Nếu tính thời điểm năm 1815, khi thành Quảng Ngãi, nơi đóng trụ sở của bộ máy hành chính quản lý vùng đất nay là tỉnh Quảng Ngãi, được xây dựng hoàn chỉnh, kiên cố, thì công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố Quảng Ngãi đã tròn 190 năm. Trong gần hai thế kỷ đó, thành phố Quảng Ngãi đã chứng kiến nhiều sự kiện tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, tiêu biểu là: Cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước do Lê Trung Ðình và Nguyễn Tự Tân lãnh đạo năm Ất Dậu - 1885; cuộc vận động "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của các nhà yêu nước theo khuynh hướng Duy Tân những năm đầu thế kỷ 20. Tiếp theo là cuộc xuống đường rầm rộ của hàng vạn đồng bào từ khắp sáu phủ, huyện kéo về tỉnh, thành phố đòi giảm sưu, khất thuế năm 1908; cuộc vận động của thanh niên học sinh đòi thả cụ Phan Bội Châu năm 1925 và truy điệu cụ Phan Chu Trinh 1926... Từ khi có Ðảng, thành phố tỉnh lỵ tiếp tục sôi động với những cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng trong phong trào 1930 - 1931, các cuộc đấu tranh công khai, nửa công khai thời kỳ 1936 - 1939, cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1941 - 1945, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành toàn bộ chính quyền ở tỉnh lỵ và cả tỉnh Quảng Ngãi về tay nhân dân vào đêm 16-8-1945.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thành phố Quảng Ngãi cùng với cả tỉnh Quảng Ngãi ra sức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng hậu phương, bảo vệ vùng tự do kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, thành phố Quảng Ngãi là nơi đóng trụ sở của Ủy ban kháng chiến miền nam Việt Nam, Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi. Trong thời kỳ này, tỉnh Quảng Ngãi giữ vai trò là thủ phủ của Liên khu5 - Nam Trung Bộ kháng chiến; vì vậy, trên địa bàn thành phố đã diễn ra nhiều hoạt động chính trị - kinh tế - quân sự - văn hóa sôi động, với sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Sơn... các văn nghệ sĩ tài danh như: Văn Ðông, Tế Hanh, Ðường Ngọc Cảnh, Thuận Yến, Phạm Hổ...
Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, mặc dù là nơi kẻ địch đặt các cơ quan đầu não của bộ máy đàn áp, chiến tranh, nhưng phong trào cách mạng của Ðảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục được duy trì. Suốt 21 năm gian khổ, hy sinh, thành phố tỉnh lỵ là điểm hẹn, là lời thề trở về dù phải đổi bằng xương máu của các lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Và lời hẹn đó đã trở thành hiện thực vào đêm 24, rạng ngày 25-3-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa hành chính, thị xã Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng, cùng cả nước và với cả nước hân hoan trong mùa Xuân đại thắng.
Dưới ánh sáng đường lối các nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh từ khóa 13 đến khóa 16, Ðảng bộ và nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã đoàn kết một lòng quyết tâm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Nhà nước chuyên chính vô sản, xác lập quan hệ sản xuất mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN. Cơ sở vật chất của CNXH ở địa phương từng bước được xây dựng. Cán bộ và nhân dân thị xã đã cùng cán bộ và nhân dân trong tỉnh tham gia xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham và các công trình điện, trường học, bệnh viện, các tuyến giao thông nối thị xã trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Từ khi có Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 6 (12-1986), Ðảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, tập trung vào ba chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm - hàng tiêu dùng - hàng xuất khẩu. Cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi tiếp thu được luồng sinh khí mới, các thành phần kinh tế tập trung sức sản xuất hàng hóa, thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, từ đó giải phóng được sức sản xuất; hàng hóa ở thị xã và trong tỉnh được lưu thông thuận lợi; kinh tế phát triển mạnh ở hầu hết các ngành, đời sống những người ăn lương và nhân dân lao động được cải thiện một cách rõ rệt, đời sống văn hóa, tinh thần trong xã hội được nâng cao. Những trăn trở về sự hạn chế của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được đẩy lùi.
Nhìn lại chặng đường 190 năm xây dựng và phát triển (1815 - 2005) nhất là 30 năm trưởng thành trong thời kỳ đất nước thống nhất, độc lập, tự do (1975 - 2005). Ðảng bộ và nhân dân thành phố Quảng Ngãi mãi mãi tạc dạ ghi lòng công ơn to lớn của các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ người Quảng Ngãi nối tiếp nhau từ các danh nhân lịch sử, văn hóa đến những người lao động bình thường, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ đã góp công lao, trí lực và cả máu xương để giữ gìn, xây đắp, tạo nên diện mạo khởi sắc của thành phố Quảng Ngãi hôm nay.
Thành phố Quảng Ngãi được thành lập là một vinh dự to lớn, đồng thời đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Quảng Ngãi. Dù đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng trong những chặng đường đã qua, nhưng con đường đi đến mục tiêu chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh - hiện đại, đòi hỏi mỗi người dân thành phố phải nêu cao nữa tinh thần trách nhiệm, ý chí và nghị lực để vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, nhanh chóng đưa thành phố Quảng Ngãi trở thành thành phố phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, giữ vai trò trung tâm, đầu tàu trong sự phát triển của tỉnh. Phấn đấu để đến năm 2010, thành phố Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại 2, xứng đáng là trung tâm kinh tế - chính trị và văn hóa - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
LÊ MỸ LIÊN Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi
|