Hà Nội:Xế 9x “kẹp ba” lướt qua luật
Các Website khác - 19/02/2009
 Từ tháng 9/2007 - quy định cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy có hiệu lực. Kể từ ngày đó đến nay đã được gần 2 năm, đi cùng với quy định là rất nhiều biện pháp đưa ra để ngăn chặn tình trạng này.
 
Tuy nhiên, thực tế đáng ngạc nhiên là phần lớn học trò các trường phổ thông ở Hà Nội vẫn ngang nhiên vi phạm.

“Không điếc cũng không sợ súng”...

Cuối năm 2007, sự việc 27 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã có công văn gửi về Bộ GD&ĐT phải đối mặt với hình phạt bị đuổi học, được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật vừa cảnh tỉnh cho những học sinh khác vẫn còn vi phạm.
 

Kẹp ba.

Cũng tháng 9 năm đó, Sở GD&ĐT phối hợp với Công an Hà Nội tổng kiểm tra học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy trên địa bàn. Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, nếu học sinh đi xe máy không có giấy phép lái xe sẽ bị tạm giữ phương tiện 3 tháng. Không dưới ba lần “ra quân”, cũng không dưới chừng đó lần Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (C26 - Bộ Công an) đưa ra các biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.

Thậm chí vấn đề này đã được UBND TP Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các ban ngành đưa lên bàn hội nghị “Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TP” được triệu tập để tìm ra giải pháp tổng thể, quy mô và triệt để, để làm sao đến hết tháng 4 năm 2008 phải chấm dứt được tình trạng này.

Cảnh sát giao thông Hà Nội dùng đến biện pháp ghi hình hoặc chụp ảnh học sinh đi xe máy tại các cổng trường. Trong năm 2008, cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 1.000 học sinh vi phạm.

Ngoài biện pháp xử lý qua hình ảnh, cảnh sát giao thông cũng kiến nghị UBND thành phố cho phép bắt buộc người vi phạm bị giữ giấy tờ phương tiện phải có kiểm điểm xác nhận của trường học. Đây sẽ là căn cứ để cảnh sát giao thông thông báo về nơi cư trú, công tác, học tập.
 

Học sinh trường THPT Bán công Đống Đa.

Tuy nhiên, vô số những biện pháp giáo dục có, xử phạt dưới nhiều hình thức có, hình như vẫn chưa đủ mạnh, khi không ít học sinh của các trường đóng trên địa bàn Hà Nội, ngày ngày “xế” 9X vẫn hồn nhiên cưỡi xe máy đến trường.

Như chưa từng có lệnh cấm

Đến thời điểm này đi ra đường, hình ảnh nhiều học trò điều khiển xe máy kẹp 3- 4 đã thành... quen. Ngồi ở quán trà sữa Trân Châu trên đường Nam Cao, một “xế 9x” mang phù hiệu Trường THPT Bán công Đống Đa giọng ra vẻ đàn anh khoe: “Hôm qua, đi qua đoạn Kim Mã tao giật cả camera của cảnh sát đang chăm chăm ghi hình mà hụt mất”. Cả đám nhâu nhâu vào: “Không tháo biển, chui vào máy quay “bác cảnh” rồi thì còn nước... nghỉ học” -  Nghe mà dựng cả tóc gáy.
 

Kẹp ba, không gương chiếu hậu, không mũ bảo hiểm, không biển kiểm soát. Ảnh: QT

PV GĐ&XH đã thị sát tại một số trường THPT nội thành Hà Nội như Phan Đình Phùng, Nguyễn Trãi, Đinh Tiên Hoàng, Amsterdam, Việt Đức... Điểm nào cũng giống nhau, học trò thậm chí còn ngang nhiên chở 3- 4, lạng lách trên đường.

Một trong những nỗ lực của trường THPT Việt Đức được cho là hiệu quả, khi nhà trường đã quán triệt tới các em học sinh rất rõ ràng ngay từ ngày đầu năm học về quy định không được điều khiển xe máy tham gia giao thông. Thậm chí, ngay cổng trường cũng đã có bản nhắc nhở của hội phụ huynh học sinh để bất cứ em nào cũng có thể thấy được.

Trách nhiệm đầu tiên khi học sinh đi xe máy là từ chính gia đình. Vì vậy, khi các em vi phạm sẽ được nhắc nhở yêu cầu phải tuân thủ luật giao thông. Đồng thời, nhà trường cũng mời phụ huynh tới phê bình về trách nhiệm của gia đình. Tuy nhiên phong trào cũng chỉ được một thời gian.

Sự “giúp sức” của chủ các bãi xe xung quanh trường, lập nên những bãi xe “lậu” là một trong những nguyên do cốt yếu “giúp” các em vi phạm. Những bãi xe “lậu” này nằm cạnh các trường, tuy lấy giá cao nhưng lại thoải mái về giờ giấc, dễ dàng lấy xe mà không bị ai dòm ngó. Đó là chỗ “dung thân” duy nhất của “xế 9x”.

Chuông tan trường vừa dứt, đoạn phố Nguyễn Phúc Lai (Ô Chợ Dừa) đông nghẹt bởi học sinh trường THPT Bán công Đống Đa đổ ra. Năm nay, nhà trường tổ chức học ca tối nên học sinh đi xe máy càng nhiều. Như chưa từng nghe nói đến lệnh cấm, học sinh trường này vẫn vô tư chạy xe gắn máy.

Ngay từ những ngày đầu Sở Giao thông Vận tải quy trách nhiệm về từng trường để cùng quản lý, cô Trần Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THPT Bán công Đống Đa cho biết: Nhà trường đã “nhờ” công an phường, nơi địa bàn trường mình đóng để ý phát hiện những học sinh gửi xe ngoài. Thế nhưng tình trạng học sinh gửi xe nhà dân ngay cạnh trường diễn ra ngang nhiên, lộ liễu. Việc vi phạm luật của các em diễn ra hàng ngày.

Ngách 44/21 Nguyễn Phúc Lai, nằm cách cổng Trường THPT Bán công Đống Đa chưa đến 100m trước đây vắng vẻ, thì nay trở thành bãi trông xe máy ăn khách của một số hộ dân, bởi nhà trường không chấp nhận học trò gửi xe máy trong trường. Một chủ trông xe khi được hỏi đã thản nhiên: “Có cung thì có cầu thôi, chưa thấy có văn bản pháp luật nào cấm nhận trông xe cả, nếu có thì chắc trên phường người ta cũng đánh xuống rồi. Tôi cũng có nghe nói nhà trường không cho học sinh đi xe máy nhưng không gửi chỗ này chúng nó gửi chỗ khác thôi”.

Thời gian đầu, ban giám hiệu “làm căng” thì học sinh hai trường THPT Việt Đức, Trần Phú, chọn phố Nguyễn Khắc Cần để cải trang: Đồng phục học sinh nhanh chóng được trút bỏ, thay vào đó là mạng che mặt, áo dài tay, “biến” thành một công nhân hay viên chức. Nhưng nay, học sinh lại ngang nhiên cưỡi xe mặc đồng phục học sinh điều khiển xe trên phố.

Cái thời, “xế 9X” tháo gương chiếu hậu, tháo giỏ được gọi là “sành điệu”. Nhưng nay, trò ấy đã “xưa như trái đất”. Học sinh bây giờ chuộng xe ga phân khối lớn và tháo biển kiểm soát. Lỡ có bị công an “soi” cũng không biết xuất xứ từ đâu.

Một số học sinh trường THPT Chu Văn An thì chọn công viên Bách Thảo để gửi xe. Cổng số 3 trên đường Hoàng Hoa Thám của công viên này nằm ngay trước con đường tắt đi từ phố Thụy Khuê  (Trường Chu Văn An) sang phố Hoàng Hoa Thám.

Tiếp xúc với chúng tôi, một nhân viên bảo vệ của công viên khăng khăng khẳng định: Công viên không nhận trông xe cho học sinh. Tuy nhiên, tại đây chúng tôi vẫn “chộp” được hình ảnh nhiều học sinh vào lấy xe trưa ngày 17/2. Giữa buổi học, đến phố Tràng Tiền không thiếu học sinh mặc áo có phù hiệu trường THPT Trần Phú đèo nhau bằng xe máy đến đây ăn kem.

Theo Giadinh.net