Có một thực tế là lâu nay chỉ đánh giá mức độ trong sạch, vững mạnh của tổ chức cơ sở Ðảng thông qua việc chi bộ, đảng bộ ấy đạt hay không đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hằng năm. Và cũng phải thừa nhận một thực tế là trong vấn đề nghiêm túc này, còn xảy ra tình trạng danh không đi đôi với thực.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng nêu rõ một trong những giải pháp để đổi mới và chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng là phải: "Bảo đảm vai trò nền tảng và hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Ðảng". Theo tôi muốn bảo đảm vai trò nền tảng và hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Ðảng thì phải ra sức xây dựng tổ chức cơ sở Ðảng thật trong sạch, vững mạnh. Có một thực tế là lâu nay chỉ đánh giá mức độ trong sạch, vững mạnh của tổ chức cơ sở Ðảng thông qua việc chi bộ, đảng bộ ấy đạt hay không đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hằng năm. Và cũng phải thừa nhận một thực tế là trong vấn đề nghiêm túc này, còn xảy ra tình trạng danh không đi đôi với thực. Cho nên mới có việc phải ấn định tỷ lệ tối đa số chi bộ, đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh như một giải pháp để góp phần khắc phục tình trạng vừa nêu.
Tuy nhiên, trước khi quan tâm tới vấn đề làm thế nào để xét duyệt công nhận danh hiệu trong sạch, vững mạnh một cách thực chất, cần phải quan tâm tới vấn đề làm thế nào để mỗi tổ chức cơ sở Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Không có cái thật sự này khó có cái thực chất kia, và khi đã có cái thật sự này thì cũng chẳng cần khống chế tỷ lệ tối đa mà vẫn rất thực chất.
Theo tôi, điều mấu chốt để trở nên thật sự trong sạch, vững mạnh là các tổ chức cơ sở Ðảng phải làm tốt chức năng quản lý đảng viên trong chi bộ, đảng bộ mình - nhất là đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan đơn vị. Thực tế cho thấy không ít tổ chức cơ sở Ðảng quản lý đảng viên còn kém hiệu quả. Ðiều này có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn do tập thể cấp ủy mà đứng đầu là bí thư cấp ủy không ngang tầm hoặc chưa gương mẫu; hoặc do cơ chế phân cấp quản lý cán bộ chi phối nên cấp ủy cùng cấp thì "kính nhi viễn chi" trong khi cấp ủy cấp trên lại thiếu sâu sát đối tượng trực tiếp quản lý. Vì vậy, cùng với việc lãnh đạo tốt hơn nhân sự đại hội cấp cơ sở để có một tập thể cấp ủy và một bí thư cấp ủy đủ sức đảm đương nhiệm vụ, cần tính toán mở rộng trách nhiệm và tăng thêm quyền lực cho cấp ủy cơ sở trong việc quản lý những đảng viên do cấp ủy cấp trên, kể cả do Trung ương trực tiếp quản lý. Ðương nhiên muốn quản lý đảng viên thật sự có hiệu quả, rất cần đến sự phối hợp thường xuyên giữa các kênh quản lý, trong đó có một kênh cũng hết sức quan trọng là cấp ủy chi bộ dân cư nơi đảng viên cư trú và thực hiện nghĩa vụ công dân - kênh này mới được chú ý hình thành cách đây gần chục năm nên nhìn chung chất lượng và hiệu quả hoạt động hiện nay chưa như mong muốn.
Thạc sĩ BÙI VĂN TIẾNG Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học - công nghệ TP Ðà Nẵng
--------------------------------------
Diễn đạt như trong Dự thảo là trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Ðảng
Tôi tán thành luận điểm nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị: "Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc".
Tôi thấy, Bác Hồ của chúng ta đã nói về sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam khi Người tổng kết 30 năm hoạt động của Ðảng: "Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Ðảng Cộng sản Ðông-Dương vào đầu năm 1930"(1). Từ khi ra đời đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn mang bản chất giai cấp công nhân được thể hiện ở chỗ: mục tiêu, lý tưởng của Ðảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Ðảng là tập trung dân chủ; Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển...
Qua thực tiễn cách mạng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân, Bác Hồ đã chỉ rõ như sau tại Ðại hội lần thứ II của Ðảng, tháng 2- 1951: "Ðảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Ðảng Lao động Việt Nam là Ðảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Ðảng của dân tộc Việt Nam"(2).
Tháng 1-1957, nói chuyện ở Trường Cán bộ công đoàn, Bác Hồ lại khẳng định: "Ðảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc". Tháng 12-1961, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, Bác Hồ nhắc lại: "Ðảng ta là Ðảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc"(3).
Ðây là đặc thù của Ðảng Cộng sản Việt Nam, là sáng tạo của Bác Hồ.
Ðảng ta tồn tại, phát triển đến ngày hôm nay có phần công lao vĩ đại của nhân dân. Ðảng chiến đấu, hoạt động cũng vì lợi ích của nhân dân, của toàn dân tộc, chứ không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân. Ðảng ta được nhân dân yêu mến, đùm bọc, ủng hộ từ lúc mới sinh ra, nhân dân thừa nhận Ðảng là của chính mình nên nhân dân ta luôn gọi là "Ðảng ta". Ðiều đó thật là hiếm có trong các Ðảng Cộng sản trên thế giới.
Quan niệm của Bác Hồ đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Ðảng ta mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Lợi ích của giai cấp công nhân Việt Nam và lợi ích của dân tộc là một. Bác Hồ đã nói: "Ðảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân". Mối quan hệ đó được kết hợp chặt chẽ không chỉ trong việc xác định và thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam mà cả trong vấn đề xây dựng Ðảng.
Khi Bác Hồ nói rằng, Ðảng ta là Ðảng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là của dân tộc Việt Nam, có nghĩa là, "Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam".
Vậy, "Ðảng là đội tiên phong của dân tộc" là gì? Theo tôi nghĩ, đấy là việc Ðảng ta là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, CNH, HÐH, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Bác Hồ nói: "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Suốt 76 năm qua, Ðảng đã lãnh đạo dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để dân tộc ta có được thế và lực như ngày nay. Nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo và vị trí tiên phong của Ðảng. Theo tôi, mục tiêu và lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc là một thì bản chất giai cấp công nhân của Ðảng quyết định Ðảng là đội tiên phong của dân tộc.
Dự thảo Báo cáo Chính trị viết: "Ðảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam..." là một điểm mới về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ toàn dân tộc đi theo sự lãnh đạo của Ðảng.
Dự thảo Báo cáo Chính trị Ðại hội X diễn đạt về Ðảng thể hiện sự trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh thực tế Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nước ta lúc này là tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Trong mệnh đề nói về Ðảng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị có từ "đồng thời", tôi tâm đắc vì thấy rất hay, khoa học và sâu sắc.
Diễn đạt như trong Dự thảo không phải là hạ thấp bản chất giai cấp Ðảng, cũng không phải là làm nhạt nhòa tính tiên phong của Ðảng; mà chính là, để hiểu bản chất và tính tiên phong của Ðảng một cách sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn. Ðiều đó đòi hỏi Ðảng ta chẳng những phải trung thành với giai cấp công nhân, nâng cao lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân, mà còn phải kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đoàn kết, tập hợp nhân dân, phấn đấu cho lợi ích của giai cấp và của cả dân tộc.
Theo tôi, diễn đạt về Ðảng như trong Dự thảo là trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Ðảng, phù hợp thực tế Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của đảng viên và nhân dân.
LAM HỒNG
------------
(1). "Ba mươi năm hoạt động của Ðảng" (tháng 2- 1960). Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, năm 1960, tr. 768.
(2). Báo cáo Chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng ngày 11 - 2 - 1951. Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 12 (1951), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2001, tr38. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội 1986, tr 40.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1996, tr 467.
|