làm rõ trách nhiệm của các đoàn thanh tra.

Chúng tôi kiến nghị:

- Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh thời gian qua, xem các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được gì và có kiến nghị gì với các cơ quan có thẩm quyền?

- Nếu thấy dấu hiệu không làm tròn trách nhiệm hoặc che giấu các hành vi phạm tội của cán bộ, nhân viên Công ty Ðiện lực, thì có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ, nhân viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh thời gian qua.

- Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên các công ty nắm giữ những cơ sở vật chất có giá trị, chiếm giữ thị phần lớn về phân phối lưu thông các mặt hàng thiết yếu đến người dân và các đoàn thanh tra, kiểm tra do Nhà nước lập nên để bảo đảm tính khách quan trong công tác đặc biệt này.

- Nếu doanh nghiệp nào đã qua thanh tra, kiểm tra và được xác nhận là tốt, nhưng thời gian sau đó bị "đổ bể" tương tự Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh hiện nay thì các cán bộ, nhân viên thanh tra, kiểm tra phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bị xem như đã vi phạm pháp luật cần phải truy cứu hình sự về tội thiếu tinh thần trách nhiệm.

- Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách đặc biệt với cán bộ, nhân viên làm công tác thanh tra, kiểm tra để họ công tâm, khách quan trong công tác này.

KHÁNH HƯNG
(TP Hồ Chí Minh)