Bảo vệ rừng đầu nguồn là bảo vệ sự sống
Các Website khác - 04/03/2006
Những năm qua, Yên Bái đã nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét gây ra. Tuy nhiên, đời sống của người dân các huyện vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn. Làm thế nào để người dân vừa tích cực bảo vệ rừng, vừa sống được nhờ nghề rừng?
Từ đỉnh đèo Khau Phạ, mới thấy hết phong cảnh núi rừng miền tây Yên Bái. Bên cạnh những cánh rừng thông mã vĩ là những quả đồi trọc chưa được phủ xanh, chen vào đó là những đám cháy do người dân đốt nương, rẫy. Trên đoạn đường dốc vượt đèo Khau Phạ dài chừng 23 km, chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe gắn máy chở gỗ khai thác trái phép từ trên đỉnh núi lao xuống. Những cây gỗ tròn quý (chủ yếu là pơ-mu, sến, táu, lát...) có độ tuổi từ 30 năm trở lên được "lâm tặc" chặt hạ và vận chuyển về xuôi. Cho đến nay, khu vực này vẫn là điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ lậu.

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm Yên Bái: Năm 2005, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 800 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ quan chức năng thu giữ 198 m3 tròn, 510 m3 gỗ xẻ các loại, 1.000 tấn gỗ nguyên liệu giấy. Ngoài ra, 28 vụ cháy rừng đã thiêu trụi 190 ha rừng trồng, tái sinh.

Lý giải về tình trạng khai thác gỗ trái phép, đốt rừng, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Sùng A Vàng cho biết: Trong số các huyện phía tây của tỉnh, Mù Cang Chải có nhiều khó khăn nhất với gần 76% số dân thuộc diện đói nghèo theo tiêu chí mới. Dân cư chủ yếu là dân tộc Mông, vẫn còn tập quán canh tác đốt rừng làm nương rẫy, chăn thả gia súc. Trong những năm qua, chính quyền địa phương phối hợp lực lượng kiểm lâm, cán bộ Lâm trường Púng Luông tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các xã vùng sâu của huyện trồng mới, bảo vệ rừng. Trong năm năm (2001-2005), huyện trồng mới 4.800 ha, khoanh nuôi tái sinh 21 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt 40%, tăng 10% so năm 2000. Diện tích rừng của huyện khoảng 70 nghìn ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ðà. Trong những năm qua, đồng bào rất tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng. Dưới tán rừng, người dân còn trồng thảo quả, nuôi ong. Năm 2005, diện tích cây thảo quả của huyện đạt 1.000 ha với sản lượng 100 nghìn tấn; sản lượng ong nuôi đạt 12 tấn.

Anh Vàng A Hù, đội 2, xã Púng Luông (Mù Cang Chải), nhận bảo vệ 15 ha rừng, nhưng cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con lại chủ yếu dựa vào trồng lúa nương và nuôi trâu, bò. Nhìn những cây rừng đã đến tuổi khai thác, Sùng A Vàng so sánh: "Mình bảo vệ một ha rừng trong 10 năm được Chính phủ trả 270 nghìn đồng, cũng chỉ mua được một tạ gạo thì làm sao nhà mình sống được, phải lên rừng làm nương rẫy. Nhiều người rủ mình đi chặt gỗ để bán, vì bán một khối gỗ cũng mua được một tạ gạo. Nhưng mình không đi vì nghe lời cán bộ huyện, xã về tuyên truyền phải bảo vệ rừng".

Hơn 30 năm, anh Hoàng Thanh Bình, đội trưởng sản xuất Lâm trường Púng Luông gắn bó với đất và người Mù Cang Chải, nên anh rất thông cảm với những điều mà Vàng A Hù trăn trở. Cuộc sống của người dân bốn xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình, La Văn Tẩn, Púng Luông đến giờ vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân gắn bó với rừng, bảo vệ rừng nhưng chưa sống nổi nhờ rừng.

Lâm trường Púng Luông được thành lập năm 1970, với nhiệm vụ trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn. Ðến nay, lâm trường bảo vệ hơn 41 nghìn ha rừng, chủ yếu là rừng thông mã vĩ. Từ năm 1999, lâm trường trồng rừng 661, mỗi năm trồng gần 1.000 ha rừng. Lâm trường còn phối hợp chính quyền từ thôn, bản của 13 xã, thị trấn trong huyện cùng với người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Ðể nâng cao đời sống cho công nhân, từ năm 2005, lâm trường liên doanh với Công ty TNHH Tiến Hoàng xây dựng xưởng chế biến lâm sản Púng Luông. Công ty TNHH Tiến Hoàng lo thị trường tiêu thụ, lâm trường cung cấp lao động, gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, công suất của xưởng còn nhỏ, nên lượng gỗ đưa vào chế biến hạn chế. Năm 2005, lâm trường khai thác gần 2.000 m3 gỗ phục vụ chế biến. Trong khi đó, lượng gỗ thuộc diện tỉa thưa có trữ lượng lớn.

Anh Hoàng Thanh Bình cho rằng: "Suất đầu tư để trồng mới một ha rừng còn thấp (4 triệu đồng/ha/4 năm), mức hỗ trợ của Chính phủ đối với người bảo vệ rừng là 50 nghìn đồng/ha rừng nhưng thực tế người bảo vệ rừng chỉ nhận được 27 nghìn đồng/ha. Những hạn chế đó ảnh hưởng đời sống của người dân. Khó khăn lớn nhất của lâm trường hiện nay là sản xuất chưa gắn với chế biến. Mặc dù là rừng đầu nguồn nhưng vẫn có thể khai thác cây rừng theo băng, tỉa thưa để người trồng rừng có thêm thu nhập, tiếp tục trồng rừng".

Ngày 29-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 661/QÐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới năm triệu ha rừng (Dự án 661). Từ khi thực hiện Dự án 661 đến nay, nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên. Nhân dân gắn bó với rừng, bước đầu có thu nhập từ rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các lâm trường có nhiều chuyển biến tích cực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tập trung quản lý tốt hơn diện tích đất lâm nghiệp được giao; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, giao đất trồng rừng cho các hộ công nhân và nông dân trong vùng. Cơ cấu cây rừng đã có sự chuyển dịch rõ rệt, rừng sản xuất được thay thế bằng các giống cây lâm nghiệp có năng suất cao, chu kỳ kinh doanh ngắn như keo lai, bạch đàn mô chiếm hơn 70% diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy (tập trung ở các huyện vùng thấp).

Tuy nhiên, sau bảy năm thực hiện Dự án 661 tại tỉnh Yên Bái đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Diện tích trồng rừng cao nhưng diện tích trồng rừng phòng hộ thấp, mới chỉ đạt 41% so mục tiêu của dự án. Chất lượng rừng trồng chưa cao, diện tích rừng thâm canh ít. Cơ cấu cây rừng tuy đã có sự chuyển biến nhưng chỉ đối với các huyện vùng thấp, còn các huyện vùng cao vẫn chưa có tập đoàn cây lâm nghiệp phù hợp. Diện tích đất trống, đồi trọc ở vùng cao còn nhiều, vì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến nay mới đạt 47%. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các lâm trường chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng như công trình phòng, chống cháy rừng, đường ranh cản lửa, vườn ươm chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai ở vùng thấp và tình trạng chiếm dụng đất để làm nương rẫy ở vùng cao vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cơ chế chính sách đối với người trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng chưa phù hợp. Những hạn chế trên rất cần được Nhà nước, các cấp, các ngành, tỉnh Yên Bái quan tâm, có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để người dân yên tâm trồng và bảo vệ rừng.

TẠ QUANG DŨNG, THANH SƠN