Không nên tăng giá xe buýt
Các Website khác - 19/02/2009

 Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc bức xúc trước việc dự kiến tăng giá vé xe buýt ở TP.HCM. Hàng loạt sinh viên cho rằng giá vé tăng thì sẽ bỏ xe buýt để đi học bằng xe máy…

Sinh viên là một trong những đối tượng phục vụ chủ yếu của xe buýt, nếu tăng giá vé liệu sinh viên có chịu “cùng buýt”? Trong ảnh: sinh viên các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM ở Thủ Đức đi học trên chuyến xe buýt số 8 Chợ Lớn - Thủ Đức - Ảnh: N.C.T.

Các nhà quản lý xe buýt, nghiên cứu về giao thông vận tải công cộng... cũng không đồng tình với việc tăng giá vé, đồng thời hết sức lo lắng cho hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt trong thời gian tới.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa TP.HCM, khẳng định TP không nên tăng giá vé xe buýt. Hiện giá vé 3.000 đồng đã quá cao đối với túi tiền của người dân. Xe buýt vận chuyển hành khách công cộng nên phải trợ giá. Nguồn thu như thế nào để đảm bảo trợ giá thì TP phải tính toán. Chuyện dễ làm như quảng cáo trên xe buýt để có thêm nguồn thu nhưng TP lại không làm mà tính tới chuyện tăng giá vé là không hợp lý.

Giá vé hiện tại đã quá cao

Tiến sĩ Mai tính toán nếu không phát triển xe buýt, nhất định sẽ dẫn đến nạn kẹt xe, TP thiệt hại mỗi năm khoảng 14.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt trung bình mỗi năm khoảng 500 tỉ đồng, tức chỉ tốn gần 1/30 so với thiệt hại do ách tắc giao thông. Nếu so sánh với thủ đô Seoul của Hàn Quốc mỗi năm trợ giá cho vận tải công cộng từ 150-200 triệu USD thì con số trợ giá của TP cho hoạt động này rất thấp, chỉ hơn 30 triệu USD/năm (500 tỉ đồng).

Tiến sĩ Mai nhấn mạnh: TP cần tận dụng nguồn thu từ xe buýt để hỗ trợ cho trợ giá như quảng cáo tại trạm dừng, nhà chờ, cả trên xe và ngoài xe. Tại sao TP không làm quảng cáo trên xe buýt? Đây là nguồn thu đáng kể. Quảng cáo đã có luật hẳn hoi thì không thể lấy lý do nào để bỏ qua. Thậm chí quảng cáo trên xe buýt còn tạo cho xe buýt hình ảnh đẹp, sống động và gần gũi, hấp dẫn hành khách.

“Tôi không đồng ý với việc giá vé xe buýt từ 3.000 đồng tăng lên 4.000 đồng, thậm chí không đồng ý với việc bỏ vé tháng, vé liên tuyến như trước. TP muốn thu hút người dân đi xe buýt thì phải đưa ra giá vé rẻ. Tăng giá vé vô hình trung tạo nên một rào cản đối với người đi xe buýt. Đại đa số người đi xe buýt là sinh viên - học sinh thu nhập thấp (chiếm khoảng 60% lượng hành khách đi lại bằng xe buýt), tăng giá vé thì họ không thể chọn xe buýt để đi lại nữa” - tiến sĩ Mai nói.

Vẫn theo ông Mai, các cơ quan chức năng cho rằng tăng giá vé nhằm có thêm khoản tiền bổ sung cho trợ giá và tăng chất lượng phục vụ là không đúng. Hiện người dân than phiền về thái độ phục vụ của nhân viên, điều này không thể lấy tiền để cải thiện, nó đòi hỏi phải cải thiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động xe buýt. Chẳng hạn, các xã viên HTX chỉ muốn thu tiền khi khách lên xe... tạo nên mâu thuẫn khi có vé tháng, vé tập và dẫn đến thái độ phục vụ không tốt.

Không nên tăng giá vé thời điểm này

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường, trưởng khoa kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết hiện quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, chưa khuyến khích người dân đi lại bằng xe buýt, chính vì vậy TP không nên tăng giá vé xe buýt. Đường sá chật chội, “lô cốt” chắn đường, nếu tăng giá vé xe buýt thì người dân sẽ ngại đi xe buýt và sẽ chọn xe máy để thay thế. Theo tiến sĩ Hường, khi giao thông chưa thuận lợi cho xe buýt bắt buộc Nhà nước phải chịu lỗ và trợ giá cho hoạt động này. Đó là chưa kể việc tăng giá vé xe buýt là đánh vào túi tiền của những người có thu nhập không cao.

Ông Đỗ Tiến Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải (SAMCO), cho rằng dù giá vé xe buýt so với mặt bằng giá cả hiện nay là thấp nhưng hành khách đi phương tiện này phần lớn là dân lao động, công nhân, sinh viên, học sinh... Vài chục ngàn đồng để đi xe buýt mỗi tháng là cả một vấn đề đối với những người này. Nay tăng giá vé và thay tem vé tháng thành vé tập sẽ khiến lượng khách đi xe buýt giảm. Ông Lực băn khoăn: hiện tiền trợ giá cho xe buýt chưa được cơ quan chức năng thông qua, các xã viên hợp tác xã xe buýt đang gặp khó khăn, nếu tăng giá xe buýt, lượng khách giảm thì hoạt động xe buýt càng khó khăn hơn.

Theo tiến sĩ Mai, TP phải tính toán kinh phí hoạt động cho xe buýt, cần phải tăng thêm trợ giá để hạ giá vé xe buýt xuống dưới mức 3.000 đồng/vé nhằm thu hút hành khách đi nhiều. Nếu bỏ vé tháng, vé liên chuyến cộng với việc tăng giá vé thì hành khách sẽ không đi xe buýt nữa. Sinh viên đón hai tuyến xe buýt cho một hành trình với bốn lượt đi lại tốn hết 16.000 đồng (nếu vé tăng lên 4.000 đồng) cho một ngày đi học là quá cao.

NGỌC HẬU

Sinh viên đồng tình với việc tăng giá vé xe buýt?

Đối với các tuyến có cự ly dưới 31km tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lượt/vé. Các tuyến có cự ly trên 31km tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lượt/vé (nếu hành khách đi dưới 1/2 cự ly tuyến) và tăng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt/vé (nếu hành khách đi hơn 1/2 cự ly tuyến).

Các tuyến xe buýt nhanh vé tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/lượt.

Vé tháng được thay đổi hình thức từ tem vé tháng sang vé tập và chỉ có giá trị sử dụng trong vòng một tháng. Giá dự kiến là 120.000 đồng/tập gồm 60 vé (đối tượng sinh viên - học sinh chỉ mua với giá 85.000 đồng/tập). Từ trước tới nay, tem vé tháng là 90.000 đồng/tem tháng (sinh viên, học sinh là 60.000 đồng/tem tháng) và hành khách không bị giới hạn lượt đi trong ngày.

Riêng vé tập được đề xuất là loại 30 vé/tập, sử dụng trong vòng một năm. Cụ thể nếu giá vé 4.000 đồng/lượt thì 90.000 đồng/tập. Trường hợp giá vé 5.000 đồng/lượt thì giá vé tập là 114.000 đồng/tập. Giá vé 6.000 đồng/lượt thì giá vé tập là 135.000 đồng/tập.

Ông Dương Hồng Thanh, phó giám đốc Sở GTVT, nói việc tăng giá vé đã được sở trình UBND TP, chờ phê duyệt. Trước khi đề xuất tăng giá vé, Sở GTVT đã có buổi làm việc với đại diện sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP và đã được những người này đồng thuận, thông qua việc thay đổi tem vé tháng bằng vé tập. Trong khi đó trao đổi với chúng tôi về đề xuất tăng giá vé, một lãnh đạo UBND TP cho biết TP vẫn chưa quyết định vấn đề này.


Theo Tuoi Tre Online