Mỗi năm lại có hàng trăm mét đất nằm sát bờ biển của TP Đà Nẵng bị “hà bá” cướp đi. Chưa dừng lại, nhiều nhà dân phải chạy di tản mỗi khi mùa biển động. Dự án kè bờ chắn sóng đã có, nhưng đến giờ vẫn chưa có đê chắn sóng biển nào được đưa vào sử dụng.
Bà Đặng Thị Hoa (phường Hòa Hiệp Nam) đứng trên phần móng nhà cũ trước kia bị sóng đánh sập. Cả nhà bà phải chạy đua với sóng biển suốt mấy năm qua - Ảnh: Đ.Cường |
Một đoạn đất liền dài gần 1km dọc bờ biển Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu bị biển xâm thực gần 200m. Một số ngôi nhà bị xói lở đánh bật cả móng và đổ tường nhà xuống biển. Nhiều gia đình đã phải chạy đi nơi khác trước sự tàn phá của sóng biển. Nhưng vẫn còn nhiều gia đình liều bám trụ lại đây. Gần 300m đất liền dọc đường Sơn Trà - Điện Ngọc (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà) cũng bị biển xâm thực đánh bật gốc những trụ điện, làm hai đường ống dẫn dầu của quân đội lộ thiên hàng trăm mét…
Vừa ở vừa lo ngay ngáy
Từ năm 2006 đến nay, nhà ông Bùi Tâm (84 tuổi, tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam) liên tục phải đắp đê bao để chống lại nạn xâm thực của biển. Nhà cứ phải lùi sâu vào đất liền mà biển vẫn không tha. “Tui đã sống với biển cả mấy chục năm trời nhưng cũng ớn lắm. Vô mùa mưa bão thì bỏ nhà cửa lại để chạy đi nơi khác. Sợ lắm nhưng vẫn phải ráng mà sống, biết đi mô đây” - nói rồi ông Tâm lại lấy xẻng xúc cát để gia cố đê bao.
Không riêng gì nhà ông Tâm mà nhiều gia đình ở đây đều trong tình trạng sống đương đầu với sóng biển. Ngôi nhà cũ của bà Đặng Thị Hoa (tổ 44) nằm sát mép biển, mỗi năm biển lại nuốt một ít và đến bây giờ bà phải xây lại ngôi nhà mới, còn nhà cũ thì “hà bá” ăn. Thế nhưng ngôi nhà mà đại gia đình bà đang sống cũng bị sóng đánh bật cả phần móng. “Đành vậy. Biển vô đến mô mình chạy đến đó” - bà Hoa tâm sự.
Tương tự, tại tổ 26, 29 và 30 của phường Hòa Hiệp Bắc, hàng trăm hộ dân cùng một số cơ sở quân đội, Công ty ximăng Hải Vân đang bị sóng biển đe dọa. Ông Trần Phước Huấn - phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc - cho biết: “Hiện có gần 200 hộ dân ở trong khu vực có nguy cơ bị biển xâm thực. Năm nào cũng vậy, nếu có sóng to hoặc bão lụt, chúng tôi đều phải di tản người dân đến nơi khác”. Cũng theo ông Huấn, UBND quận Liên Chiểu đang khảo sát để tiến hành kè bờ biển khu vực này nhưng phải đến quý 2-2009 mới có thể khởi công.
Theo ngư dân ở đây, nguyên nhân của tình trạng này là do việc khai thác cát và đào đất trái phép kéo dài.
Kè chắn sóng - bao giờ?
|
Dù đã 84 tuổi nhưng ông Bùi Tâm (phường Hòa Hiệp Nam) phải tự xúc cát đắp đê bao ngăn biển xâm thực. Ông chỉ mong có một nơi cao ráo để ở - Ảnh: Đ.Cường |
Cuối năm 2007, dự án xây dựng đê kè biển Liên Chiểu với chiều dài gần 600m từ cuối đường Nguyễn Tất Thành đến qua ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) được triển khai với kinh phí hơn 10 tỉ đồng, công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, khi đê kè đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo an toàn cho hơn 300 hộ dân ở khu vực này và ngăn chặn việc xâm thực của biển vào đất liền. Lẽ ra công trình phải được hoàn thành vào tháng 6-2008 nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn đóng cọc.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, nguyên nhân của việc triển khai dự án chậm trễ là do đợt khủng hoảng kinh tế và giá cả leo thang đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Cũng theo ông Thắng, do dự án được triển khai ở khu vực có thời tiết tương đối khắc nghiệt, địa chất và địa hình phức tạp, gây khó khăn cho đơn vị thi công. “Chúng tôi vừa làm việc với đơn vị thi công, đồng thời yêu cầu phía đối tác thực hiện bản cam kết đến tháng 6-2009 sẽ bàn giao công trình” - ông Thắng khẳng định.
Trong khi đó, dự án bờ kè ở khu vực biển thuộc phường Hòa Hiệp Bắc hiện nay mới trong giai đoạn khảo sát và chưa biết thời gian nào có thể khởi công.
Còn tại tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, nơi mà mỗi ngày sóng biển vẫn tiếp tục nuốt đất liền, ông Phạm Văn Tựu, trưởng ban quản lý dự án Sơn Trà - Điện Ngọc, cho hay dự án kè đê chắn sóng trên tuyến đường này với chiều dài gần 30m đã được phê duyệt thiết kế. Liệu công trình có kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay?
Theo Tuoi Tre Online
▪ Gam màu đối nghịch! (19/02/2009)
▪ Rào đường ẩu - Không chỉ ùn tắc giao thông... (19/02/2009)
▪ Người thuê nhà “thất kinh” với giá điện mới (19/02/2009)
▪ Giá điện sẽ kéo giá nước tăng (19/02/2009)
▪ Hà Nội:Xế 9x “kẹp ba” lướt qua luật (19/02/2009)
▪ Hà Nội: Bắt quả tang vận chuyển xác hổ trên phố Láng Hạ (19/02/2009)
▪ Xe 3, 4 bánh được hoạt động đến hết năm (19/02/2009)
▪ Muỗi bùng phát ở Sài Gòn (19/02/2009)
▪ Đêm nay miền Bắc trở lạnh (19/02/2009)
▪ Không nên tăng giá xe buýt (19/02/2009)