Hội chứng đổ lỗi
Các Website khác - 04/03/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Hội chứng đổ lỗi

Hà Văn Thịnh
Thói đời, cách chối bỏ trách nhiệm tốt nhất vẫn là đổ lỗi cho một ai đó, cho một cái gì đó. Cung cách ấy hiện nay dường như đang phổ biến, và tốc độ của việc "đánh bùn sang ao" ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi.

Bùi Tiến Dũng phạm tội, Bộ GTVT cho rằng vì PMU18 là một cơ quan quản lý dự án nên khó... quản lý? Đồi Vọng Cảnh được bài binh bố trận hơn cả sự chu đáo, nhưng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng việc di dời đường dây tải điện hay cho "nghiên cứu quy hoạch thăm dò" chẳng liên quan gì đến nhau; tỉnh vẫn chấp hành "chỉ đạo của Thủ tướng đó thôi". Lầu Lý Sáng buôn lậu cỡ đó, nhưng 7 cán bộ hải quan chỉ phạm tội "thiếu trách nhiệm". Trách nhiệm là gì, chỉ có "tập thể" mới biết, nhưng chắc chắn người dân không ai không hiểu nghĩa của thiệt hại, đau lòng...

Thế nhưng chuyện của Nhà nước, của thể chế thì không thể cho phép sự đổ lỗi ngang nhiên và tuỳ tiện. Sẽ chẳng còn kỷ cương, phép nước nếu bất kỳ sai phạm nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy lý do để bao che cho sai phạm. Sai phạm phải bị trừng phạt, đúng phải được thưởng công minh. Đó là nguyên tắc, đồng thời là đạo lý trong một nhà nước văn minh. Tại sao có thể "mượn" chiếc xe ôtô trị giá cả ngàn triệu đồng rồi sau đó phủi tay rằng-thì-là không biết? Những cái "lý" tương tự có vô khối và thật buồn cười. Không cười sao được khi những giải trình giống nhau ở cách đổ lỗi và giống nhau ở cách "cho qua".

* * *

Luật pháp sẽ không thể nào nghiêm minh khi sự đổ lỗi trở thành một tiêu chí phổ biến. Do việc đổ lỗi đúng lúc, đúng nơi, luật pháp trở thành người "đẽo cày" ở ngã ba đường. "Địa chất sai" rồi, thưởng huân chương cho vụ trưởng của Thanh tra Chính phủ, trong khi mấy vụ phó vào tù là cái lỗi của sự gì đây nếu không muốn nói thẳng ra rằng, đó là cái gánh nặng không thể chấp nhận được của cơ chế?

Cái cơ bản để không còn chỗ đứng cho mọi sự đổ lỗi là sự nghiêm minh của luật pháp và nhận thức đủ về lòng tự trọng.