Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng mưa lớn, lũ các sông từ Quảng Trị đến Bình Định đang lên nhanh xấp xỉ mức báo động 2. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn trung ương, lũ các sông từ Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục lên và ở mức cao.
Ngày 24-10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, các bộ: Giao thông – Vận tải, Thủy sản, Quốc phòng triển khai lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt. Các địa phương và các cơ quan chức năng phải rà soát lại dân cư sống ở triền sông, sườn núi và tổ chức di dời khẩn cấp những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bình Định: Mưa, lũ lớn xảy ra trên diện rộng, 4 người chết
![]() |
Mực nước tại đập Thạnh Hòa (sông Kôn, Bình Định) lúc 17 giờ ngày 24-10 dâng cao vượt báo động 3.
|
Đến 17 giờ chiều ngày 24-10, mưa lũ đã làm 4 người chết; 3.708ha lúa vụ mùa các xã khu Đông ở các huyện An Nhơn và Phù Cát, Tây Sơn... bị thiệt hại và 250 ngôi nhà bị ngập nước. Nước lũ cũng đã làm sạt lở nặng một số đoạn đê (đê sông Kôn ở Tây Sơn, đê Bình Lâm ở Tuy Phước, đê Hà Thanh ở Quy Nhơn) và nhiều đoạn đường sắt Bắc - Nam, từ ga Diêu Trì (Bình Định) đến ga Phước Lãnh (Phú Yên), gây ách tắc giao thông.
Chiều ngày 24-10, ông Trần Tiến Bách, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Vân Canh (Công ty Quản lý Đường sắt Phú Khánh) cho biết, đội đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố để các chuyến tàu được thông suốt, bảo đảm an toàn; đồng thời bố trí lực lượng trực 24/24 để phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra do mưa lũ.
Không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới, khu vực Thừa Thiên-Huế chiều tối ngày 23-10 và sáng 24-10 đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước các sông ở Thừa Thiên-Huế đang lên nhanh. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các huyện, TP Huế; các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh có phương án đảm bảo an toàn cho đê, đập và hồ chứa nước.
Đặc biệt, kiểm tra việc tích nước của các hồ chứa để có biện pháp chủ động xả, bảo đảm an toàn cho hồ chứa nước và dân cư ở vùng hạ lưu. Đồng thời triển khai các phương án bảo vệ các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang như đập Thảo Long, cầu Thảo Long, cầu Tư Hiền, thủy điện Bình Điền, thủy điện Cổ Bi…
ĐBSCL: 53 người chết vì lũ
Tính đến chiều 24-10, chỉ riêng 3 tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp và Long An đã có 53 người chết đuối. Riêng An Giang có 26 trẻ em và 3 người lớn; Đồng Tháp có 11 người và Long An có 13 người. Hiện tại, nước lũ ở đầu nguồn Tân Châu và Châu Đốc đang xuống chậm từ 2 – 4 cm/ngày. Trong khi đó, lũ tràn về các huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng (Long An) làm ngập trên 3.562 căn nhà…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 24-10, ông Đặng Xuân Thanh, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết: “Mấy ngày nay, mưa liên tục làm nước dâng cao. Theo dự báo, nước lũ năm nay sẽ rút chậm so với mọi năm khoảng 10 ngày. Điều này làm chậm tiến độ xuống giống vụ đông – xuân tới”. Hiện tại, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang vận động bà con vệ sinh đồng ruộng, thực hiện phương châm “lũ rút đến đâu – sạ đến đó”.
(Theo SGGP)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm (25/10/2005)
▪ Mua biển đăng ký xe máy mất cắp ở chợ Giời (25/10/2005)
▪ Dừng ngay chăn nuôi, buôn bán gia cầm trong nội thành (25/10/2005)
▪ "Theo" gà vượt trạm kiểm dịch (25/10/2005)
▪ Toạ đàm ba bên Việt Nam-Trung Quốc-Hoa Kỳ (25/10/2005)
▪ Bình Thuận: Sôi động lễ hội du lịch "Hội tụ xanh" (24/10/2005)
▪ Giữ lại hồn quê nơi góc phố (24/10/2005)
▪ Anh xác nhận gia cầm chết vì virus H5N1 (24/10/2005)
▪ Điều trị lồi mắt, ù tai sau tai nạn không cần phẫu thuật (24/10/2005)