Vấn đề điểm đỗ xe, trước "cơn bão" xe cũ nhập khẩu: Người có ôtô sẽ lãnh đủ! Hiện tại ở 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, các điểm bãi đỗ cho ôtô chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Dự kiến sau thời điểm 1.5, lượng xe đưa vào lưu thông sẽ tăng tới 30%/tháng, lúc đó cung - cầu về bãi đỗ xe sẽ rất căng thẳng. Một "cơn bão giá" gửi xe tháng, gửi xe lượt là chuyện nhãn tiền và người có ôtô sẽ lãnh đủ. Vậy mà ở 2 TP này, các dự án nhằm tháo gỡ "đầu ra" cho các điểm đỗ xe (ĐĐX) vẫn "án binh bất động"!
Chưa đến "giờ G" đã quá tải Mặc dù còn cách thời điểm cho nhập xe cũ những 2 tháng, nhưng tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, câu chuyện ĐĐX ôtô đã trở nên cực kỳ căng thẳng. Đã vậy, trong khi HN vẫn thiếu diện tích cho ĐĐX, thì TP lại cắt giảm từ 152 điểm xuống còn 138 điểm. Quy chuẩn thế giới cũng được TP "chuẩn hoá" theo chuẩn riêng của HN, mà đáng ra, cần tới 7% diện tích cho ĐĐX thì TP lại chỉ dành 0,45% diện tích và hiện HN mới chỉ đáp ứng 30% - 35% nhu cầu. Theo dự báo: Từ 1.5, con số đăng ký mới xe ôtô của TP sẽ tăng từ 3.000 xe/tháng lên 4.000 xe/tháng. Lúc đó, theo ông Hoàng Duy Hùng - GĐ Công ty khai thác điểm đỗ xe HN - thì mỗi tháng, TP phải bổ sung tới 100.000m2 đất cho việc đỗ xe! Còn tại TPHCM, ông Nguyễn Thế Định - Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị Q.1 - lo lắng: "Chưa đến thời điểm nhập xe ôtô cũ mà các bãi xe của thành phố đã quá tải. Sau ngày 1.5, không biết tình trạng giao thông, thiếu bãi đậu xe sẽ rối đến mức nào". Các dự án vẫn nằm trên... giấy! Theo ông Hùng, ngay từ năm 2003, TPHN đã phê duyệt quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ ôtô. Thế nhưng, phê duyệt rồi để đó, các dự án không được thiết lập, triển khai. Tại TPHCM, để giải quyết bài toán bãi đậu xe ôtô, cũng chỉ còn trông chờ vào 8 bãi đậu xe ngầm: Bờ sông Sài Gòn, sân bóng Tao Đàn, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp, công trường Lam Sơn, sân vận động Hoa Lư, công viên Lê Văn Tám, khu vực 116 Nguyễn Du, với tổng công suất khoảng 13.000 xe ôtô. Tuy nhiên, tất cả 8 bãi đậu xe ngầm này hiện vẫn... nằm trên giấy. Gánh nặng trút lên đầu người có xe? Trước sự sốt sắng của dư luận về vấn đề này, Hà Nội đang tính chuyện "xã hội hoá" việc khai thác điểm đỗ xe. Theo đó, giá đấu thầu cũng như giá trông giữ xe sẽ tăng tuỳ theo "chỗ đẹp". Nhưng theo ông Hùng, đây là phép tính "lợi bất cập hại" và khó khả thi, bởi đã đến lúc TP cần có những ĐĐX đạt tiêu chuẩn. Như thế, nếu đổ tiền cho xây mới thì số tiền đầu tư sẽ rất lớn; kèm theo điều kiện thời gian thầu cũng kéo dài. Điều đó có thể phát sinh tình trạng sau đấu thầu, nhà đầu tư sẽ áp các mức giá bất lợi đối với khách hàng, để thu hồi vốn. Mặt khác, Nhà nước sẽ khó nắm quyền quản lý đối với diện tích đất này. Đặc biệt, điều này tất yếu gây ra tình trạng loạn giá và đi ngược lại quy luật phát triển đô thị. Theo ý kiến nhiều người, với biện pháp này thì dường như tất cả thiệt hại sẽ trút lên đầu người có xe ôtô! Tại TPHCM, ông Trần Quang Phượng - GĐ Sở GTCC - cho rằng: "Chúng tôi đã ý thức được vấn đề nhu cầu về bãi đậu xe, nên đã quy hoạch 8 vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm". Tuy nhiên, đây chỉ là những dự án mang tính dài hơi, còn phương án chuẩn bị cụ thể như thế nào nhằm đối phó với "cơn lốc" nhập ôtô sau ngày 1.5, thì đến nay Sở GTCC vẫn "án binh bất động", vì theo giải thích của một cán bộ Sở GTCC, do chưa nắm được số lượng ôtô đã qua sử dụng sẽ được nhập vào VN bao nhiêu? Nhóm PV kinh tế |
▪ Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản tại TPHCM (03/03/2006)
▪ Hội chứng đổ lỗi (04/03/2006)
▪ Côn trùng làm thuốc (04/03/2006)
▪ VN đạt kết quả tích cực trong đấu tranh các loại tội phạm (03/03/2006)
▪ "Hoa hậu voi" Thái Lan trình diễn thời trang tại Việt Nam (03/03/2006)
▪ Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội (03/03/2006)
▪ Tăng giá điện: Người nghèo càng... khó! (03/03/2006)
▪ Việt Nam sẽ bán toa tàu cho Campuchia (03/03/2006)
▪ "Mi's show" tả pí lù (03/03/2006)
▪ Chủ tịch TLĐ Cù Thị Hậu gửi thư chào mừng Hội chợ triển lãm quốc tế phụ nữ 8.3 (03/03/2006)