Tết này về đâu?
Anh Nguyễn Hoàng, công tác ở Bộ Giao thông Vận tải quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh sinh ra ở Hà Tây (cũ), vào Sài Gòn lập nghiệp, lấy vợ quê Nghệ An và đang công tác tại Hà Nội. Bởi vậy, Tết đến anh Hoàng có đến bốn nơi phải đi về.
Anh Hoàng nói: “Mỗi dịp Tết đến lại mệt bở hơi tai, may tôi có xe riêng nên chủ động hơn trong đi lại. Cứ độ Rằm tháng Chạp, tôi lại chuẩn bị về Hà Tĩnh thắp hương cho bố, và ông bà, biếu quà các cô chú, các cháu ở quê. Xong việc, vợ chồng tôi quay ra Hà Nội đón Tết. Mẹ tôi vẫn sống ở Xuân Mai, nên không thể không về thăm trong dịp này. Ra Tết, vợ chồng con cái lại vào Nghệ An thăm bố mẹ vợ ...”.
Vợ chồng anh chị Tuấn – Thu, làm nghề tự do. Bình thường sống rất hòa thuận, nhưng cứ đến Tết bao giờ cũng cãi nhau một chập về chuyện về đằng ngoại hay nội trước. Nhà anh Tuấn ở Thái Bình, nhà chị Thu lại tận Bắc Kạn. “Hồi mới cưới, cứ trước Tết về nhà vợ vài ngày rồi sau đó lại rồng rắn kéo về nhà chồng cho kịp cúng tất niên. Sau khi có con, đành phải phân ra “Tết này Bắc Kạn, Tết sau Thái Bình”, luật bất thành văn cứ thế mà làm” – anh Tuấn tâm sự.
Công nhân: Về khó, ở khổ
Tại khu nhà trọ dành cho công nhân thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM, cả xóm trọ trên 30 người là công nhân thuộc khu chế xuất Linh Trung đều bảo nhau ở lại ăn Tết vì túng bấn. Chị Hồng Hạnh quê ở Nghệ An cho biết, cả xóm trọ đều là người xứ Nghệ. Người nào cũng còn cha mẹ, họ hàng ở Nghệ An nhưng chẳng ai về được. “Cuộc sống đắt đỏ mà cuối năm lại bết bát lắm. Về rồi em sợ còn không đủ tiền trở vào"- Hạnh chia sẻ.
Còn một lý do khá tế nhị và khó nói, khiến nhiều người ở xóm trọ này không thể về quê ăn Tết, đó là đã đi làm ăn thì phải có chút dư, về quê còn tự hào nói chuyện này chuyện nọ, quà cáp này kia. Nhưng tình hình hiện nay công nhân rất khó khăn, túng thiếu. “Không về quê ăn Tết cũng khổ tâm lắm anh ạ. Nhưng...”, chị Hạnh không nói hết câu.
Anh Hồ Văn Lượng, cùng xóm trọ Nghệ An với chị Hạnh lại có hoàn cảnh khác. Anh làm ở Công ty bảo vệ Thăng Long, có vợ và con nhỏ 2 tuổi. Đã 8 năm nay, anh chị chưa về quê ăn Tết lần nào. Cách đây 3 tháng, năm người bà con của anh cùng vào trong này làm ăn. Anh phải thuê thêm phòng trọ mới đủ chỗ ở. Tiền trọ 2 phòng mất đứt 1,5 triệu/tháng. Tết này mọi người cùng đón Tết xa quê. "thôi thì ráng vậy, biết làm sao"- anh Lượng day dứt. Vợ anh Lượng không than nửa lời, nhưng đôi mắt chị u uẩn một nỗi niềm thật khó diễn tả.
Khu trọ xứ Nghệ không chỉ có công nhân mà còn có lao động tự do. Anh Phan Sỹ Thủy, sinh năm 1976, một vợ một con vào TPHCM từ những năm 1990. Anh Thủy làm nghề đóng palet gỗ, mỗi tháng kiếm được 1,2 - 1,5 triệu đồng. Chị nhà phụ quán cơm, kiếm được 800.000đ/tháng. Với thu nhập như vậy, vợ chồng anh Thủy lâm cảnh "ngày nào tính ngày đó", không dám nghĩ ngợi xa xôi. Về quê ăn Tết đối với anh Thủy gần như chuyện không tưởng, dù chỗ anh làm đã nghỉ Tết. "Chuyện lo cái ăn ngày Tết ở đây đã mệt rồi, về quê sao dám nghĩ đến"- gương mặt anh Thủy như già trước tuổi chia sẻ.
Sinh viên: Ở lại vì túng tiền
Nhiều sinh viên xa quê học tập tại TPHCM cũng lâm vào cảnh ngộ trên. Đường về quê Tết đối với các em hãy còn xa lắm, nên các em đành ở lại vật lộn với ba ngày Tết sau một năm trời đánh đu với những con chữ, con số.

|
Nhóm bạn sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM chuẩn bị "chiến đấu" ba ngày Tết. |
Đó là Đặng Lê Hoàng, Hồ Anh Cường, Trương Văn Thuyên, ba sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, TPHCM. Hoàng quê tận Hà Tĩnh, Cường quê Nghệ An, Thuyên ở Trà Vinh. Thuyên đã 4 năm xa quê, Cường và Hoàng xa quê 2 năm. Cả ba sinh viên này đều có cùng lý do: Thiếu tiền. "Về và quay vào cũng tốn gần 1,5 triệu đồng. Thôi tụi em ở đây luôn cho tiện", Cường tính. Theo Thuyên, người có kinh nghiệm sống Tết TPHCM nhất, những năm khác giờ này đã có người gọi làm thời vụ, nhưng năm nay vẫn chưa thấy ai gọi.
Thuyên kể, Tết năm 2007 em làm cộng tác viên bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ được 80.000đ/ngày, riêng 3 ngày Tết cao điểm được 150.000đ/ngày. "Tụi em xoay sở cũng đủ cơm gạo qua ngày. Có điều năm nay ớn quá. Em nghe nói nhiều anh chị công nhân cũng phải ở lại, mà công việc thì ngày càng ít. Năm nay, việc làm thời vụ cũng cạnh tranh hơn năm rồi anh ạ" - Thuyên chua chát.
Nhóm bạn nữ cùng ký túc xá với Cường, Hoàng, Thuyên không về quê ăn Tết cũng khá nhiều. Có phòng đến 5 bạn sinh viên nữ rủ nhau ở lại tìm việc làm. Chi, sinh viên năm nhất quê Bình Thuận run run kể: "Em hồi hộp lắm. Không biết các chị cùng phòng có tìm được việc làm Tết không. Em mới vào đâu có rành đường sá, quen biết ai đâu".
Cũng cùng lý do tiền bạc eo hẹp như các bạn sinh viên nam, nhưng Chi không đề cập thẳng mà chỉ mắc cỡ: "Về rồi vào nữa em thấy thương ba mẹ lo tiền bạc. Cả năm học này tốn kém lắm rồi, em không muốn về vui ít bữa mà tốn thêm". Người lãnh trách nhiệm tìm việc là Du, một sinh viên gốc Khmer ở An Giang. Du không về Tết phần vì tài chính, phần vì Tết Khmer không trùng ngày với Tết Việt. Năm nay, sinh viên được nghỉ tết khoảng 20 ngày. Đó sẽ là quãng thời gian dài đối với những sinh viên xa nhà dịp Tết.
Về Tết, ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Buồn, nhưng đành nuốt vào trong. Mong mẹ cha, họ hàng thông cảm.
Theo Giadinh.net