![]() |
Sau khi phá rừng người dân rút đi để lại lán trại và cây gỗ ngổn ngang. |
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, gần 100 ha rừng tại tiểu khu 25 thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đã bị tàn phá thê thảm. Hàng trăm hecta rừng xanh tươi giờ chỉ còn trơ trọi những gốc cổ thụ.
Tiếp tục vượt qua dãy núi phía trước, cảnh rừng bị chặt phá càng tàn khốc hơn. Cả một quả đồi ngổn ngang những thân cây gỗ có đường kính từ 30 cm đến 40 cm, hàng ngàn gốc cây vừa bị triệt hạ, lá vẫn còn xanh. Hàng trăm cây rừng có đường kính 50 cm - 60 cm cũng bị triệt hạ không thương tiếc. Những thân cây này được lâm tặc xẻ thành từng đoạn dài từ 2 m đến 2,5 m để chuyển đi tiêu thụ.
Anh Trần Anh Pha, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang kể, ngày 14/10, khi nhận được tin có vụ phá rừng ở khu vực xã Hòa Bắc, Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang đã tiến hành kiểm tra và bắt quả tang ông Nguyễn Hai (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) đang chặt phá rừng. Tại cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hai khai nhận đã chặt đốt 30 ha rừng để trồng rừng. Ông Hai còn cho biết thêm, việc chặt phá rừng ông đã có đơn xin ý kiến xã. Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang lập biên bản đề nghị các hộ dân ở đây chấm dứt ngay việc phát quang để trồng rừng, chờ chính quyền xử lý. Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày thì gần 10 ha rừng ở đây vẫn tiếp tục bị triệt hạ.
Theo ông Trần Văn Quý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang, khu rừng bị tàn phá nặng nề này là do UBND xã Hòa Bắc quản lý, hơn nữa lực lượng kiểm lâm của huyện quá mỏng nên không thể nào kham nổi hàng trăm nghìn hecta rừng nằm trên địa bàn huyện. Phòng Tài nguyên huyện cấp đất cho người dân trồng rừng nên đất rừng thuộc quyền sở hữu của người dân. Chỉ khi rừng trên đất đó bị tàn phá thì kiểm lâm mới có quyền tham mưu để xử lý. Nhiều khi kiểm lâm không biết được rừng đó là của Nhà nước hay tư nhân, nên khó khăn trong việc quản lý.
Ông Phạm Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết cuối năm 2004, nhiều hộ dân nộp đơn lên UBND xã xin được giao đất trồng rừng. Bức xúc trước khó khăn của người dân, xã đã xin ý kiến UBND huyện, đồng thời phối hợp với lâm trường Sông Nam (thuộc Sở Thuỷ sản Nông lâm Đà Nẵng) tổ chức đo đạc khoảng 150 ha tại các cánh rừng thuộc tiểu khu 25 nói trên. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp đất trồng rừng mới được UBND xã xác nhận và chuyển xuống huyện thì các hộ dân ở đây tự ý đồng loạt phát quang để chuẩn bị trồng rừng. Để biện minh cho việc hàng nghìn cây rừng có đường kính từ 30-40 cm bị đốn hạ, ông Dũng nại rằng: “Đó chỉ là những cây bị rỗng ruột hoặc bị sâu ăn không thể tái sinh”.
(Theo Người Lao Động)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Cần những người tuấn kiệt (24/10/2005)
▪ Cháy chợ Hoành Mô, thiệt hại trên 2 tỷ đồng (24/10/2005)
▪ Mạo danh người Việt trốn sang Campuchia (24/10/2005)
▪ Nên bãi nhiệm các bộ trưởng không đạt 50% phiếu (24/10/2005)
▪ Quảng Ninh: Cháy chợ Hoành Mô, thiệt hại trên 2 tỉ đồng (24/10/2005)
▪ Nam Trung Bộ: Đường sắt xuyên Việt ách tắc do mưa lớn (24/10/2005)
▪ Anh sử dụng chó nghiệp vụ để ngăn chặn cúm gà (20/10/2005)
▪ Đối mặt với “nạn” rác bao bì (21/10/2005)
▪ Có một vườn chim trong phố (21/10/2005)