Biến áp lực dân số thành ưu thế phát triển
Các Website khác - 16/12/2005
TPHCM với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút rất nhiều người dân di cư đến sinh sống và làm việc. Trong ảnh: Công nhân khu chế xuất Tân Thuận vào giờ tan ca. Ảnh: B.TRUNG
“Chính sách pháp luật đối với người di cư tới đô thị và các khu công nghiệp” là chủ đề của hội thảo quốc gia diễn ra tại TPHCM ngày 15-12. Là một hiện tượng tất yếu diễn ra trong quá trình phát triển, vấn đề di dân liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống. Các chính sách xã hội được xem xét với người di cư là để hướng tới chiến lược phát triển bền vững về kinh tế- xã hội.

Hơn 70 đại biểu từ các cơ quan Trung ương và địa phương và một số tỉnh, TP trên cả nước. Các nhà nghiên cứu... đã tham dự hội thảo. Các tham luận và ý kiến tập trung khá sâu về kinh nghiệm quản lý, những khó khăn, đặc biệt là đề ra những chính sách với người di cư sát hợp với thực tế cuộc sống.

Khó khăn về hộ khẩu, hộ tịch

Ông Ian Howie, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng, chuyển dịch dân số là một yêu cầu diễn ra ở tất cả quốc gia. Những đô thị lớn, những vùng kinh tế trọng điểm luôn có một sức hút cho dòng dân cư hướng đến. Thúc đẩy sự phát triển cho đô thị, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với thách thức, trong đó không chỉ là quản lý, đáp ứng nhu cầu nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe... mà còn hàng loạt vấn đề khác, kể cả tệ nạn, an toàn tình dục và cả ma túy, HIV/AIDS, đặc biệt trong người trẻ tuổi.

Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá chính sách di dân đến đô thị, TS Nguyễn Văn Tiên, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội Quốc hội, cho biết: Hiện nay dân số tại Hà Nội có 9,5% và TP HCM là 30,1% là người di cư.

Về đăng ký hộ khẩu thường trú vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người di cư. Nghị định 108/2005 ngày 19-8 - 2005 đã có sửa đổi, bổ sung, mở rộng nhiều điều kiện, là hướng mở cho người dân di cư. Tuy nhiên về hộ tịch có nhiều quy định bất cập tạo nên sự phân biệt đối xử: Trong quy định đăng ký hộ tịch phải xuất trình hộ khẩu, nên người di cư phải trở về nơi cư trú cũ. Đăng ký khai sinh phải có giấy kết hôn của cha mẹ. Hơn thế, thẩm quyền đăng ký khai sinh là UBND cấp xã nơi cư trú nên đã có nhiều trẻ em không có khai sinh vì không xác định được nơi cư trú của người mẹ.

Người di cư phải làm hồ sơ giả để xin việc

Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Đa số lao động trong các KCN là người di cư

Di cư là hiện tượng tất yếu diễn ra trong quá trình phát triển đất nước, là một xu hướng xã hội tích cực. Chúng ta phải nhìn nhận rằng, đa số lực lượng lao động trong các khu công nghiệp lớn như hiện nay là người di cư. Thế nhưng hiện tại vẫn còn nghịch lý ở chỗ, đóng góp từ nguồn lực này với sự tăng trưởng kinh tế tại các địa phương là rất quan trọng nhưng sự thụ hưởng các nhu cầu xã hội khác lại không tương xứng. Hãy biến áp lực dân số thành ưu thế cạnh tranh trong hội nhập và phát triển.

D.Hà ghi

TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã làm cả hội trường cười ồ khi đưa ra hình ảnh của người di cư: “Thân bước ra đi, quyền còn ở lại”. Ông cho rằng những người di cư vào TP tìm việc làm là một xu hướng tích cực ở cả nơi xuất cư và nơi nhập cư. Vì vậy tại sao cứ vướng mãi ở việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, việc con em họ học hành và sự phân biệt khi chi trả tiền điện, nước. Ông đề xuất, phải làm sao trong hành trang của người di cư đến đô thị có cả quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.

Đưa ra con số 6,3% lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM khi làm bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mới phát hiện là hồ sơ sử dụng xin việc làm là giả, bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng Ban Lao động Các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, phản ánh thực trạng khó khăn hiện nay của người di cư về thủ tục giấy tờ.

Một cơ chế đặc thù cho TPHCM

TPHCM hiện đang đứng đầu cả nước về số dân và số người di cư. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, nhận xét: Lực lượng di cư đã đóng góp rất lớn vào phát triển TP. Trong số hơn 180.000 lao động nhập cư đang làm việc tại các khu chế xuất thì lao động kỹ thuật ít, chưa kể luôn biến động. Bà Thảo đưa ví dụ: Cứ một mùa về Tết có khi cả 5.000 lao động “biến mất”.

Chia sẻ điều này, bà Huỳnh Thị Thanh Diệu, Thường trực HĐND TP, cho rằng: Quá tải là hiện trạng hiện nay của TP. Mặc dù nhiều năm qua TP đã dồn sức xây dựng hạ tầng, phúc lợi xã hội, thực hiện các chính sách một cách linh hoạt và sáng tạo nhưng kết quả chưa thể đạt được như mong đợi. Người TP và người di cư đang phải cùng san sẻ phúc lợi và môi trường sống nhiều bất cập. Theo bà, không thể quản lý một đô thị đúng nghĩa với những biện pháp nhất thời, tình thế, mà cần có những chính sách mang tầm quốc gia, đồng bộ giữa các bộ, ngành theo đặc thù của TP. Bà kiến nghị có một cơ chế riêng cho TP, tăng thẩm quyền, phân bổ ngân sách, đầu tư cho TP xét ở khía cạnh đông dân với nhu cầu theo cấp số nhân chứ không chỉ tính bình quân đầu người.

Điều chỉnh một số chính sách hợp lý với di dân

Hầu như các ý kiến tham gia hội thảo đều có chung nhìn nhận về người di cư và cho rằng lực lượng này góp phần phân bố lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, giải quyết việc làm... Cần phải coi di dân là bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Từ đó cần điều chỉnh một số chính sách hợp lý và đặc biệt là phải có một bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước trên lĩnh vực di dân đến đô thị, từ đó chủ động xây dựng chính sách luật pháp về di cư đô thị. Ngoài ra là việc: thay đổi cách tính dân số ở mỗi địa phương để phân bổ ngân sách công bằng hơn; coi đăng ký hộ khẩu chỉ là quản lý xã hội chứ không phải giải quyết các chính sách xã hội; sửa đổi về hộ tịch tạo điều kiện cho người dân đăng ký khai sinh, kết hôn; khuyến khích và ưu đãi việc xây nhà cho người lao động; tạo nhiều cơ chế cho địa phương chăm lo cho người di cư hòa nhập...

9 kinh nghiệm qua nghiên cứu di dân tại Trung Quốc

1. Thừa nhận vai trò tích cực của người di cư vào TP. Bãi bỏ chính sách cấm người di cư làm một số ngành nghề; 2. Nhà nước thành lập tiểu ban về chính sách quản lý người di cư; 3. Thí điểm bãi bỏ chế độ hộ khẩu tại nhiều TP quy mô nhỏ. Các đô thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh duy trì hộ khẩu nhằm hạn chế hình thành các siêu đô thị; 4. Đầu tư phát triển mạnh các đô thị vệ tinh; 5. Hợp tác giữa nơi đi và nơi đến trong việc đào tạo nghề và đưa dân đi có tổ chức; 6. Tổ chức trung tâm hỗ trợ người di cư để họ hòa nhập cuộc sống thành thị 7. Con em di cư học trường dân lập, vì vậy nhiều tỉnh chủ động tăng đầu tư ngân sách địa phương hỗ trợ; 8. Khuyến khích mô hình xây nhà chung cư cấp thấp cho người di cư thuê, hạn chế tình trạng ở trọ rải rác khó kiểm soát; 9. Nhà nước chịu trách nhiệm lo chính sách xã hội, doanh nghiệp và bản thân người lao động lo nhà ở. Nhiều doanh nghiệp chủ động xây ký túc xá cho công nhân ở miễn phí, khi lập gia đình được vay quỹ công ty mua nhà trả góp.

T.L

Khánh Sơn