Nhiều bộ trưởng sẵn sàng để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm
Các Website khác - 25/10/2005

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngay trước thềm khai mạc Quốc hội đã khẳng định, bỏ phiếu tín nhiệm 2 năm một lần với các thành viên Chính phủ là chín về thời cơ. Còn các bộ trưởng nghĩ gì về việc bỏ phiếu định kỳ? VnExpress ghi nhận ý kiến một số thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Tôi sẵn sàng, nếu Quốc hội quyết định bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo tôi, không nên nặng nề vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Mặt trận tổ quốc có đề xuất là nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm theo tôi hiểu đó là sự đánh giá tín nhiệm hằng năm các chức danh. Điều này khác với quy định cần phải có 20% đại biểu đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm như quy định hiện nay trong luật Tổ chức Quốc hội.

Nếu Quốc hội đồng ý với đề nghị của Mặt trận Tổ quốc thì tôi xin sẵn sàng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ cũng là cơ sở tốt để có thể đánh giá uy tín của chính mình trong cương vị lãnh đạo. Nếu qua đánh giá uy tín mình cao thì đó cũng là động lực để mình tiếp tục phát huy, còn nếu thấp thì đó cũng là điều chính bản thân bộ trưởng phải xem xét lại công tác quản lý hay chương trình hành động của mình. Điều này theo tôi, ở nhiều nước cũng là chuyện bình thường.

Tổng thanh tra Quách Lê Thanh.

Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh: Hãy tạo diễn đàn cho chúng tôi nói trước khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Tôi nghĩ rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ là điều nên làm. Nhưng phải làm cho công bằng, khách quan và thực chất. Để việc bỏ phiếu này thực sự có hiệu quả thì trước hết mỗi bộ trưởng phải tự có hình thức đánh giá công việc của mình. Sau đó cấp trên trực tiếp của chúng tôi (Thủ tướng) đánh giá. Trong trường hợp có những ý kiến đánh giá khác nhau và bộ trưởng vẫn bảo lưu ý kiến của mình về một vấn đề nào đó thì hãy cho chúng tôi quyền được trình bày tại diễn đàn. Nếu không phải là Quốc hội thì cũng nên là ở Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Rồi từ đó hãy tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ. Tôi cho rằng, không nên có quan điểm bỏ phiếu tín nhiệm là để loại người này hay người kia. Hãy coi việc bỏ phiếu tín nhiệm là sinh hoạt chính trị bình thường.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện: Nếu có người làm tốt hơn, tôi xin sẵn sàng để người đó làm thay.

Chánh án tối cao Nguyễn Văn Hiện.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ các thành viên Chính phủ là chuyện bình thường ở nhiều nước. Tuy nhiên, cũng còn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế của từng quốc gia. Quốc hội cần bản thảo, cân nhắc kỹ về chuyện bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ, 1 năm hay 2 năm. Theo quan điểm của tôi, bỏ phiếu tín nhiệm là một cơ sở để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thúc đẩy cá nhân đó làm tốt hơn công việc của mình. Tôi không ngại việc bỏ phiếu tín nhiệm, nếu có ai đó làm tốt hơn thì tôi cũng sẵn sàng để người đó làm.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng: Cứ theo quy định chung mà làm.

Bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm cũng có điều tốt. Tốt ở chỗ mỗi người thấy được trách nhiệm của mình. Quốc hội cũng thấy vai trò của mình trong việc giám sát trách nhiệm của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác giám sát mà tốt thì người ta sẽ có được ý kiến, thể hiện bằng lá phiếu. Người được bỏ phiếu cũng thấy rõ điều ấy. Được nhiều phiếu thì phấn khởi, tiếp tục phát huy, được ít phiếu thì người ta phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Nhưng trước khi tiến hành phải nghiên cứu, sửa đổi luật Tổ chức Quốc hội. Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định vấn đề này rồi, trước mắt cứ làm theo luật.

Đào Đình Bình.
Bộ trưởng Đào Đình Bình.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đào Đình Bình: Tôi không có ý kiến cá nhân.

Theo tôi luật quy định thế nào thì cứ như thế mà làm. Tôi chấp hành theo quy định của luật. Khi nào ý kiến đề xuất của Mặt trận tổ quốc được chấp thuận và QH thông qua thì chấp hành thôi. Còn bảo có ý kiến cá nhân thì tôi không muốn nói.

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiêt đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này ngay trong buổi khai mạc Quốc hội.

- Quốc hội có quyền lực rất lớn trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thông qua hình thức bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tại sao Quốc hội chỉ mới sử dụng quyền này với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, thưa ông?

- Đấy là điều đòi hỏi Quốc hội phải có Nghị quyết. Báo chí phải lên tiếng yêu cầu Quốc hội phải sử dụng hết quyền hạn của mình.

- Theo quy định hiện nay, để có thể đưa việc bỏ phiếu bãi nhiệm ra Quốc hội, phải có ít nhất 20% đại biểu tán thành. Ông bình luận gì về điều này?

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt.

- Tôi cho rằng, đây cũng là sự tự giới hạn quyền của Quốc hội, tự mình bó tay mình. Tại sao lại phải quy định có bao nhiêu % đại biểu QH đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm? Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào, nên bỏ phiếu lấy đa số trong Quốc hội làm cơ sở quyết định. Tôi cho rằng, tự hạn chế là còn có gì đó nể nang nhau.

- Cũng có ý kiến cho rằng nên tiến hành bỏ phiếu định kỳ, coi đây là thước đo tín nhiệm đối với mỗi chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, ông nghĩ sao?

- Nếu chúng ta thật sự kiên quyết thì điều đó phải làm thật rõ ràng, không có gì phải hạn chế cả. Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ thì Quốc hội cũng phải có trách nhiệm xem xét sự tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.

Ý kiến của bạn

Nhóm phóng viên