Bệnh nhân lao chết trên bàn mổ không phải người đầu tiên
Các Website khác - 23/12/2005

(VietNamNet) - 5 năm trước, từng có 1 người mẹ uất nghẹn vì người con gái chết khi đang chuẩn bị lập gia đình có liên quan đến kíp mổ của bác sỹ Dung cũng tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương.

Bài 1: Bệnh nhân lao phổi chết không rõ ràng trên bàn mổ

Mổ chết 1 người, bồi thường 50 triệu?!

Soạn: AM 656247 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nạn nhân Sơn.
Khi lật lại “lịch sử làm nghề” của bác sĩ (BS) Tô Thị Kiều Dung, chúng tôi còn phát hiện ra năm 2001, kíp mổ do bác sĩ Dung mổ chính đã khiến một bệnh nhân tử vong. Đó là trường hợp của chị Bùi Thị Thu Thuỷ, 23 tuổi, lúc bấy giờ nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội, còn người mẹ chịu nỗi đau mất con lúc đó là bà Đỗ Thị Thanh Y.

Năm 2001, chuẩn bị lập gia đình, chị Thuỷ vào khám và điều trị bệnh kén phổi bẩm sinh tại Viện Lao & Bệnh phổi TW. Tại đây, sau khi khám các bác sĩ nói phải mổ. 11h30’ ngày 4/6, chị Thuỷ lên bàn mổ. Kíp mổ ngày đó cũng do chính bác sĩ Tô Thị Kiều Dung (khi đó là phó Chủ nhiệm khoa ngoại) phụ trách trực tiếp mổ.

6 tiếng sau khi mổ, chị Thuỷ lên cơn co giật, người tím tái, máu chảy ồ ạt từ vết mổ mà không có bất cứ sự can thiệp nào của kíp mổ bởi cả người phụ trách ca mổ, y bác sĩ đều không trực. Người giữ kho máu cũng bỏ trực không quan tâm tới bệnh nhân sau mổ khiến chị Thuỷ chết oan uổng khi đang chuẩn bị lập gia đình...

Người mẹ quá đau đớn đã bỏ cả công việc, suốt 2 năm trời đến gõ cửa các cơ quan công quyền để đòi một câu trả lời công bằng cho cái chết tức tưởi của con gái mình. Sự việc này vào thời điểm đó đã gây bức xúc trong dư luận. Hàng loạt cơ quan báo chí khi tiếp nhận đơn tố cáo của bà Y cũng đã lên tiếng thay người mẹ mất con.

Đỉnh điểm của sự việc là Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, yêu cầu Bộ Y tế phải giải quyết vấn đề và trả lời ngay.

Rốt cuộc, tại kết luận của Thanh tra Bộ y tế về vụ việc này đã phải kết luận về trách nhiệm của BS Tô Thị Kiều Dung rằng: “Về tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân: giải thích với người nhà bệnh nhân không rõ ràng, thiếu cặn kẽ, tạo cho gia đình bệnh nhân tâm lý là cuộc mổ đơn giản; không lường hết những khả năng diễn biến xấu có thể xảy ra đối với bệnh nhân để giải thích cho người nhà bệnh nhân...”.

Sau 5 năm, khi chúng tôi lật lại hồ sơ vụ việc, người mẹ chị Thuỷ thẫn thờ lần giở những trang nhật ký ghi lại quãng thời gian quặn lòng cho chúng tôi xem, dù con bà mất đã rất lâu. Bà cũng lý giải nguyên nhân "tế nhị" khiến bà không tiếp tục khiếu nại vụ việc. Dù rằng, cái chết tức tưởi của người con gái mới 23 tuổi đầu thì bà không thể nào nguôi.

Cần phải nhắc lại rằng: trước khi lên bàn mổ, cả anh Sơn và gia đình cũng được “động viên” rằng đó là ca mổ rất đơn giản. Rồi cũng như trường hợp của anh Sơn, kíp mổ năm 2001 do BS Dung chịu trách nhiệm chính cũng bồi thường cho gia đình chị Thuỷ 50 triệu đồng!

Không cho mổ thì "chỉ có nước đóng cửa bệnh viện"?!

Soạn: AM 657877 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người nhà nạn nhân làm việc với cơ quan báo chí.

Chưa hết, trước thời điểm bệnh nhân Sơn chết trên bàn mổ không lâu, kíp mổ của BS Dung đã... bỏ quên gạc trong lồng ngực của bệnh nhân Lê Anh Dũng ở Hưng Yên. May mắn, nhờ sự phát hiện kịp thời của một bác sĩ khác nên bệnh nhân này mới may mắn thoát chết!

Những sự việc nêu trên liệu đã đủ để thấy rằng khả năng chuyên môn của bác sĩ Dũng là “có vấn đề”? Nhưng điều khó hiểu là với trình độ chuyên môn như vậy mà bác sĩ Dung nhưng vẫn tiếp tục được chỉ định làm bác sĩ mổ chính.

Lật lại hồ sơ các vụ việc liên quan, dễ nhận thấy những “rủi ro nghề nghiệp” xảy ra trong quá trình công tác của BS Dung rất có hệ thống. Tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện: BS Dung hoàn toàn không có chuyên môn về mổ ngoại khoa (lồng ngực) mà chỉ có bằng Phó tiến sỹ về chuyên ngành ngoại sản (do ĐH Y Thái Bình cấp). Tấm bằng Phó tiến sỹ khoa học Y dược của BS Dung lại là chuyên ngành nội khoa.

Đến nay, BS Dung chưa hề có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa ngoại (lồng ngực) do chuyên khoa ngoại đầu ngành nào của TƯ cấp. Còn BS Vũ Đỗ, bác sĩ phụ mổ, tại kíp mổ của anh Sơn cũng chỉ có bằng nội khoa.

Trong khi đó, BS Dung vẫn được Ban GĐ BV Lao và Bệnh phổi TƯ tiến hành phân công cho mổ. Điều này hoàn toàn trái với Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo QĐ 1895 của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 19/9/1997.

Cần nhắc lại, trong buổi làm việc với BS Nguyễn Chi Lăng, Phó GĐ BV Lao và Bệnh phổi TW, khi được hỏi tại sao BS Kiều Dung liên tiếp mắc những sai lầm lớn trong quá trình công tác, nhất là phải chịu trách nhiệm trong cái chết của bệnh nhân Thủy vào năm 2001, nhưng đến nay vẫn được cầm dao mổ mà không phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng mà vẫn được nắm giữ những chức vụ quan trọng như Phó trưởng khoa ngoại và bây giờ chuẩn bị bổ nhiệm làm Trưởng khoa ngoại?

BS Lăng cho biết vào thời điểm đó, do chưa làm lãnh đạo BV, nên không thể nhớ được BS Dung có bị kỷ luật hay không. "Nhưng hình như là không có kỷ luật gì, hoặc kỷ luật cũng khá nhẹ". Còn vụ bỏ quên gạc trong bụng bệnh nhân thì ông Lăng cũng không nhớ(?).

Về vấn đề BS Dung không có đủ bằng cấp chuyên khoa nhưng vẫn được phân công mổ, BS Lăng có đưa ra một loạt những quyết định, bằng cấp của BS Dung để chứng minh. Tuy nhiên, trong số này, ngoài một số bằng cấp đã nêu trên, có thêm Giấy chứng nhận chuyên khoa cấp 1 ngành Lao và các quyết định bổ nhiệm chức vụ. Không hề có bằng cấp hay chứng chỉ nào chứng tỏ BS Dung đã từng được đào tạo chính quy về chuyên khoa ngoại (lồng ngực).

Chưa hết, khi trả lời gia đình nạn nhân Sơn, BS Lăng còn cho rằng “nếu không cho BS Dung mổ thì chỉ còn nước đóng cửa bệnh viện vì... thiếu bác sỹ mổ”(?!). Lẽ nào, ngành y tế lại thiếu người tới mức nghiêm trọng như vậy?

Anh Sơn ra đi khi mới 27 tuổi với bao hoài bão còn dang dở. Với 50 triệu đền bù, dường như các bác sĩ đã gây ra cái chết này coi như đã làm xong "nghĩa vụ"! Bà Mai Thị Hải sẽ phải sống nốt những ngày cuối đời với nỗi đau mất con, tiếp tục ôm đơn kiện đi gõ cửa các cơ quan công quyền. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết oan khuất ấy? Câu hỏi này xin được gửi tới bà Bộ trưởng Bộ Y tế.

Công luận yêu cầu cần phải có cái nhìn thẳng thắn, sòng phẳng về trách nhiệm của những y, bác sỹ trong kíp mổ ngày 7/9/2005 tại BV Lao và Bệnh phổi TW. Có vậy, người dân mới thêm tin vào chuyện y đức của những người thầy thuốc.

  • Hà Trường

Kỳ tới: Khi bệnh viện "tuyên án treo" trên cuộc đời bệnh nhân

Ý kiến của bạn: