Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (DEFRA), các nhà khoa học đã xác định được rằng con vẹt được nhập khẩu từ Nam Phi này đã bị chết bởi chủng virus cúm gia cầm đã từng tàn phá ngành công nghiệp chăn nuôi và giết chết 61 người tại châu Á trong hai năm vừa qua.
Virus này lan truyền theo các loài chim hoang dã di cư và gần đây đã được phát hiện trong các con chim ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, khiến toàn thế giới nỗ lực ngăn chặn sự lây lan này.
Mặc dù virus H5N1 rất dễ lây truyền giữa các con chim nhưng nó lại rất khó lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể có những đột biến gene để trở thành một dạng cúm mới có thể dễ dàng lây lan giữa người với người và tạo nên một đại dịch có thể làm chết hàng triệu người.
Bà Debby Reynolds, bác sĩ thú y trưởng của DEFRA cho biết con vẹt bị chết dường như đã bị nhiễm virus khi nó bị nhốt trong hệ thống cách ly cùng với những con chim được nhập về từ Đài Loan. Tuy nhiên các xét nghiệm những con chim Đài Loan bị chết không đưa ra được kết luận cuối cùng.
DEFRA cho biết virus được phát hiện gần như giống hoàn toàn với chủng virus được tìm thấy ở trong các con vịt tại Trung Quốc hồi đầu năm nay, tuy nhiên lại không giống lắm với những chủng virus được phát hiện tại Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Cấu tạo gene của virus đã thay đổi chút ít trong quá trình lan truyền, và các nhà khoa học đã sử dụng các thử nghiệm về hiện tượng này để theo dõi sự di chuyển của nó trên khắp thế giới.
Đây là trường hợp cúm gia cầm được xác nhận tại Anh đầu tiên kể từ năm 1992.
Hôm qua chính phủ Croatia cũng đã hứa sẽ đền bù cho nông dân có gia cầm bị thiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nước này đã thiêu hủy khoảng 10 nghìn con gia cầm trong một khu vực gần khu công viên quốc gia nơi có sáu con thiên nga bị nhiễm H5N1.
Thiệt hại do việc thiêu hủy này ước tính lên tới khoảng 160.000 USD. Tuy nhiên, các lệnh cấm quốc tế đối với các sản phẩm thịt gia cầm của Croatia có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho nông dân nước này. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21-10 cho biết họ đang chuẩn bị đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ các loại thịt gia cầm từ Croatia, trong khi một số quốc gia châu Âu trước đó đã thực hiện việc này.
Các chuyên gia y tế đã phát hiện được virus H5 trên các con thiên nga vào ngày 21-10. Mẫu thử lấy từ những con chim bị nhiễm bệnh đã được gửi tới Anh để xác định xem đó có phải là virus H5N1 hay không. Các xét nghiệm cũng đã được thực hiện đối với năm con thiên nga khác bị chết vào ngày 23-10 ở một khu công viên gần đó.
Các diễn biến khác:
- Thụy Điển cho biết bốn con vịt bị chết tại một khu vực ở phía tây thủ đô Stockholm ngày 21-10 là do bị nhiễm virus cúm gia cầm, tuy nhiên đó không phải là chủng virus H5N1.
- Montenegro đã bắt đầu xét nghiệm gia cầm để xem chúng có bị nhiễm cúm hay không để phòng ngừa khi đại dịch này đã được xác nhận tại nước láng giềng Croatia. Montenegro và Bosnia-Herzegovina cũng đã buộc các xe hơi phải tẩy trùng tại biên giới Croatia, và cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ quốc gia này.
- Liên minh châu Âu (EU) cho biết các chuyên gia cúm gia cầm của họ đã thảo luận về một lệnh cấm nhập khẩu các loài chim hoang dã vào 25 nước thành viên của Liên minh bắt đầu từ ngày mai 25-10. Cho tới nay, EU vẫn từ chối đưa ra lệnh cấm nhập khẩu chim cảnh bởi họ lo ngại rằng một lệnh cấm như vậy có thể tạo ra một thị trường chợ đen và tăng nguy cơ phát dịch từ những con chim nhiễm virus bị buôn lậu vào thị trường này.
- Jordan và Israel đã đồng ý hợp tác một cách hạn chế để chống lại nguy cơ lây lan cúm gia cầm bằng cách giám sát những người di chuyển qua biên giới chung mặc dù tại cả hai nước này đều chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus nào.
- Triều Tiên đã phát động một chiến dịch toàn quốc để ngăn chặn sự bùng nổ cúm gia cầm, củng cố các hệ thống báo cáo và cách ly cũng như tăng cường việc giáo dục các nông dân chăn nuôi gia cầm. Hồi đầu năm nay, Triều Tiên đã phải thiêu hủy khoảng 210.000 con gia cầm sau khi xuất hiện một trường hợp virus bùng phát vào tháng 3. Từ đó đến nay tại nước này chưa có thêm trường hợp nhiễm virus nào.
- Colombia cũng đã quyết định tạm thời ngừng việc nhập khẩu gạo từ Ecuador và Bolivia vì "những lo ngại có virus cúm gia cầm từ các loài chim di trú đậu trên các cánh đồng lúa". Các quan chức Colombia ngày 10-10 cho biết họ đã phát hiện được ba trường hợp cúm gia cầm, nhưng không phải là do chủng virus H5N1. Nhưng Bolivia, Ecuador, Panama, Peru và Venezuela ngay lập tức đã ngừng việc nhập khẩu thịt gia cầm từ Colombia.
|