Cần những người tuấn kiệt
Các Website khác - 24/10/2005

Cần những người tuấn kiệt

Ngày 20.10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về vụ côngtơ điện tử ở TP.Hồ Chí Minh. Trong kết luận này, Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch HĐQT, TGĐ TCty Điện lực VN (EVN) phải báo cáo giải trình lên Thủ tướng về trách nhiệm của người đứng đầu ngành điện trong công tác quản lý.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cũng không phải là lần đầu tiên đời sống chính trị và đời sống xã hội nêu cao vấn đề trách nhiệm người đứng đầu.

Gần như mỗi kỳ họp, Quốc hội đều đặt trách nhiệm người đứng đầu ở mức đúng với sự quan trọng vốn có. Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu luôn tồn tại ở cả 2 phương diện: Pháp luật và thực tế. Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu phải "chịu trách nhiệm toàn diện" về mọi hoạt động của lĩnh vực mình phụ trách.

Chịu trách nhiệm trước ai? Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đảng và Nhà nước giao cho người đứng đầu quyền lực toàn diện để điều hành, kiểm soát, xử lý, nên quyền lực gắn liền với trách nhiệm. Còn trong thực tế, ở từng đơn vị, từng lĩnh vực cụ thể, người đứng đầu đã sử dụng quyền lực được giao đối với lĩnh vực mình quản lý chứ chẳng thấy ai từ chối.

Có nghĩa là không có bất cứ một cán bộ lãnh đạo nào lại không chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu.

Thế nhưng gần đây lại diễn ra một thực tế khác rất đáng lo ngại là người đứng đầu chỉ chịu trách nhiệm về những... thành tích, còn những tiêu cực thì tìm mọi cách "phân tích", "lập luận", dẫn ra đủ các yếu tố khách quan để nhẹ trách nhiệm.

Ở góc độ nào đó, người đứng đầu không liên quan đến tiêu cực, mặt khác lĩnh vực quản lý "quá rộng, quá lớn" nên không phải chịu trách nhiệm với tư cách người vi phạm. Nhưng đó chỉ là một cách lập luận vô trách nhiệm.

Có quyền lực toàn diện thì phải có trách nhiệm toàn diện. Trong đơn vị, lĩnh vực mình quản lý xảy ra tiêu cực, có nghĩa là người đứng đầu đã không quản lý tốt, không kiểm soát chặt chẽ. ẹt nhất là về trách nhiệm quản lý, năng lực điều hành của người đứng đầu có... vấn đề, sau đó là bệnh quan liêu. Nếu chỉ "chịu trách nhiệm" về thành tích không thôi thì khi được bổ nhiệm, thiết tưởng cũng nên từ chối ngay từ đầu.

Ở góc độ tính Đảng, người đứng đầu là người đại diện cho Đảng trong một lĩnh vực nhất định. Ở góc độ pháp lý, người đứng đầu đại diện cho Nhà nước ở lĩnh vực mình được giao quyền quản lý. Ở góc độ đạo đức công vụ, người đứng đầu là người đầy tớ của dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy, người đứng đầu phải gương mẫu chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra dưới quyền quản lý chứ không thể thoái thác.

Chính vì vậy, gần đây tại mỗi kỳ họp Quốc hội hầu như không còn cái cảnh các bộ trưởng, cán bộ đứng đầu ngành biện hộ về trách nhiệm của mình trước những tiêu cực, yếu kém trong ngành. Các bộ trưởng đã chịu khó nhận: "Tôi (hoặc chúng tôi) cũng có phần trách nhiệm"; "chúng tôi xin tiếp thu"... Song, vẫn còn rất ít bộ trưởng dũng cảm: "Tôi xin chịu trách nhiệm"; "tôi sẵn sàng nhận kỷ luật".
Dẫu còn ít ỏi, nhưng rõ ràng ý thức về trách nhiệm của người đứng đầu đã có chuyển biến.

Không ai khuyến khích người đứng đầu cứ có chuyện gì xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách thì lại xin từ chức. Nói cho cùng, nếu thực sự liên tiếp diễn ra như vậy thì đó lại là một thứ biến tướng của sự trốn tránh trách nhiệm.

Dám chịu trách nhiệm để khắc phục, sửa chữa, để làm tốt hơn mới là điều cần làm. Còn nếu tiêu cực trong ngành đã quá nghiêm trọng, thì dù cố tình không nhận trách nhiệm, người đứng đầu cũng sẽ bị xử lý kỷ luật. Biết tự từ bỏ quyền lực khi mình không đủ phẩm chất, năng lực, thì mới đáng trân trọng, mới là người tuấn kiệt.

Xã hội chúng ta rất cần những người tuấn kiệt như vậy.

Tô Phán