Gam màu đối nghịch!
Các Website khác - 19/02/2009
Thời khủng hoảng, trong khi rất nhiều công nhân, người lao động không có việc làm, thất nghiệp gia tăng, đồng lương và thu nhập bị giảm ở mức kỷ lục, với họ "giấc mơ" có chiếc xe gắn máy để đi đã là quá khó khăn, thì ở một số nơi, một số người bất chấp khủng hoảng họ vẫn tiêu tiền như rác! Làm ra tiền thì tiêu, chẳng ai cấm, nhưng nhìn cái cách họ tiêu tiền chắc chắn có thể nhận ra rằng chẳng phải do trí tuệ hay công sức lao động bằng mồ hôi nước mắt để có được!

Từ câu chuyện của những công nhân…

3 năm trước về quê ăn Tết, chị hàng xóm sang nhà khoe cháu Hoa nhà chị đã ra Hà Nội làm việc cho một công ty nước ngoài, lương tháng gần 3 triệu. Nghe chị hàng xóm kể mà mừng cho chị, vì xét về học lực, Hoa không có khả năng vào đại học, ruộng thì còn rất ít, nên kiếm được việc làm ở Thủ đô là mừng. Thế mà tối mùng 3 Tết, có mặt tại nhà Hoa, cũng là lúc rất nhiều bạn Hoa là công nhân từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai về quê ăn Tết, nghe họ kể về công việc, về đời sống và thu nhập của họ mà không khỏi chạnh lòng.

Hoa năm nay tròn 22 tuổi, làm cho một công ty của Nhật tại Khu công nghiệp Thăng Long được 03 năm, mấy năm trước thu nhập khá khá, nên mỗi tháng trừ chi tiêu, thuê nhà còn để lại được dăm trăm làm vốn, thế nhưng gần một năm lại đây do hàng xuất khẩu bị đình trệ, thu nhập bị giảm sút, nên Hoa đành phải "tiêu" vào số tiền dành dụm trước đây. Tính ra, cả 03 năm đi làm hầu như chẳng tích góp được đồng nào! Thế, Tết được thưởng nhiều không, công ty nước ngoài chắc thưởng nhiều lắm, tôi hỏi đùa. Hoa tủm tỉm: Anh ơi, thưởng cái nỗi gì, ra Tết em bị thất nghiệp rồi, giờ chỉ mong sao có việc làm chứ nói gì thưởng. Còn Huyền, cô công nhân có tuổi nghề cao hơn Hoa, Tết vừa rồi đã xa quê đựơc 05 năm, làm cho một công ty may tận Bình Dương than thở. Anh ơi, như Hoa còn hay chán vì làm gần nhà, thích về thì chỉ ra bến xe thoắt cái đã về đến nhà, còn tụi em trong đó cực lắm. Mấy năm trước còn có đầy đủ việc làm, rồi mình làm thêm có thu nhập cũng tàm tạm, nhưng nay thì thu nhập kém quá. Thu nhập trước đây 2- 2,9 triệu/tháng, thì nay chỉ khoảng 800-1.000 triệu đồng, thậm chí rất nhiều người bị mất việc, không có tiền về quê ăn Tết. Anh làm báo đi nhiều, qua Tết vào trong đấy mà xem. Khổ lắm anh à, ngày trước thì lo sao làm để có thu nhập, rồi kiếm tấm chồng, tấm vợ, nay thì lo cái ăn cũng khó. Nói anh không tin, không ít công nhân bị đói do mất việc. Tết nay, công ty cho mỗi anh em 200.000 ngàn, cộng với tiền dành dụm, làm chuyến về quê ăn Tết cho đỡ nhớ nhà, qua năm rồi tính. Huyền cho biết, không biết ở Hà Nội thế nào chứ trong Bình Dương và các vùng phụ cận công nhân bị mất việc nhiều lắm. Và Huyền mong ước: Năm mới em chỉ mong sao tụi em có việc làm và thu nhập ổn định (2 triệu đồng/tháng) để xây dựng gia đình, còn cứ tình trạng này không biết sẽ ra sao nữa!

Đến nhìn người giàu tiêu tiền!

Người ta nói nước Mỹ giàu có, dân Mỹ tiêu tiền như nước, nhưng hiện nay do cơn bão kinh tế khiến người dân của quốc gia siêu cường này phải dè xẻn trong chi tiêu, xe đạp thay ô tô xuống đường. Còn ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng... dân giàu vẫn rất ăn chơi, hình như bóng ma khủng hoảng vẫn chẳng mấy ảnh hưởng đến cách ăn chơi, tiêu tiền của họ.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

 
Vũ trường Diamond (Kim Cương) một đêm rằm tháng giêng, nhìn bề ngoài nơi đây chẳng thấy gì là chốn ăn chơi, nhưng có bước chân vào đây mới thấy cánh con nhà giàu, những dân sành điệu tiêu tiền thế nào. Đây được dân chơi mệnh danh là một trong hai vũ trường nổi tiếng nhất đất Hà Thành hiện nay. Điều đặc biệt, không giống như các vũ trường khác, vì không gian hẹp, nên nói là vũ trường nhưng không có nơi để dancing (nhảy tự do kiểu Disco) mà hầu hết được sắp xếp bàn ghế kín chỗ, khi uống ngà ngà thì dancing ngay tại chỗ! Không phải là dân sành điệu, nhưng cứ đến một lần cho biết. Và, mặc dù trước khi bước chân vào đã xác định giá không hề rẻ, nhưng vẫn thử xem sao.
 
Tôi và người bạn đi cùng chỉ khiêm tốn gọi 02 chai bia và được xếp ngồi trong một nơi xa nhất, vì nơi khác đã có khách đặt hết chỗ. Ngồi nhâm nhi chai bia trong tiếng nhạc inh tai nhức óc, nói thật là hết chịu nổi để quan sát. 22 giờ đêm dân chơi mới nườm nượp kéo vào. Teen có, trung niên có, nhưng nhiều nhất vẫn là độ tuổi từ 21- 40. Đã vào vũ trường (trừ nơi nhảy cổ điển) mà uống bia là không đẳng cấp, mà phải rượu Tây. Cứ uống, cứ tiêu không hề chi, lướt sang mấy bàn bên thấy nhân viên phục vụ mang rượu ra xếp như là xếp bia, đã thấy choáng, còn nhìn cách dân chơi uống thì còn choáng hơn nhiều, chỉ hơn 30 phút 02 chai X.O đã đi vèo. Người ta uống, người ta lắc, người ta nhảy. Có lẽ trong cái không khí hỗn loạn bởi tiếng nhạc inh tai, bởi mùi men của rượu... những bản năng của con người mới được trỗi dậy. Có lẽ người bình thường bước chân vào đây cũng sẽ bị ngất xỉu bởi sự choáng ngợp vì cách hưởng thụ, ăn chơi, bởi tiếng nhạc muốn vỡ tan lồng ngực.
 
Và đặc biệt sẽ ngất đi khi nhìn thấy bảng thanh toán... Cả vũ trường quay cuồng trong tiếng nhạc, sức chịu đựng có lẽ không chịu nổi, người bạn đi cùng tôi đề nghị ra về. OK! Thanh toán, chỉ 02 chai bia cho thời gian ngồi 45 phút, giá mềm mềm 220.000 đồng, tính ra 110.000 chai bia! Một thoáng giật mình. Vậy thì, với số lượng rượu được chồng lên bàn, được liên tục khui uống như các bàn bên chắc chắn khi thanh toán số tiền phải từ 5-15 triệu! Thảo nào, trước đây khi đọc các phóng sự về tiêu tiền trong vũ trường (tất nhiên là những vũ tường nhảy tự do sành điệu, còn nơi dành cho khiêu vũ cổ điển chỉ trung bình 15.000- 30.000 ngàn đồng/người cả đồ uống) tôi thấy khó mà tin, làm gì một đêm tiêu cả 15-16 triệu, nhưng bây giờ đấy là sự thật. Khủng khiếp. Một chai bia trị giá bằng 1/10 tháng lương, và một đêm tiêu tiền của dân chơi có khi gần bằng cả một năm tích góp của những người cầm bút như tôi. "Một vốn, bốn lời", có người nhà làm ở công ty phân phối rượu Tây, nên mới biết kinh doanh những loại hình liên quan đến rượu Tây lãi ra sao. Một chai vang bình thường giá gốc chỉ khoảng 50-80 ngàn đồng, vào những nơi này giá khoảng 350 ngàn đồng. Một chai rượu nặng giá 200- 500 ngàn đồng, thì các nơi dịch vụ sa xỉ được bán lên tới 1,5 đến 2, 5 triệu đồng/chai. Siêu lợi nhuận.

Chưa hết, do hệ luỵ của khủng hoảng kinh tế, giá ô tô đang trên đường xuống dốc, nên thời điểm này những người có tiền tranh thủ thay xe. Từ xe cao cấp như Camry thay bằng Mẹc, bằng BMW hay Lexus; thậm chí những dòng xe cỡ chục tỷ bạc. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi ra đường thấy trừ các đại gia, có những em "chân dài", những cậu mắt còn non choẹt điều khiển những chiếc xe hạng sang trị giá mấy tỷ, bằng thu nhập của hàng chục công chức, viên chức, người lao động trong suốt hơn 50 năm lao động cực nhọc mới có được.

Trong khi người lao động chỉ mơ có một công việc ổn định, với mức thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống mà vẫn bị thất nghiệp hoặc nỗi lo thất nghiệp, tiền làm ra không đủ chi tiêu luôn rình rập, thì có những cậu ấm, cô chiêu, kẻ nhiều tiền vẫn có thể chi bạc triệu cho việc chơi bời, chi bạc tỷ cho việc mua sắm xe hơi... Xã hội đang hình thành ra những gam màu tách biệt và hết sức đối nghịch. Buồn thay!  
 
Theo Phunuet