Vóc người nhỏ bé nhưng ẩn chứa bên trong con người ông là ý chí mạnh mẽ và sự năng động hiếm có. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, có thời gian tu nghiệp tại Liên Xô, ông từng giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Z751 của Bộ Quốc phòng. Năm 1999, về hưu với quân hàm đại tá, ông bắt đầu một cuộc “chiến đấu” mới: làm kinh tế với trang trại 200ha. Ông là đại tá, kỹ sư Lê Duy Minh.
“Cây” sáng kiến và nhà quản lý giỏi của Z751
Cách đây gần 20 năm, trên báo Quân đội Nhân dân, nhà báo Đào Văn Sử đã viết về Lê Duy Minh - lúc ấy mới mang quân hàm thiếu tá như sau: “Ở đây (tức Xí nghiệp Liên hiệp Z751 - PV) họ nói về thành tích của anh khá nhiều và toàn diện. Nhưng tôi nhận ra cái “chất thép” của anh là tính năng động. Năng động trong suy nghĩ và hành động…” (Báo QĐND số ra ngày 1-5-1986).
Trong căn nhà khang trang nằm sâu trong một con hẻm yên tĩnh ở quận Gò Vấp - TPHCM, trò chuyện với chúng tôi, đại tá Lê Duy Minh nhớ lại: “Hồi ấy tôi được phân công làm xưởng trưởng, phụ trách 6 phân xưởng với gần 1.000 công nhân và 20 kỹ sư. Vượt qua nhiều khó khăn, chúng tôi đã vươn lên không ngừng, nhiều năm liền là lá cờ thi đua hàng đầu; cả 7 chi bộ trong xưởng đều đạt chi bộ trong sạch vững mạnh”. Riêng cá nhân ông, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và chiến sĩ quyết thắng.
Mặc dù ông không nói, nhưng chúng tôi biết thời ấy ông còn nổi tiếng “chuyên trị” những chỗ “khó ăn, khó ở” hạng nhất của Z751. Có phân xưởng vừa thành lập, thành phần tham gia có nhiều công nhân chậm tiến, thậm chí có tiêu cực; có phân xưởng tưởng như sắp… tiêu vì hoạt động yếu kém. Thế nhưng sau khi ông được điều về làm quản lý một thời gian là “êm như cái nhíp”, công việc chạy đều, ai nấy phấn khởi. Chỉ chừng một năm sau khi thực hiện quy trình làm việc mới do Lê Duy Minh chỉ huy, các phân xưởng này bỗng có tiếng tăm hẳn. Đặc biệt, có phân xưởng còn vươn lên, trở thành đơn vị Quyết thắng và là lá cờ đầu của Z751.
KS Lê Duy Minh còn là một “cây” sáng kiến của đơn vị. Năm nào ông cũng có nhiều sáng kiến, góp phần cải tiến kỹ thuật và tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho đơn vị. Những thành công mà nhiều đồng đội nhớ mãi là công trình phục hồi bộ đôi bơm cao áp bằng phương pháp mạ niken; chế tạo cát kim loại; clê vạn năng… được Bộ Quốc phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng sáng tạo. Khi cả nước bắt tay vào xây dựng đường dây 500kV, Lê Duy Minh được phân công làm Tổng điều hành chế tạo trụ điện tại Z751. Không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho đơn vị, ông còn góp phần khẳng định uy tín của Z751 với bạn bè quốc tế.
Từ một kỹ sư thường xuyên có mặt trên những điểm nóng của chiến trường B5 đường 9 Nam Lào, sửa chữa vũ khí cho đồng đội kịp thời đánh địch, ông trở thành xưởng trưởng, trưởng phòng kỹ thuật, giám đốc xí nghiệp rồi Phó Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hiệp Z751 - một trong những đơn vị có tầm quan trọng đặc biệt của Bộ Quốc phòng.
Năm 1999, về hưu với quân hàm đại tá, không chịu an phận hoặc “rửa tay gác kiếm” như nhiều người, KS Lê Duy Minh bắt đầu một “cuộc chiến” mới: làm kinh tế cho gia đình. Ông chọn trang trại để làm nơi thử thách sức chịu đựng và khả năng tính toán của mình. Là người lính, ông mê rừng và quyết tâm trồng rừng. Cùng với một số cựu chiến binh khác, ông trở lại vùng Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) - vốn là căn cứ của Bộ Tư lệnh giải phóng miền Nam - làm trang trại trồng rừng.
Trước đó, ông được giao hơn 500ha nhưng kế hoạch trồng rừng đầu tiên thất bại vì bị nhiều người dân di cư lấn chiếm, khi phát hiện thì mọi sự đã rồi. Không nản lòng, ông tiếp tục xin 200ha đất nằm cạnh Khu di tích lịch sử Tà Thiết. Trên mảnh đất này, ông đã bắt đầu kế hoạch sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”.Ban đầu, ông cho trồng cây tầm vông, xà cừ, tràm bông vàng, keo lai xen với sả, chanh, đu đủ, chuối, khoai mì…
Đặc biệt, sau khi nghiên cứu kỹ, ông cho trồng 10ha sả chanh Ấn Độ vì biết chắc ăn, nhất là trong lúc chưa thể triển khai những kế hoạch lớn. Giống sả này dễ trồng, năng suất thu hoạch cao và nguồn thu khá. Quả đúng như vậy, chỉ sau một thời gian đầu tư, ông đã xuất khẩu sang Campuchia 500.000 cây sả giống, thu về hàng trăm triệu đồng trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
Từ những thành công “nho nhỏ” như vậy, ông tiếp tục đầu tư lớn với những kế hoạch dài hơi hơn mà không phải lấy tiền gia đình. Ngoài ra, hàng năm, ông vẫn đều đều mang về cho vợ con cả trăm triệu đồng nhờ thu hoạch các loại cây ngắn ngày.
Hiện nay, cây rừng trồng trong trang trại của ông đang phát triển tốt. Đại tá Lê Duy Minh cho biết, sang năm 2007, ông có thể thu hoạch bạc tỷ từ cây rừng do ông và các cộng sự trồng.
Ông “nhà giàu” dễ mến
Bí quyết của ông hóa ra thật đơn giản. Mình có miếng ăn thì cũng phải nghĩ tới mọi người xung quanh và nhất quyết là không bao giờ được “chảnh”. Có hôm đi ô tô từ TPHCM lên Bình Phước thăm trang trại, đi qua chỗ có nhiều bà con sinh sống, thấy mọi người có vẻ thích thú, ông liền mời người già, trẻ em lên xe và đánh một vòng… dạo mát khiến ai nấy phấn khởi vô cùng.
6 gia đình với 20 lao động được đại tá Lê Duy Minh tạo việc làm ngay tại trang trại đều có cuộc sống ổn định. Ông Út Ê - một trong những người có trách nhiệm quản lý rừng trong trang trại nói với vẻ biết ơn: “Nhờ có ông Minh mà gia đình chúng tôi có được cuộc sống như hiện nay. Từ chỗ nghèo đói, bây giờ chúng tôi đã có cơm ăn, có tiền sắm sửa các phương tiện và có tiền để dành…”.
Đại tá, KS Lê Duy Minh còn vận động bạn bè, người thân và phối hợp với Trung tâm Y tế quận Gò Vấp mời hàng chục bác sĩ về Tà Thiết - Lộc Ninh khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng hàng trăm phần quà cho những bà con có hoàn cảnh khó khăn. Các học trò nghèo, có ý chí vươn lên cũng được ông tặng quà, trao học bổng. Trong con mắt của bà con ở vùng đất này, Hai Minh - tên thân mật của ông - là một ông “nhà giàu” thật dễ mến!
Trước khi chia tay chúng tôi, đại tá, KS - nhà doanh nghiệp Lê Duy Minh tâm tình: “Hạnh phúc của tôi bây giờ không chỉ là một gia đình êm ấm, con cái thành đạt. Điều mà tôi luôn tâm niệm là phải nối kết được đồng chí, đồng đội để làm ăn hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Lúc nào tôi cũng nhớ về cội nguồn, về những khu căn cứ cách mạng…”.
Vâng, tâm sự của ông cũng chính là tâm sự của hàng ngàn, hàng vạn cựu chiến binh - những người đã hy sinh biết bao xương máu cho sự độc lập, tự do của dân tộc. Giờ đây, trong thời kỳ đổi mới của đất nước, nhiều người trong số họ lại tiếp tục “lên đường”, dấn thân cho công cuộc xây dựng đất nước, cũng mạnh mẽ và quyết liệt như những ngày họ còn mười tám, đôi mươi hăm hở lên đường đi cứu nước “mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
(Theo SGGP)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (25/10/2005)
▪ Mua biển đăng ký xe máy mất cắp ở chợ Giời (25/10/2005)
▪ Dừng ngay chăn nuôi, buôn bán gia cầm trong nội thành (25/10/2005)
▪ "Theo" gà vượt trạm kiểm dịch (25/10/2005)
▪ Bị lừa bán sang Trung Quốc qua... chat! (25/10/2005)
▪ Khẩn cấp đưa dân ra khỏi vùng lũ lụt nguy hiểm (25/10/2005)
▪ Toạ đàm ba bên Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ (25/10/2005)
▪ Bình Thuận: Sôi động lễ hội du lịch "Hội tụ xanh" (24/10/2005)
▪ Giữ lại hồn quê nơi góc phố (24/10/2005)