* Họa sĩ Vi Kiến Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh : Đây là lần đầu tiên một triển lãm mỹ thuật có quy mô lớn của Việt Nam được tổ chức tại bốn thành phố lớn của Nhật Bản, đó là cơ hội để công chúng Nhật Bản hiểu rõ hơn bản sắc văn hoá Việt Nam thông qua các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Phía Nhật Bản đánh giá đây là triển lãm mỹ thuật lớn nhất của các nước Đông - Nam Á được giới thiệu tại Nhật từ trước đến nay. Đông đảo công chúng Nhật Bản và bạn bè quốc tế, người Việt Nam đang sinh sống và định cư tại Nhật đã tìm đến Tokyo Station Gallery cho thấy họ quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam như thế nào.
* PGS-TS Trương Quốc Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật: Ngay từ tên gọi
50 năm hội hoạ hiện đại Việt Nam đã cho thấy đây là cuộc triển lãm có quy mô lớn với 90 tác phẩm đa dạng về thể loại, phong phú về chất liệu. Với 40 tác phẩm chọn lọc từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ba tác phẩm của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì đây cũng là lần đầu tiên sưu tập tác phẩm hội hoạ của các bảo tàng Việt Nam được đưa ra nước ngoài để trưng bày, giới thiệu về những giá trị của Di sản Mỹ thuật Việt Nam kể từ khi Luật Di sản văn hoá ra đời.
Triển lãm còn có sự góp mặt của trên 40 tác phẩm của các Bảo tàng và Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Sự hiện diện của các tác phẩm từ những bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là sự thể hiện sinh động và cụ thể về công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
* Bà Tanaka Horuko - Tokyo Station Gallery: Người Nhật quan tâm sâu sắc đến Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì mỹ thuật. Cuộc triển lãm này được tổ chức không vì mục đích thương mại mà nhắm đến việc giới thiệu nền văn hoá hấp dẫn của Việt Nam, tạo cơ hội để công chúng Nhật Bản tiếp cận với lịch sử mỹ thuật của người Việt, đồng thời quan tâm đến bối cảnh sinh ra các tác phẩm và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết giữa hai dân tộc.
Dưới góc nhìn của người Nhật, mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam dù vẽ cảnh chiến đấu hay lao động sản xuất đều như thấy được sự hiền hoà của những giấc mơ. Các tác phẩm vẽ người phụ nữ dịu dàng ở tranh sơn mài sử dụng vàng, bạc kim loại hay vỏ trứng đều lộng lẫy và kích thích trí tưởng tượng của người xem. Những bức mầu dầu hay tranh cổ động có mầu sắc đơn giản nhưng lại được sử dụng một cách thật tinh tế. Các tác phẩm thể hiện tính mỹ thuật dân tộc của Việt Nam đã đang và sẽ tiếp tục mang lại sự ngạc nhiên thích thú cho người Nhật Bản.
* Ông Yamaguchi - Nhật báo Sankei: Những tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam có phong cách rất độc đáo mà các nước châu Á khác không thể có được. Tên gọi "Đông Dương" với âm hưởng cổ kính xa xưa cũng mang lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi thực sự đã bị cuốn hút khi tiếp cận sâu sắc với nền mỹ thuật Việt Nam.
Có điều lạ là dù tôi là người Nhật nhưng lại có khuôn mặt rất giống với người Đông - Nam Á, vì thế lần đầu tiên sang Việt Nam, mọi người đã nhầm tôi là người Việt, bản thân tôi cũng thấy mình rất gần gũi với người Việt Nam.
Lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên vì thấy nhiều xe máy quá, bây giờ sau năm lần đến Hà Nội, tôi đã có thể đi phố một mình mà không cần tới bản đồ. Hà Nội - Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.