Một ngày thu Hà Nội, rời sự ồn ã của phố xá, giữa gió heo may dịu dàng, tôi bước vào phòng trưng bày ấy, bỗng thấy lòng mềm lại. Chiếc nón đã cong vành kia gợi nhớ đến cồn cào cánh đồng rơm rạ, nơi dáng mẹ ta, chị ta chấp chới trên cánh đồng giữa nắng chói chang.
Chiếc nhủi tép, chiếc te bắt tép, giỏ cua, vó bè... gợi nhớ dáng mẹ, dáng chị ta lội sục bùn nơi bờ ao, góc ruộng, "lặn lội ở mom sông" kiếm cái ăn ngày giáp hạt. Cái bếp nhỏ xếp vài que củi khô dưới chiếc kiềng ba chân kia gợi nhớ ngôi nhà với mái tranh nghèo chạng vạng tối nhả khói lam chiều.
Chiếc chõng tre, tràng kỷ tre, bồ đựng thóc... gợi nhớ lũy tre nuôi sống làng mình, bởi tre nhiều khi phải oằn mình chống bão, che đạn bom của giặc Mỹ giội xuống làng quê thuở chiến tranh cứu nước.
Nhìn chiếc cày chìa vôi, nhớ vạt đất đồng xưa được xới lên tơi xốp sau mùa gặt, chiếc thân cày nhẵn bóng mồ hôi tay cha cầm lật đất, dáng cha ta lũi cũi, lật đật, tay giật giật đoạn dây thừng gọi giọng "tấc-rì", nhớ dáng con trâu lầm lũi thương người mà rướn về phía trước kéo lên những luống cày thẳng như dòng kẻ trang giấy học trò.
Cha tôi đã mất gần ba mươi năm, nhưng nhìn chiếc cày 51 cải tiến, lưỡi cày nhỏ nhắn bằng gang cong như hình dải lụa, nhìn những chiếc răng bừa lưa thưa tơi đất, như thấy hiện về khuôn mặt thân yêu ngày nào của cha với chiếc áo nâu sồng bền chắc.
Lại ở góc kia, chiếc áo tơi chủ nhân sưu tầm ở Ngã ba Ðồng Lộc, Hà Tĩnh, một "mái nhà di động" bảo vệ người nông dân khỏi mưa, nắng và cái rét ngọt của mùa đông miền bắc. Trong tôi bỗng vọng lên câu hát của An Thuyên "Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng, dù trời đổ nắng chang chang vẫn còn...".
Còn nữa, ở góc bên phải kia là chiếc cối xay thóc làm bằng tre và bùn đất quê hương bao năm nặng nề quay vòng, lẩy ra hạt gạo, cạnh đó là chiếc cối giã gạo làm bằng gỗ đen bóng đã bị mòn vẹt, do bao bàn chân người nhún giẫm lên để hạt gạo trắng bong.
Tôi rưng rưng nhìn chiếc ống bình vôi nhỏ xíu, nhớ mẹ đã bao lần quệt vôi cho miếng trầu đỏ thắm nhai những lúc nông nhàn, nở giòn câu chuyện; lại có cả bộ đồ ăn trầu dành cho người già, nhớ bà nội lúc răng rụng phải dùng tay giã dập trầu cau trước khi cho vào miệng mà nhai bỏm bẻm.
Ở chính giữa phía trên cùng của phòng trưng bày là hạc đồng, bát hương, ống cắm hương bằng đồng gợi cho tôi nhớ về ngày giỗ tổ, ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy con cháu được dâng hương hoa và lễ vật lên tiên tổ, thơm chút lòng hồn người đã khuất, đã xa...
Tôi lặng đi khi đứng bên chiếc võng gai mắc hai đầu, ngày xưa mẹ tôi, bà nội tôi và cả chị nữa ru tôi và các em vào giấc ngủ thần tiên bằng câu ví dặm, bài ca dao và lẩy nhiều đoạn Kiều buồn thênh.
Ðến đây tôi mới được chứng kiến chiếc chậu thau đồng cổ mà chủ nhân đã sưu tầm ở một làng chiêm trũng của Hà Tây. Ông giải thích ngày xưa chỉ nhà giàu có lắm mới sắm được chiếc thau đồng này dành cho "con gái rượu" rửa mặt.
Ông Trần Phú Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty phát hành sách Việt Nam đã cho tôi được đến tận hưởng hồn quê thuần Việt qua bảo tàng nhỏ về đời sống nông nghiệp vùng Bắc Bộ.
Ở nhà ông bà Phú Sơn hôm nay, đã có hơn 100 hiện vật gốc được chia thành ba mảng về sản xuất, về sinh hoạt, về thờ cúng văn hóa liên quan mật thiết đến cuộc sống, sinh hoạt của nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều hiện vật có tuổi thọ tới hàng trăm năm.
Bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, thuở ấy, nhà ai cũng nghèo như nhau, mới ngoài hai mươi tuổi, thế nhưng anh Trần Phú Sơn đã bắt đầu có ý tưởng nhặt nhạnh, sưu tầm để lưu giữ các đồ dùng sản xuất và sinh hoạt của nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Gần 40 năm, cứ mỗi lần đi đến bất kỳ vùng nông thôn nào, ông cũng dành thời gian hỏi chuyện các lão nông, "nhòm ngó" gác bếp, chuồng trâu, nơi bà con nông dân thường chứa các đồ dùng sản xuất và sinh hoạt của gia đình, để cứ tích dần, tích dần. Nhiều hiện vật cổ rất đắt tiền, có loại ông phải mua với giá hàng nghìn USD... Và cứ thế, bộ sưu tập hiện vật của ông ngày một giàu có.
Ông chuẩn bị làm thủ tục xin thành lập một bảo tàng tư nhân. Ông bảo, phòng trưng bày ấy, dù có được coi là bảo tàng hay không, ông cũng chỉ muốn mời người thân, bè bạn đến tham quan, hoàn toàn không có ý định kinh doanh. Người khác có thể cho con cái tiền bạc, còn ông, ông có ý định sẽ tặng lại con cái di sản này để lưu giữ hồn quê nước Việt.
|