Cuộc "thiên di" mưu sinh
Vừa đến đầu bản Mông, đã gặp Lý Hiếu Thanh đang cho đàn cá ăn bên bờ ao đào hồi đầu năm còn tươi đất mới. Thanh cho biết, vợ chồng anh có hơn một ha cà-phê và một đàn bò lớn nhỏ đang gặm cỏ sau đồi. Vào giữa bản, bên chiếc cầu gỗ bắc qua con suối nhỏ vừa bị sụt ván, bốn chàng trai trẻ là Tịa, Gâu, Hải, Sinh đang khiêng cây, xẻ ván sửa cầu. Bản mới, đất mới, những nụ cười hồn hậu, ở đây đã hiện lên bóng dáng một vùng quê ấm áp và bình yên...
Thào Hoàng Khải là Trưởng thôn, nhưng trông anh có dáng dấp một thủ lĩnh của bản Mông nhiều hơn là một cán bộ chỉ lo việc cơ sở. Cuộc sống của anh, gia đình anh, của những người đồng tộc, đồng hương của anh gắn với một chặng "thiên di" gian khó nhưng thật nhiều ý nghĩa. Trong ngôi nhà khang trang của mình, giữa những người láng giềng, Trưởng thôn họ Thào kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về quê hương cũ, về những ngày đầu lập nghiệp, lập cư trên vùng quê mới với chất giọng chân thật và tự tin.
Xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng quê cũ của anh là một vùng quê thuộc chiến khu thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi ấy có những ngọn núi Lũng Sao, Lũng Nặm, có dãy Lam Sơn mà Bác Hồ kính yêu từng hoạt động từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Dòng sông Vàng trôi qua Lang Môn quanh năm suốt tháng chở một mầu vàng đục vì đầu nguồn con nước ấy là mỏ thiếc Tĩnh Túc còn đang khai thác. Từ bao đời nay những dòng họ Hoàng, Thào, Lưu, Ngô, Lý của người Mông Lang Môn sinh sống và tham gia cách mạng. Với ánh mắt buồn buồn, Khải nói rằng, quê anh đẹp lắm, hùng vĩ lắm, nhưng cái khó, cái nghèo thì dai dẳng, triền miên. Chất đất ở quê cũ là đất sét chỉ phù hợp trồng cây trẩu, còn cây ngô cũng mọc nhưng năng suất không cao. Người quê anh ăn mèn mén quanh năm, có năm mất mùa, hết Tết đã phải vào rừng đào củ mài ăn để sống qua ngày. Thế rồi, chàng trai không cam chịu này đã quyết định làm một cuộc tìm đường mưu sinh cùng với những người đồng hương của mình. Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng là nơi họ chọn làm quê hương mới sau những ngày khăn gói lần đường vào đây khảo sát. Hơn 100 người cả già lẫn trẻ đã thuê chiếc xe ca vượt một chặng đường trường hàng nghìn cây số tìm vào đất mới, giã biệt núi rừng phía bắc, đến với rừng núi phương nam. Họ mang theo chuyến đi dài ngày ấy khát vọng của một cuộc đổi đời.
Buổi đầu đến nơi này thật gian khó, Thào Hoàng Khải cho biết, có nhiều lúc khó khăn quá chúng tôi đã nản chí và có người đã muốn quay về. Nhưng rồi, với sự nỗ lực của mỗi người, mỗi gia đình và nhất là sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào các dân tộc anh em trên quê mới, chúng tôi đã vượt qua những gian nan buổi đầu.
Những người dân trong bản kể lại rằng, họ bắt đầu đặt chân lên đất Lộc Thành vào buổi mờ sáng 27-1-1992. Thật may, những ngày đó có anh chị Út Nhân, người gốc địa phương cho mọi người ở nhờ trước khi họ xin được cư trú và khai hoang lập lán trại. Rồi sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo xã Lộc Thành, của huyện Bảo Lâm. Người Mông mới đến cũng không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của đồng bào Cơ Ho bản địa, nhất là các bác, các anh như K'Toàn, K'Mạnh, K'Rịp đã vận động bà con nhường bớt phần đất đang canh tác cho họ lập bản mới.
Anh Khải kể rằng, nơi chúng tôi đang ngồi đây, chỉ hơn mười năm trước là bãi nghỉ của lợn rừng, nai rừng. Tối đến, thanh niên trai trẻ thức đêm đốt lửa canh chừng thú dữ. Nhà nào cũng đào hào, làm hàng rào kiên cố để tự bảo vệ. Muỗi vắt tua tủa như trấu. Sốt rét hành hạ triền miên, tuần nào cũng phải thay nhau cáng người bệnh ra tận Bảo Lộc. Khó khăn quá, người Mông đã có lúc nản chí nhưng chính già làng Cơ Ho bên chân núi Chúa lại trực tiếp đến động viên họ ở lại bám đất mới mưu sinh. Một miếng thịt mới săn, một bó rau rừng, vài ba gùi ngô kịp thời chứa biết bao tình nghĩa trong cái tình "một miếng khi đói..." của ngày đầu lập bản...
Đất lành chim đậu
Ngày đầu ấy, khó nhất là ổn định cuộc sống hay nói đúng hơn là chủ động cái ăn, cái mặc. Người Mông quen với cây ngô, cho nên đã phủ mầu xanh của loài cây lương thực dễ trồng ấy lên những dãy đồi hoang. Có mèn mén ăn rồi thì lo làm thêm ruộng lúa, đào ao thả cá, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà, ai khá hơn thì bắt đầu học cách trồng cà-phê, trồng chè. Chẳng bao lâu, sức sống lan tỏa lên những mái nhà. Không còn ai nói tới chuyện quay về quê cũ nữa.
Thào Hoàng Khải thật xứng với vai trò là người tiên phong. Trước cuộc ra đi đến đất mới ngày nào, anh đã bố trí theo đoàn một bác sĩ để chăm sóc mọi người khi bệnh tật và một cô giáo tiểu học để chủ động dạy chữ cho con em những ngày đầu xa cách với cái lớp, cái trường. Một ngôi trường "tự lập" mọc lên giữa "thung lũng hoang vắng" vào năm 1992. Ngôi trường vách nứa, mái tranh với một giáo viên duy nhất là Hoàng Thị Mỵ cùng với vài chục cháu học sinh ở nhiều độ tuổi và nhiều trình độ đã làm cho mỗi bình minh thêm sáng bản, sáng làng.
Khi bản Mông trở thành một vùng cư dân chính thức của tỉnh Lâm Đồng vào năm 1993, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm cho mở thêm lớp, đón thêm thầy, cô giáo về dạy. Đến bây giờ, ngôi trường ấy đã trở thành Phân hiệu bản Mông của Trường tiểu học Tà Ngào - Lộc Thành với 130 cháu từ mẫu giáo đến bậc tiểu học. Nhiều cháu đã học lên cao hơn, hòa nhập những ngôi trường lớn với bạn bè nhiều dân tộc anh em ở xã Lộc Thành, cách nơi này hơn 10 km. Các bậc phụ huynh kể rằng, để đến trường cho kịp giờ học, các cháu phải thức dậy từ 3 giờ sáng. Điều vất vả đó đã nói lên sự nỗ lực của một lớp người trẻ tuổi người Mông chọn đất mới làm quê.
Cháu Hoàng Văn Thông đang học lớp 9 trường xã tâm sự: "Đi học khó khăn lắm chú ạ. Cháu phải thức khuya và dậy rất sớm để vượt nhiều đèo, nhiều dốc. Được học thật là vui. Thầy, cô giáo và bạn bè cùng lớp đều thương và thông cảm nhiều. Ông bà, cha mẹ ít cái chữ, cho nên lam lũ nhiều rồi, lớp trẻ cần phải cố gắng để vượt qua cái khổ!".
Cùng với Trưởng thôn Thào Hoàng Khải, ngồi tiếp chuyện còn có Bí thư Chi bộ người Cơ Ho là anh K'Xuân Gíp. Nếu anh Gíp không nói thì chúng tôi cũng không biết là Khải sắp trở thành đảng viên chính thức. Vui lây với anh và thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về mối quan hệ giữa những người đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc đang hằng đêm cùng ngồi bàn chuyện bản, chuyện buôn, chuyện cuộc sống của dân với người đồng chí dân tộc thiểu số phương nam. Trong câu chuyện của họ dễ cảm nhận về những điều ăn ý, tâm đắc, bởi lẽ, những người ấy đã từng chia sẻ với nhau trong những ngày gian khổ nhất của cuộc tìm kiếm đất lành, bạn tốt, và con đường mưu sinh.
Kể cũng vui, vẫn gọi là bản Mông nhưng bây giờ không còn riêng người Mông sinh sống mà đã là nơi tụ cư của bà con đến từ nhiều miền và thuộc nhiều dân tộc anh em. Ở đây có người Tày, người Dao, người Mường, người Hoa, người Cơ Ho, người Châu Mạ và cả người Kinh nữa. Họ sống hòa hợp và cùng tay chăm lo cuộc sống. Trong cuốn sổ của Bí thư Chi bộ K'Xuân Gíp thống kê: Cả thôn 10C có hơn 100 ha chè, 150 ha cà-phê, 60 con bò, 100 con heo và 2.000 con gia cầm các loại. Trung bình mỗi hộ canh tác chừng 1,5 ha. Ngô giống mang từ quê cũ vào vẫn được trồng xen trên những khu vườn khai hoang. Điện lưới chưa thể nối dây vào, bà con trong bản đã tự trang bị 30 chiếc máy phát điện nhỏ để thắp sáng, để bơm tưới vườn cây và cho 40 chiếc ti-vi hằng đêm phát bản tin thời sự. Xe máy cũng đã có 30 chiếc rồi, không còn phải cưỡi ngựa xuống núi như cái ngày còn ở Lang Môn năm ngày một phiên vượt rừng mua mắm, muối ở chợ Nà Bao. Chúng tôi nghĩ, Lộc Thành - Bảo Lâm thật sự là đất lành và những cánh chim di trú đến từ phương bắc xa xôi đã đặt chân bình yên trên quê hương mới.
Sắc mầu mới dưới chân núi Chúa
Ngọn núi cao nhất nơi bản Mông mới đến đóng chân tên gọi là núi Chúa. Hàng nghìn năm qua, dưới chân ngọn núi ảo mờ sương khói ấy là quê hương của người Châu Mạ và Cơ Ho bản địa với những sắc mầu văn hóa đậm dấu ấn Tây Nguyên. Thêm những người anh em đến từ nhiều miền quê, từ nhiều dân tộc, trong đó có người Mông đến từ biên cương cực bắc, vùng đất ấy như rộn ràng và thắm tươi hơn.
"Người Mông dù sống ở đâu thì cũng giữ cái nếp của mình" - Cụ bà Lý Thị Mã nói với chúng tôi như thế. Rồi cụ hát, lời hát bằng tiếng Mông của cụ được chàng con rể dịch ra: "Cùng nhau dựng lá Quốc kỳ - Cả bản đồng lòng đi theo Việt Minh...". Thì ra, đó là lời bài hát cụ đã hát từ thuở thiếu thời đi theo cách mạng nơi chiến khu Việt Bắc. Bà cụ Mé hơn trăm tuổi nheo nheo đuôi mắt nhìn cụ ông cũng đã rất già thổi điệu khèn thật tình tứ, trẻ trung. Ngắm nhìn họ, chúng tôi thấu hiểu, người Mông ra đi, phần mộ tổ tiên cùng với không gian ký ức đành gửi lại nơi bản xưa, quê cũ, nhưng những nét văn hóa dân tộc Mông thì mãi mãi in sâu trong tâm thức và thể hiện giữa lối sống hằng ngày.
Chị Hoàng Thị Mãi nói rằng, phụ nữ Mông đi đâu cũng mang theo bộ trang phục truyền thống, vài ba bữa lại mang ra mặc cho đỡ nhớ. Vào đây rồi, chỉ mong dịp lễ, Tết để đi hội tung còn và mặc thật lâu áo váy "ngày xưa". Rồi chị cho hay: "Để khâu được một bộ váy áo đẹp như thế, con gái Mông phải mất hàng năm mới xong. Chỉ tính riêng cái dây lưng nếu tranh thủ thêu lúc nghỉ trưa trên rẫy hay những buổi tối thức đến nửa đêm cũng ròng rã gần ba tháng. Áo váy người Mông không có quy định chung về mầu sắc, tùy sở thích mỗi người mà tạo nên những nét hoa văn khác nhau. Thế nhưng, mặc vào thì vẫn không thể lẫn với người dân tộc khác. Năng khiếu của người thêu được thể hiện qua chiếc cầu vai phủ sau lưng áo, nhìn vào là biết ngay người thêu có khéo tay và giàu trí tưởng tượng hay không". Tiếng khèn lá, tiếng sáo hai lỗ, sáu lỗ gọi bạn đêm đêm vẫn văng vẳng sau mỗi ngọn đồi khi những đôi trai gái tìm nhau trao lời tâm sự, tìm bạn tình, bạn đời. "Nghe nói rằng, phụ nữ người Mông không những xinh xắn, chăm làm, khéo thêu thùa may vá, thương chồng con nhất mực, mà ngay cả khi cất lên tiếng sáo thì tiếng sáo con gái thổi còn đẹp còn hay hơn cả tiếng sáo con trai?". Chị Hoàng Thị Mãi cười bẽn lẽn liếc mắt nhìn chồng khi tôi hỏi điều đó.
Ông Thào Văn Di, nghệ nhân thổi khèn, nói rằng: "Tôi sẽ cố gắng truyền dạy cách thể hiện các nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc Mông cho lớp trẻ. Tiếng sáo, tiếng khèn và tiếng lá trên môi sẽ vang mãi cho đến tận mai sau. Những nhạc cụ sẽ cất thanh vui khi làng, bản gặp chuyện mừng vui, sẽ sẻ chia với những nỗi bất hạnh của mỗi người, mỗi gia đình chung sống giữa cộng đồng và nói lời yêu thương gửi trao khi tâm hồn đồng điệu". Thào Văn Di cũng khoe, có một loại nhạc khí mà người Mông luôn coi như bảo vật, đó là cây khèn đồng lưỡi gà. Chiếc khèn ấy họ cũng mang theo vào đất Lộc Thành, mỗi dịp lễ, Tết đưa ra thổi một lần rồi suốt năm cất kỹ trong ống trúc.
Từ bờ sông Vàng - Lang Môn đến chân núi Chúa - Lộc Thành, họ đã làm một cuộc hành trình gian khó và đã thành công. Chia tay bản Mông, chúng tôi lây niềm vui của những cánh chim di trú đã gặp mảnh đất lành. Nhớ mãi lời hẹn với Thào Hoàng Khải, sẽ lại gặp nhau vào đầu xuân năm tới. Sẽ thức bên nhau uống bát rượu ngô, nghe điệu khèn lá và thả hồn theo sắc mầu thổ cẩm thướt tha của cô gái Mông giữa hội tung còn trên quê mới Tây Nguyên.
|