Mặc dù đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xem xét điều chỉnh giá điện năm 2009 và các năm 2010 – 2012 nhưng hôm qua (13.1), bộ Công thương tiếp tục tổ chức buổi họp với đại diện một số bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội để ghi nhận thêm các ý kiến, trình Chính phủ xem xét trước khi ra quyết định điều chỉnh giá điện.
Thứ trưởng bộ Công thương, ông Đỗ Hữu Hào nói rằng, giá điện hiện nay, thực chất chỉ bằng mức giá bình quân năm 2002, trung bình 4,8 cent (Mỹ)/kWh. Mức giá này, theo bộ Công thương, đã không còn phản ánh đúng, đủ chi phí đầu vào của ngành điện, không đảm bảo một mức lợi nhuận hợp lý để có tích luỹ, phát triển nguồn điện mới. Theo ông Hào, nếu duy trì mức giá này, sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, không thu hút được các nhà đầu tư vào ngành điện để phát triển nguồn điện mới. “Hiện nay, theo quy hoạch phát triển điện, ở nước ta chủ yếu phát triển các nhà máy điện chạy than, chạy khí. Nhưng giá bán điện từ các nhà máy mới phải đảm bảo ít nhất 7,5 cent/kWh thì nhà đầu tư mới có lãi. Trong khi giá mua điện vào thấp chỉ để bán với giá 4,8 cent thì không thể đàm phán với nhà đầu tư nào. Do đó, nếu không tăng giá bán điện sẽ không có nguồn điện mới trong các năm tới. Việc tăng giá điện không phải vì lợi ích chỉ của EVN mà vì lợi ích chung”, ông Hào nói.
Nếu tăng vào thời điểm này, mức độ tác động đến sản xuất và đời sống lớn hơn nhiều so với đánh giá tác động trực tiếp mà bộ Công thương đã tính toán |
Tuy nhiên, nếu tăng giá điện theo một trong ba phương án do EVN trình trước đó thì tác động của việc tăng giá bán điện đến sản xuất, đời sống sẽ rất lớn. Phương án tăng giá một của EVN đã nêu mức tăng giá bán điện bình quân 16% vào năm 2009, trong đó, giá bán cho sản xuất tăng 15,5%, cho kinh doanh dịch vụ tăng 16,05%. Nếu theo phương án này, ước tính GDP sẽ giảm 0,13%, chỉ số CPI tăng khoảng 1%. Các phương án 2 và 3 đều có mức tăng trên 20%. Nếu theo các phương án này, năm 2009, các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 6.000 tỉ đồng; có thể làm giảm 0,16% GDP và tăng CPI lên 1,25%.
Theo ông Đỗ Hữu Hào, giá điện vẫn cần phải tăng nhưng bộ Công thương đã xây dựng phương án tăng giá thấp hơn các phương án của EVN trình để tránh gây sốc cho nền kinh tế và người dân có thể chấp nhận được. Trong tờ trình Chính phủ, bộ này đã đề nghị mức điều chỉnh giá điện bình quân năm 2009 là 9,8%; năm 2010 là 2,27%; năm 2011 là 1,09% và năm 2012 là 0,68%. Mức tăng giá điện tăng 9,8% năm 2009, theo bộ Công thương, sẽ không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng số tiền do tăng giá điện theo mức đề xuất này năm 2009 là 6.900 tỉ đồng, bằng 0,44%. Ước tính làm giảm GDP năm nay khoảng 0,05 – 0,07%, trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,25 – 0,3%. Các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.400 – 2.700 tỉ đồng tiền điện, bằng 0,36 – 0,4% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2009. Giá điện cho sinh hoạt dự kiến tăng 13 – 17%, tổng số tiền điện tăng thêm từ nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt năm 2009 khoảng 2.770 – 3.500 tỉ đồng, tăng chi tiêu tiền điện của các hộ gia đình lên khoảng 3%. Theo khảo sát của bộ Công thương, hiện có khoảng 2,5 triệu hộ gia đình có mức sử dụng điện dưới 50 kWh/tháng, được coi như những hộ nghèo thì bộ này đề xuất việc không tăng giá điện đối với các hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng.
Tuy nhiên, theo đại diện một số ngành, tổ chức xã hội, việc tăng giá điện tuy là cần thiết nhưng chưa thích hợp vào thời điểm này và đề nghị bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ cho lùi vào thời điểm thích hợp hơn. Ông Trần Văn Tư, ban chính sách của tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu tăng vào thời điểm này, mức độ tác động đến sản xuất và đời sống lớn hơn nhiều so với đánh giá tác động trực tiếp mà bộ Công thương đã tính toán. Theo ông Tư, việc điều chỉnh giá điện với khu vực điện sinh hoạt vẫn nên áp dụng chính sách là không tăng với các hộ sử dụng 100 kWh/tháng.
Đại diện liên minh các hợp tác xã Việt Nam cho rằng, không nên điều chỉnh giá điện bán buôn đến các hợp tác xã. Giá bán điện cho hợp tác xã, theo quy định hiện hành, là 390đ/kWh. Lý do, là việc áp dụng mức giá bán điện bậc thang, gây khó khăn lớn, có thể khiến nhiều hợp tác xã không thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Thắng, cục trưởng cục Điều tiết điện lực lại cho rằng, sẽ vẫn phải tăng giá bán điện đến các hợp tác xã vì chính sách bao cấp giá điện với giá trần đó hiện nay không còn phù hợp. Trên thực tế, nhiều năm qua, ở nhiều địa phương, giá bán điện đến từng hộ thực tế vẫn cao hơn giá trần đến 1.000đ/kWh. Tiền thực tế đã chảy và các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nhiệm vụ phân phối điện một cách không hiệu quả. Bộ Công thương đã đề nghị xoá bỏ chế độ bao cấp về giá cho các hợp tác xã nhưng xác định một khoảng thời gian trễ sáu tháng để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, làm lại hệ thống sổ sách, chứng từ, hạch toán rõ ràng… Nơi nào không làm được sẽ bàn giao lại cho các công ty điện lực thuộc EVN quản lý để bán điện trực tiếp đến từng hộ gia đình.
Theo SGTT
▪ Săn “bột thần” tẩy trắng thực phẩm (14/01/2009)
▪ Hạ Sơn mùa đông giá (14/01/2009)
▪ “Cò vé chợ đen” lộng hành dịp tết (14/01/2009)
▪ “Gập ghềnh” về quê ăn Tết (14/01/2009)
▪ Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm ngày Tết (14/01/2009)
▪ Bình ổn thị trường dược phẩm (14/01/2009)
▪ Bùng phát tắc đường dịp áp Tết (13/01/2009)
▪ Đêm ở chợ đầu mối gia cầm (13/01/2009)
▪ Lạnh 17 độ, người Nam Bộ đã... lao đao (13/01/2009)
▪ 7 sự kiện xã hội năm 2008 (13/01/2009)