... Về đối ngoại: Chúng ta đã có nhiều đổi mới nhận thức về nội dung, tính chất thời đại và về đường lối, chính sách đối ngoại. Cách tiếp cận vấn đề nội dung, tính chất thời đại có nhiều mặt sát hợp và rõ nét hơn, thấy đầy đủ hơn tính chất lâu dài, quanh co, phức tạp của xu thế phát triển cũng như các nội dung phong phú, đa diện, nhiều chiều của thế giới; làm rõ thêm một số đặc điểm mới của giai đoạn hiện nay, như: vai trò của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, của toàn cầu hóa kinh tế, của kinh tế tri thức... Kịp thời và tỉnh táo đánh giá những thành tựu mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đã giành được, đồng thời vạch ra những nhược điểm, sai lầm chậm được phát hiện và khắc phục, dẫn đến trì trệ và khủng hoảng. Ðã có sự đánh giá toàn diện hơn về chủ nghĩa tư bản, nhận thức sâu sắc hơn tính phức tạp và gay gắt của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp trong điều kiện mới, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó đã coi mục đích, yêu cầu bao trùm nhất của công tác đối ngoại là góp phần tạo ra và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong tư tưởng chỉ đạo đường lối, chính sách đối ngoại, Ðảng ta nhấn mạnh phải kiên định nguyên tắc vì độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải sáng tạo, linh hoạt về sách lược. Ðã có sự đổi mới nhận thức trên vấn đề địch - ta, đối tượng - đối tác theo tinh thần "thêm bạn bớt thù"; "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Thực tế chúng ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận; mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; xác lập được quan hệ ổn định với tất cả các nước lớn. Giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển, hải đảo với các nước liên quan, giữ vững môi trường hòa bình. Tranh thủ ODA, thu hút FDI, mở rộng thị trường ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; tranh thủ được nguồn vốn, tiến bộ khoa học - công nghệ và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài để phát triển đất nước.
Ðến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới; có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ; ký 90 hiệp định thương mại song phương, trong đó có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ. Ðã tham gia Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN). Ðã tiến một bước dài trong việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc gia nhập AFTA, APEC và đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO. Cũng đã thiết lập được quan hệ tín dụng với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, tranh thủ được số lượng đáng kể vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Tính đến tháng 6-2004, có 4.575 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép và còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký hơn 43 tỷ USD. Năm 2005, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 17,1% tổng số vốn đầu tư xã hội, 23% kim ngạch xuất khẩu, 35% giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút hơn nửa triệu lao động.
Về quốc phòng, an ninh: Chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, cụ thể hơn về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh - đối ngoại; nhận thức toàn diện hơn về khái niệm "an ninh quốc gia" và "bảo vệ Tổ quốc". An ninh quốc gia không chỉ là an ninh chính trị mà còn là an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh tư tưởng, an ninh xã hội... Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ lãnh thổ, biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển, mà còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân; bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên thực tế, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Lực lượng vũ trang được xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thực hiện có hiệu quả bước điều chỉnh chiến lược về bố trí thế trận, tổ chức biên chế lực lượng vũ trang trong thời bình; gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ. Ðã kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về xây dựng Ðảng: Chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ của Ðảng cầm quyền trong điều kiện mới; nhấn mạnh phải nghiên cứu tìm tòi mô hình và con đường, bước đi xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn Việt Nam; lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc ngăn chặn, loại trừ nguy cơ quan liêu, tham nhũng, phải ngăn chặn cho được nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng bảo thủ, cố giữ những quan niệm cũ không còn phù hợp. Ðảng lãnh đạo xây dựng chế độ mới do nhân dân làm chủ, thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước. Ðảng lãnh đạo Nhà nước đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ðã luận chứng một cách sâu sắc, có sức thuyết phục sự cần thiết phải bảo đảm vai trò lãnh đạo duy nhất của Ðảng ta; không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Ðã bổ sung, phát triển và từng bước làm sáng tỏ lý luận về vai trò lãnh đạo của Ðảng trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện dân chủ hóa xã hội, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Ðã xác định vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền tảng tư tưởng của Ðảng, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Ðảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Bước đầu làm rõ những luận điểm nào của Mác, Ăng-ghen và Lê-nin trước kia đúng, bây giờ và về sau vẫn đúng; những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử hiện nay đã thay đổi, không còn phù hợp, cần phải bổ sung, phát triển hoặc thay đổi; những luận điểm nào ngay lúc sinh thời các ông đã thấy là không đầy đủ hoặc thừa nhận là sai, nhưng chúng ta không thấy hết; những luận điểm nào chúng ta hiểu không đầy đủ, hoặc hiểu sai do nghiên cứu không thấu đáo hoặc tiếp thu rập khuôn theo nước ngoài.
Chúng ta cũng nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vị trí công tác xây dựng Ðảng trong điều kiện Ðảng cầm quyền, hòa bình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Ðảng ta khẳng định: xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; Ðảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Ðảng. Về nội dung công tác xây dựng Ðảng, đã nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Ðảng, xây dựng Ðảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phương thức lãnh đạo và phong cách làm việc.
Trên thực tế, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, Ðảng ta vẫn vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn, quan trọng, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục đi lên. Công tác tư tưởng chính trị của Ðảng có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thống nhất tư tưởng trên những vấn đề cơ bản của công cuộc đổi mới; đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối đúng đắn của Ðảng, phê phán các quan điểm sai trái đòi "đa nguyên, đa đảng", dân chủ cực đoan... Trong công tác tổ chức và cán bộ đã có những đổi mới đáng kể. Việc đánh giá cán bộ đã chú ý lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ. Ðã hình thành Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác củng cố tổ chức cơ sở Ðảng và xây dựng đội ngũ đảng viên có nhiều cố gắng. Phương thức lãnh đạo của Ðảng có bước tiến bộ. Ðã có đổi mới trong việc ra nghị quyết, tổ chức thực hiện Nghị quyết, coi trọng việc lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết, lãnh đạo xây dựng luật và pháp lệnh để toàn dân thực hiện.
Nói tóm lại: Sau 20 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ðất nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện; kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và có bước tăng trưởng khá nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân do Ðảng lãnh đạo được củng cố và tăng cường; sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên nhiều; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Những thành tựu to lớn đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Ðảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ðiều rất quan trọng là, sau 20 năm lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta ngày càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm; nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Ðến nay, chúng ta đã bước đầu hình thành được trên những nét cơ bản một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, làm cơ sở khoa học cho việc xác định đường lối của Ðảng, góp phần bổ sung và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ Ðại hội IX, Ðảng ta đã khẳng định thành tựu của công cuộc đổi mới là một trong ba thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng trong thế kỷ 20. (1)
Tuy vậy, chúng ta cũng còn nhiều yếu kém và khuyết điểm. Không ít vấn đề về nhận thức lý luận còn chưa đủ rõ, nhất là trong việc nhận thức và giải quyết những vấn đề cụ thể về mô hình, thể chế, cơ chế, chính sách để tiến hành CNH-HÐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giữa đổi mới và ổn định; giữa độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế... Kinh tế phát triển chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu; sức cạnh tranh còn yếu và vẫn tồn tại nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc chậm được giải quyết. Nạn quan liêu, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên vẫn nghiêm trọng. Tệ nạn xã hội phát triển. Ðời sống nhân dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hoạt động của hệ thống chính trị, phương thức lãnh đạo của Ðảng chậm được đổi mới; hiệu lực quản lý của Nhà nước chưa cao. Mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân có mặt giảm sút. Dân chủ trong Ðảng và trong xã hội chưa được phát huy đầy đủ.
Nhìn lại những thành tựu và hạn chế của công cuộc đổi mới trong 20 năm qua, chúng ta càng thấm thía rằng, đổi mới là một sự nghiệp to lớn, có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, cả từ trong tư duy, quan điểm đến việc tổ chức thực hiện. Ðó thực sự là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân, của cả xã hội. Ðổi mới là một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, nhiều khi nó diễn ra ngay trong từng tổ chức, trong mỗi con người, rất khó khăn, vất vả. Thành công của Ðảng ta là ở chỗ, Ðảng đã kiên quyết đổi mới, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận sai lầm, từ bỏ những cách nghĩ, cách làm không còn phù hợp; lắng nghe, tiếp thu những sáng kiến, cách làm sáng tạo của nhân dân; chắt lọc, tổng kết thực tiễn kết hợp với vận dụng lý luận; kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, giáo điều, đồng thời không cực đoan, nôn nóng, rơi vào duy ý chí mới. Ðường lối đổi mới của Ðảng là độc lập, tự chủ, sáng tạo; đường lối ấy hợp quy luật, thuận lòng người nên đã được toàn dân ủng hộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh mặt thuận lợi cũng có những diễn biến phức tạp, khó lường. Sự nghiệp cách mạng của nước ta đứng trước những đòi hỏi cao hơn và có nhiều thách thức mới. Ðảng ta đã xác định, nhiệm vụ cơ bản của chúng ta là phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và vững chắc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðổi mới là động lực; ổn định là điều kiện tiền đề; phát triển nhanh và bền vững là mục đích.
Phương hướng chung đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở nước ta trong thời gian tới là: Nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy lùi nguy cơ, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tạo ra những động lực mới, những đột phá mới, từ tư duy đến tổ chức và hành động thực tiễn, để sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Muốn thế, cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, xây dựng Ðảng là then chốt, phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc và ổn định chính trị. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, tạo bước chuyển mạnh về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; phát triển con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
(1) Ba thắng lợi đó là:
Một: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Hai: thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc;
Ba: thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
(Xem Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 62-63).
GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư
|