Lần đầu tiên cầm trên tay cuốn Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình, một cảm giác rất lạ mà tôi chưa từng có. Chưa bao giờ tôi xúc động mạnh trước một cuốn sách như cuốn nhật ký này. Tôi đọc một cách say mê và cắt nghĩa về những giá trị hội tụ bên trong cuốn nhật ký để cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp toát ra từ con người chị. Tôi cứ bị cuốn hút vào những dòng cảm xúc rất thật của những sự việc, những câu chuyện về chiến tranh mà nhật ký kể lại. Tôi bắt gặp ở đó một cô Thùy Trâm với tâm hồn phong phú và đáng khâm phục.
Nhật ký bắt đầu vào ngày 8-4-1968, khi Thùy Trâm chưa tròn 26 tuổi và sau hơn một năm, chị vào nơi lửa đạn của chiến trường Ðức Phổ. Toàn bộ những gì cao đẹp nhất của cuộc đời người bác sĩ, chiến sĩ được tái hiện một cách sinh động. Những ngày sống gian khổ trong bệnh xá, dưới công sự ngập đầy nước mưa, những đêm cõng thương binh đi giữa rừng. Trong chiến tranh, nhưng Thùy Trâm không che đậy những uẩn khúc riêng tư, những trắc ẩn của lòng mình. Mọi cung bậc tình cảm và đời sống nội tâm chị đều bộc lộ. Ta bắt gặp một bác sĩ Thùy Trâm sôi nổi yêu thương, với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cháy bỏng nhớ thương, khao khát hạnh phúc lứa đôi và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Thùy Trâm không giấu cả những đau thương, mất mát về tình yêu tan vỡ. Trước những thử nghiệm của cuộc đời mình với không ít những khổ đau, mất mát, Thùy Trâm vẫn dành tình thương yêu cho tất cả mọi người. Chị là hiện thân của lòng nhân ái, bao dung, độ lượng...
Thùy Trâm cứ trải rộng lòng mình ra đón lấy mọi người, mà đùm bọc, mà yêu thương họ. Ðối với người bệnh trước ca mổ trong điều kiện thiếu thuốc, nếu như người thương binh đó không may rời bỏ cuộc sống, thì cũng là điều bất khả kháng. Có ai trách Thùy Trâm đâu, nhưng chị lại không chấp nhận điều đó, lòng chị đau như bị ai xát muối và tự trách mình: "Với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi được trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc". Trong toàn bộ cuốn nhật ký, chúng ta bắt gặp một Thùy Trâm trải rộng lòng mình để mà yêu thương, ta tìm thấy trong đó những bài học về danh dự, về lòng trắc ẩn, tinh thần trách nhiệm, về sự tận tụy với lý tưởng, về tình yêu đối với con người... Và khi gập cuốn nhật ký, cái bao la, rộng lớn trong tình yêu của chị vẫn "ám ảnh", thôi thúc ta, giúp ta nhìn lại mà sửa mình. Chúng ta tìm được ở đó những điều đẹp nhất về nhân sinh quan và triết lý sống, những bài học đó không riêng cho một ai, mà cho tất cả mọi người, trước hết là cho tuổi trẻ, bởi "Theo một nghĩa rất quan trọng, chị là của tất cả chúng ta".
Sống là mưu cầu để tồn tại và vươn lên, là cho và nhận, nhưng mưu cầu không chỉ cho mình, mà phải mưu cầu cho người khác. Song, không thiếu những người trong số các bạn trẻ hôm nay chỉ biết sống vun vén lợi ích cho riêng mình. Dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau, trước bất hạnh của người khác. Sống chỉ muốn hưởng thụ mà không cần cống hiến; trong lòng chứa chấp sự ganh đua, đố kỵ...
Tự vấn bản thân, cũng là một người trẻ tuổi, tôi không phủ nhận. Nhiều lần mình đã làm ngơ trước việc giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và có thái độ cáu gắt về việc làm của người khác mà tôi không ưa. Trước nhiều lựa chọn, tôi đã chọn điều có lợi cho mình. Tỏ ra khó chịu khi phải làm nhiều hơn công việc của chung. Dửng dưng trước nỗi đau hay những điều không may mà người tôi không ưa gặp phải. Suy bì vì sao mình quan tâm người này, nhưng họ lại không quan tâm lại mình...? Tôi chưa yêu ai hơn yêu chính bản thân mình. Và khi tôi đọc Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, những gì cao đẹp trong tâm hồn và tình yêu mà chị dành cho mọi người đã cảm hóa tâm hồn tôi. Chị giúp tôi hiểu chân lý cuộc sống không chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân, mà phải vì tập thể. Sống không cho phép mình hẹp hòi, vị kỷ, mà phải biết vì những người chung quanh. Tôi tự hỏi, tại sao giữa cận kề sự sống và cái chết mà Thùy Trâm vẫn độ lượng, bao dung, yêu thương mọi người, thì cớ gì tôi lại không làm được điều đó, không học tập ở chị những bài học làm người ấy? Hiểu điều đó có nghĩa là tôi hiểu mình cần phải thay đổi. Và tôi tự nhủ mình, sẽ phải sống tốt hơn, sống có ích hơn. Tôi sẽ không để tuổi trẻ qua đi một cách vô nghĩa, tôi sẽ trân trọng, sẵn sàng giúp đỡ những người quanh tôi. Ðó có thể bắt đầu bằng sự yêu thương, gần gũi, giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp. Cũng có thể là những chuyến đi tình nguyện, chia sẻ khó khăn, thiếu thốn với những người nghèo. Hay sự tận tụy, hết mình vì công việc, biết trân trọng những gì mình đang có... Tìm thấy những bài học làm người và lẽ sống cao đẹp từ Nhật ký Ðặng Thùy Trâm, tôi hiểu mình cần biết sống để yêu thương và dâng hiến...
TUYẾT NGA (Tỉnh Ðoàn Quảng Bình)
|