Biến điều không thể thành có thể
Các Website khác - 17/12/2005
Những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong 20 năm đổi mới của Việt Nam đã được các chuyên gia, học giả danh tiếng xới lên trong một hội thảo cùng tên do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày hôm qua 15-12.
Từ lo từng bữa ăn, đến lương thực dư thừa

Năm 1992, cả nước có 58% dân số có mức sống dưới 2 USD/ngày, thì nay tỷ lệ đó chỉ còn chưa đến 25%. Mức GDP tính theo đầu người vào năm 2000 là 266 USD thì nay đã tăng gần gấp đôi: 500USD.


Trong bài phát biểu chào mừng, ông Jordan Ryan - đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: công cuộc đổi mới có một không hai của Việt Nam đã tạo ra rất nhiều kỳ tích và kỳ tích ấn tượng nhất chính là trong phát triển kinh tế.

Ông kể, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam vào năm 1992, ông dễ dàng nhận thấy khối lượng các mặt hàng xuất khẩu tăng vọt; sân bay chật ních các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam với những kế hoạch và ý tưởng kinh doanh mới.

Đặc biệt, từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã chuyển sang một nước dư thừa lương thực phục vụ cho xuất khẩu. "Sự thay đổi này thật bất ngờ nếu biết trước đó, người dân Việt Nam đã phải lo kiếm từng bát cơm, từng kg lương thực"- ông Ryan nói.

Thế nhưng, ông Ryan cho rằng, những thành tựu của giai đoạn đó không ăn thua gì so với thành tích của những năm đổi mới gần đây. Biểu hiện rõ nhất là, thị trường đã đầy ắp các loại hàng hóa. Đất đai về tay nông dân. Các doanh nghiệp được mở ra khắp mọi nới.

Được theo dõi, chứng kiến đất nước qua 20 năm đổi mới, PGS-TS. Trịnh Duy Luận (Viện Xã hội học) nói ông đặc biệt có ấn tượng với những bước tiến thần kỳ, ngoạn mục trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Theo ông, mặc dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm mạnh, nhưng do biết đầu tư khoa học kỹ thuật, giống mới, nên sản lượng lương thực bình quân của Việt Nam tăng 1,1 triệu tấn và kết thúc năm 2005 có thể đạt gần 40 triệu tấn. "Từ một nước thiếu ăn, chúng ta dần trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo.

Việt Nam đã đưa những điều không thể trở thành có thể" - ông Luận khẳng định. Thành tựu to lớn như thế đã tạo đà cho việc thực hiện sứ mệnh cao cả: xóa đói giảm nghèo. Như năm 2001, tỷ lệ nghèo lên đến 17,5%, đến nay giảm chỉ còn dưới 7% theo tiêu chí cũ)...

Tạo việc làm cho người nghèo

Mặc dù đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong 20 năm đổi mới, nhưng các diễn giả cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập mà theo họ nếu không giải quyết rút kinh nghiệm e rằng sự phát triển tới đây ít nhiều sẽ gặp khó khăn.

Với một hành trang khá dày về đất nước và con người Việt Nam, GS. Martin Painter đến từ ĐH Hồng Công đã không ngần ngại nói thẳng: Việt Nam đang có một "lỗ hổng nghiêm trọng trong quá trình thực hiện cải cách hành chính công".

Một ví dụ rất rõ ràng là Nhà nước đã có Nghị quyết phải cắt giảm 15% số cán bộ ở tất cả các cấp theo tinh thần tinh giảm biên chế, nhưng quá trình này đến nay chỉ đạt kết quả là... 3%.

"Vào năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu là hệ thống hành chính công sẽ cơ bản được cải cách nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng với lộ trình thực hiện như đã nói, có thể mục tiêu nói trên rất khó đạt được và như vậy tăng trưởng kinh tế không bị ảnh hưởng mới là lạ" - GS.Martin Painter nhận định.

PGS-TS. Trần Duy Luận (Viện Xã hội học) cũng rất đồng tình khi cho rằng: Không chỉ trong lĩnh vực cải cách hành chính công mà ngay ở lĩnh vực cốt yếu của Việt Nam hiện nay là xóa đói giảm nghèo cũng còn rất nhiều bất cập.

Cụ thể là khoảng cách chênh lệch giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất từ 4,43 lần vào giai đoạn 1992-1993 đã tăng lên gần 7 lần vào giai đoạn 1997-1998 và đã lên tới 8,14 lần vào giai đoạn 2001-2002...


Cụ thể, dù Việt Nam được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, nhưng sự thực là chất lượng xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc. Tỷ lệ tái nghèo còn cao, đời sống nhân dân vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng đang có xu hướng gia tăng.

Để giải quyết những bất cập như vậy, theo PGS -TS. Trần Duy Luận, trong thời gian tới Nhà nước cần tập trung tìm việc làm phi nông nghiệp cho người nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó quan trọng nhất là dịch vụ giáo dục và y tế...

Bà Anna Lindstedt - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng rất lo lắng về vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam vì nếu làm không tốt điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nói chung.

Theo bà, mặc dù luật pháp và các chính sách của Việt Nam không có sự phân biệt, nhưng các chuẩn mực xã hội và truyền thống thực tế vẫn còn cản trở đến bình đẳng giới.

Liên quan đến vấn đề này, một điều tra về bình đẳng giới được thực hiện vào năm 2005 do TS. Trần Thị Vân Anh (Viện Giới và Gia đình) công bố tại Hội thảo cũng khiến nhiều người giật mình: Tỷ lệ phụ nữ tập trung ở những công việc nặng nhọc, độc hại cao hơn nam giới; trong khi làm việc ở môi trường thuận lợi nam giới lại chiếm phần lớn. Ví dụ, lao động nữ trong nông nghiệp hiện chiếm đến 40,8% trong khi nam giới chỉ là 37%; nam giới làm lãnh đạo chiếm 3,7% trong khi nữ chưa được một nửa - 1,6%.

"Bình đẳng giới là nhân tố quan trọng của sự phát triển. Chừng nào chúng ta chưa tạo ra sự bình đẳng thật sự, chừng ấy thời gian người phụ nữ sẽ chưa an tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển nói chung" - TS. Trần Thị Vân Anh khẳng định.


Ông Jordan Ryan.

Ông Jordan Ryan - Đại diện thường trú UNDP:
Phải xây dựng quyền dân chủ công dân
Thách thức trong tương lai của Việt Nam là phải làm sao đảm bảo được những mục tiêu sau đây thực sự là mục tiêu chung: tăng cường sự gắn kết xã hội và ổn định chính trị; đề ra cơ chế cho phép người dân thể hiện mình trên tất cả các khía cạnh văn hóa, địa lý, kinh tế và sáng tạo. Theo tôi, cách tốt nhất để thể hiện điều này là xây dựng quyền dân chủ công dân dựa trên luật chơi mang tính minh bạch và được thực thi một cách công bằng.



Bà Anna Lindstedt.

Bà Anna Lindstedt- Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam:

Chất lượng hành chính công là quan trọng

Kỳ họp Quốc hội Việt Nam mới đây đã thông qua 14 dự án luật, trong đó có nhiều nội dung có tham khảo các bên có liên quan ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng những văn bản luật đó tốt thôi là chưa đủ, vấn đề là các văn bản đó phải được thực hiện đúng. Để làm được điều đó, chất lượng hành chính công là cần thiết, quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện những thành quả tốt đẹp như hiện nay.


Theo Nông thôn ngày nay