Nên bãi nhiệm các bộ trưởng không đạt 50% phiếu
Các Website khác - 24/10/2005
Trưởng ban dân nguyện Lê Quang Bình.

Chiều nay, Luật phòng chống tham nhũng sẽ được thảo luận tại Quốc hội. Trao đổi với VnExpress, Trưởng ban dân nguyện Lê Quang Bình cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, Quốc hội nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ 2 năm với các bộ trưởng, ai không đạt 50% phiếu, cần bãi nhiệm.

- Trong Luật phòng chống tham nhũng được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội hôm nay, ông quan tâm nhất vấn đề gì?

- Điều tôi quan tâm nhất là quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Vừa qua, ai tham nhũng thì ta xử lý người đó, còn người đứng đầu cơ quan tổ chức hầu như đứng ngoài cuộc. Lần này luật có quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức.

Theo tôi, việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một cơ sở để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Chúng ta bỏ phiếu không phải để loại bỏ một vài người. Việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá lại mức độ tín nhiệm của Quốc hội với công việc của họ, thúc đẩy cá nhân đó làm tốt hơn công việc của mình. Nếu không làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu thì Luật phòng chống tham nhũng được thông qua cũng không có nhiều ý nghĩa.

- Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ông nghĩ sao về ý tưởng bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn?

- Tôi rất tán thành với quan điểm của anh Duyệt (Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Phạm Thế Duyệt) tại kỳ họp trước. Hiện nay, ta quy định 20% đại biểu đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét trình Quốc hội. Qua thực tiễn rất khó có thể thu thập được số 20% này.

Theo tôi được biết, tại kỳ họp lần thứ 9 (đầu năm 2006), Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình làm việc vấn đề sửa Luật Tổ chức Quốc hội. Trong trường hợp sửa Luật Tổ chức Quốc hội sẽ có có nhiều vấn đề, nội dung phải sửa. Nhưng theo tôi, nên sửa quy định về bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ 2,5 năm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ai đó không đủ 50% số phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội thì cơ quan có thẩm quyển nên xem xét lại việc có nên để cho cán bộ đó giữ chức vụ tiếp hay không. Còn quy định 20% đại biểu đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm như hiện nay là không phù hợp.

- Việc sửa luật Tổ chức Quốc hội theo hướng bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ sẽ gặp những vướng mắc gì, thưa ông?

- Hiện nay, Thường vụ Quốc hội chưa bàn kỹ về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ. Đây là ý kiến của tôi và nhiều người, trong đó có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tới đây, khi sửa Luật Tổ chức Quốc hội , theo tôi cũng còn nhiều vấn đề khác cần phải sửa. Ví dụ, Quốc hội có cần thiết phải bầu thành viên của các Uỷ ban, Hội đồng không hay chỉ cần bầu ông Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban? Số lượng thành viên các Hội đồng, Uỷ ban có cần đến 40 người như hiện nay không, hay chỉ cần khoảng 20 nhưng chuyên trách hết, có văn phòng ở Hà Nội.

- Ban Dân nguyện vừa tập hợp những lời đã hứa hoặc tương tự như lời hứa của các vị Bộ trưởng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7. Tại kỳ họp này, các vị Bộ trưởng đó có phải giải trình vấn đề này không?

Theo dòng sự kiện:
Khoảng 400 xã chỉ thích nhận là đặc biệt khó khăn (23/10)
Ngân sách 2005 - niềm vui thì ít, nỗi lo thì nhiều (22/10)
Quốc hội yêu cầu kiểm điểm Bộ trưởng Thương mại (22/10)
Bộ nào xài ngân sách lãng phí, bộ trưởng chịu trách nhiệm (22/10)
GDP làm nóng diễn đàn Quốc hội (21/10)
Xem tiếp»

- Theo quy định hiện nay, Thường vụ Quốc hội giao cho ban Dân nguyện có trách nhiệm, tổng hợp đôn đốc, theo dõi việc các bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội. Nhưng hiện nay một số Bộ trưởng thậm chí lãnh đạo của Chính phủ đề nghị xem xét lại vấn đề này. Lý do là khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, chưa thấy lãnh đạo Chính phủ và các vị bộ trưởng nói rằng: "Chúng tôi hứa với Quốc hội làm việc A, việc B đáp ứng mong mỏi của Quốc hội và cử tri".

Thực tế, phần lớn bộ trưởng chỉ nói chung chung là: "Ý kiến của các đồng chí chúng tôi xin tiếp thu và tới đây sẽ báo cáo". Thường vụ Quốc hội cho rằng, đó là lời hứa nhưng các bộ trưởng bảo đó không phải là lời hứa. Hiện nay, chúng tôi cũng đã có báo cáo với Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

- Những bộ trưởng nào cử tri chất vấn nhiều nhất tại kỳ họp này. thưa ông?

- Đó là Bộ trưởng các bộ Giáo dục đào tạo, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không phải chỉ kỳ này mà nhiều kỳ trước các bộ này cũng nhận được nhiều ý kiến chất vấn. Thực ra, đây là những bộ có nhiều vấn liên quan đến người dân. Trong xây dựng cơ bản, thất thoát nhiều, cử tri cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các đơn vị xảy ra thất thoát.

- Xung quanh vụ điện kế điện tử, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã gợi ý về việc làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành điện. Ý kiến của Chủ tịch được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Vừa qua Thường vụ Quốc hội có công văn gửi Chính phủ, đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngành điện xung quanh vụ điện kế điện tử. Sau khi nhận được công văn trên, ngày 21/10, Thủ tướng có thông báo số 198 yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo cáo giải trình về trách nhiệm của người đứng đầu ngành điện vụ điện kế, điện tử.

Công văn của Thủ tướng mới ký nên cũng phải có thời gian cho lãnh đạo ngành điện tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. Nhưng tôi tin, tới đây đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn về vụ điện kế điện tử. Nếu đại biểu chất vấn thì chắc chắn Bộ trưởng Công nghiệp sẽ phải trả lời.

Việt Anh thực hiện