Bệnh đô thị ngày càng cao
Các Website khác - 29/10/2005
Ở các đô thị lớn, môi trường sống và làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, gây ra các hội chứng gọi là "bệnh đô thị". Một số đô thị Việt Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh cũng đang đối phó triệu chứng này.
Hội chứng độ cao, nhà hộp, bệnh nghề nghiệp...

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, các bệnh do hội chứng nhà cao tầng tăng 40% trong vòng 10 năm qua. Hiện nay, tại các đô thị lớn, diện tích đất eo hẹp nên người ta tận dụng không gian trên cao để xây các tòa cao ốc, chung cư, bệnh viện, trường học, công sở. Từ đó, dẫn đến các triệu chứng do độ cao gây nên như nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, thần kinh dễ kích động, ảnh hưởng đến tim(nhiều người bị hồi hộp khi từ trên cao nhìn xuống đất hoặc ngược lại).

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - chuyên khoa Tâm thần kinh-Nội khoa, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh, cho rằng, môi trường sống (khu dân cư, đường phố...) đô thị hiện nay quá ngột ngạt, thiếu không gian xanh. Không ít người sau một ngày làm việc, về nhà lại bị bao vây bởi bốn bức tường, với ánh sáng đèn điện, máy điều hòa không khí, quạt điện... gây ức chế tâm lý, bị ngộp, tạo nên trạng thái mệt mỏi, mất năng lượng, nặng hơn là trầm buồn, lo âu, chán nản... Bữa cơm sum họp gia đình vắng dần, các thành viên trong gia đình ít có dịp trò chuyện với nhau... dễ dẫn đến những sang chấn tâm lý, nhất là ở giới trẻ nhưng người thân thường không hay biết để chia sẻ. Đối với người già, việc ít được trò chuyện với con cái, bị "nhốt" trong không gian không mấy thoáng đãng, làm xuất hiện bệnh Alzheimer (mất trí, tổn thương thần kinh).

Môi trường làm việc khép kín trong văn phòng, cao ốc làm xuất hiện ngày càng nhiều loại bệnh nghề nghiệp. Một nghiên cứu của Viện Y học lao động và môi trường mới đây cho thấy, những người ngồi nhiều trong văn phòng có tỷ lệ mắc bệnh đau thắt lưng cao hơn các nhóm lao động khác từ 15%-20% (các nhóm khác chỉ từ 5%-7%). Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều các triệu chứng như giảm năng suất, xuống tinh thần, giảm khả năng giao tiếp, thiếu hợp tác, luôn cảm thấy mỏi mệt, đau đầu... Mặt khác, do các phương tiện hiện đại hỗ trợ như thang máy, điện thoại di động, xe máy... nên con người ít có dịp vận động. Ngồi nhiều, thiếu vận động còn là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi kéo dài, táo bón...

Bệnh do ăn uống, lối sống

Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, chưa có thông số đánh giá về bữa ăn của người dân đô thị hiện nay. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, tỷ lệ người thừa cân béo phì ở thành phố cao hơn nông thôn do thói quen ăn uống - đây là căn bệnh đô thị mà hệ lụy của nó dẫn đến các loại bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư, rối loạn chuyển hóa mỡ, tim mạch...

Bác sĩ Tường Linh - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, cho rằng, trong bữa ăn hàng ngày, người thành thị ăn thịt nhiều hơn cá, tỷ lệ rau xanh chiếm rất khiêm tốn. Thức ăn nhanh - fastfood, thức ăn công nghiệp cũng góp phần làm tăng các loại bệnh mãn tính không lây. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu của Viện dinh dưỡng, tỷ lệ mỡ trong cơ thể người Việt Nam khá cao. Nếu như ở phương Tây, chỉ số BMI đạt 25 thì tỷ lệ mỡ chỉ 19% trong khi ở người Việt Nam, chỉ số BMI đạt 23 thì tỷ lệ mỡ đã lên 22%. Lượng mỡ cao đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các chứng bệnh có liên quan như tiểu đường, cao huyết áp...

Ngộ độc thực phẩm cũng được xem là bệnh đô thị. Đặc biệt, hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố luôn ở mức báo động. Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2004 có 3.584 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 41 người đã tử vong.

Bệnh do ô nhiễm môi trường

Điều tra của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, tiếng ồn (động cơ xe máy, ô tô, thiết bị máy móc...) gây ra các chứng bệnh về tai (điếc, nghễnh ngãng), khói bụi gây ra các chứng bệnh đường vì hô hấp (viêm họng, mũi, phổi). Hiện nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp do xử lý không tốt chất thải ra môi trường nên tình trạng ngộ độc hóa chất xảy ra khá cao. Ô nhiễm môi trường ngày càng tăng trong khi mảng cây xanh lại thiếu, càng làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh đô thị. Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh, hiện toàn thành phố có tổng diện tích 35.299,62 ha cây xanh. Nếu chia bình quân đầu người (khoảng 7 triệu dân) thì diện tích cây xanh chưa tới 3m2/ người. Trong khi đó, theo quy định chuẩn của đô thị loại I tối thiểu phải đạt 10m2 cây xanh/đầu người. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở châu Âu cho thấy, người dân sống trong các khu vực có môi trường bị ô nhiễm ngoài mắc các bệnh về đường hô hấp, phổi thì tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 40% so với nơi có không khí trong lành.

Phòng ngừa "bệnh đô thị" cách nào?

Sau đây là lời khuyên của các bác sĩ

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP Hồ Chí Minh:
"Chú ý đến môi trường sinh thái"

Để phòng ngừa và giảm thiểu các loại bệnh đô thị, trong môi trường làm việc nên sắp xếp công việc thật hợp lý. Cần thay đổi những thói quen làm việc không tốt cho sức khỏe như cố làm cho hết việc, ngồi nhiều giờ trên máy vi tính. Chú ý tạo không gian, môi trường làm việc thật thoáng mát, sử dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể.

Đối với các xí nghiệp, nhà máy sản xuất, cần có những công trình phụ, căn tin, sân chơi, mảng xanh... cho người lao động hưởng thụ. Đối với không gian nhà ở, cần loại bỏ những vật dụng không cần thiết, thêm cây xanh, sinh cảnh trong nhà. Người dân nên tránh những thói quen có hại như sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá; tăng cường vận động giúp hệ thống thần kinh hưng phấn, tư duy phong phú, giảm stress.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh:
"Hạn chế thức ăn đóng hộp, thức ăn đường phố"

Trong khuynh hướng phát triển của đô thị, người dân quen sử dụng thức ăn nhanh, ăn ở bên ngoài nên ăn ít rau xanh. Để bảo đảm đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, trong bữa ăn cần đa dạng các loại thực phẩm (thay đổi món ăn trong tuần), có nhiều loại thức ăn khác nhau trong một bữa ăn. Trong bữa ăn nên cân đối các chất dinh dưỡng như chất béo, vitamin, khoáng chất để đảm bảo sự cân đối trọng lượng của cơ thể. Chú ý, nên thường xuyên ăn rau, trái cây và cá (axít béo trong cá cần cho cơ thể), hạn chế các loại thức ăn nhanh, thức ăn - nước ngọt đóng hộp, thức ăn đường phố.

Theo Theo Sài Gòn giải phóng