Đi tìm chất tẩy trắng
Ghé vào khu vực chuyên bán hàng tạp hoá, hàng khô ở chợ Đông Kinh (TP Lạng Sơn), chúng tôi hỏi về thứ bột mà khi chế biến thực phẩm cho vào để trắng, giòn, bà chủ hàng trợn mắt: “Các chú tìm mua thứ đó làm gì? Nhà mới mở hàng ăn hay lò mổ phải không? Hồi trước mấy hàng cạnh đây đều có bán, nhưng giờ chẳng ai bán nữa. Thứ đó độc lắm, tôi bán hàng chủ yếu cho khách là dân quanh đây, không làm ăn theo cách đó được. Các chú thử ra cửa hàng lớn đằng kia hỏi xem, biết đâu còn”.
Theo hướng chỉ tay của bà chủ hàng, chúng tôi tới quầy hàng lớn nhất chợ, vừa bán hàng khô, vừa bán thực phẩm tươi sống. Bà chủ hàng trạc tuổi 50 nhìn với ánh mắt e dè rồi nói: “Các chú hỏi thứ gì chứ thứ đó hàng chị không bán. Ai lại đi bán cái thứ ấy, dùng độc lắm”. Gặng hỏi mãi, bà chủ hàng mới rỉ tai: “Các chú thử sang chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn) hỏi xem”.
Quầy hàng khô (chợ Giếng Vuông – TP Lạng Sơn) nơi phóng viên hỏi mua chất tẩy trắng. Ảnh: T.G |
Tạt vào một cửa hàng, bác xe ôm cất tiếng: “Có thứ gì khi làm thịt gà, vịt cho vào để dễ làm lông, hay làm lòng lợn, lòng bò vừa nhanh lại vừa trắng không nhỉ?”. “Không thiếu, đây”, chị chủ hàng vồn vã lôi ra một túi to. “Sao giống axit chanh thế?”, tôi hỏi. “Chỉ giống thôi, tẩy mạnh, nhanh hơn nhiều, anh mua nhiều không em cân cho? Một cân 40.000 đồng”, chị chủ hàng đon đả. “Đắt thế?”, bác xe ôm mặc cả.
Tưởng bác xe ôm cũng là một tay chuyên bán hàng thịt, chị chủ hàng lý giải: “Em nói thật bác, có đắt cũng đáng mấy, bác mua một vài cân về dùng cả tạ gà, lợn, trâu, bò. Làm nghề bác lạ gì, có khi hàng ế, không dùng ai mua. Vả lại mình không dùng, hàng bên cạnh dùng, bày ra trắng phau, không mùi mè, với vị thế của người đi mua, em hỏi bác chọn mua hàng nào? Đâu phải chỉ có thịt, lòng mà măng mốc, bún xỉn... cứ cho một ít vào là trắng phau”.
Theo các chủ hàng khô ở chợ Giếng Vuông, thứ có tên “thuốc tẩy trắng thực phẩm” chủ yếu được nhập về từ chợ cửa khẩu Tân Thanh. Tại góc chợ sát mé núi, khu bán rau, củ, quả và các loại hàng khô, cũng kịch bản cũ, bác xe ôm cất tiếng hỏi mua hàng, chị chủ hàng trẻ tuổi nhanh nhảu: “Một cân giá 25.000 đồng, anh mua mấy cân? Mua nhiều, mua buôn em giảm giá cho”. Tôi hỏi: “Đây là hàng ngoại nhập hết hả chị?”. “Hàng nội cũng có mà hàng Trung Quốc cũng có. Nếu mua hàng Trung Quốc và mua nhiều thì phải chờ, em gọi điện một lúc là có”.
Chất tẩy trắng giống đường và axit chanh. Ảnh: T.G |
Các chủ hàng cho biết, khi làm thịt gà, thịt vịt xong, xát một ít bột này vào, vừa nhanh hết lông măng, thịt lại trắng. Rửa sạch, vuốt một lớp bột nghệ lên nữa thì khỏi phải nói, trông rất bắt mắt. Với lòng, dạ dày lợn, sách bò chỉ cần bóp một lúc là hết hôi, vừa trắng lại rất giòn. “Các anh bảo ngày lễ, ngày Tết, người mua gấp năm, gấp mười ngày thường. Một nhà giỏi lắm cũng chỉ dăm người, không dùng thứ này cho nhanh thì họ quay sao kịp”, chị chủ hàng nói.
Khi chúng tôi băn khoăn làm thế nào để phân biệt được hàng nội và hàng Trung Quốc, chị giải thích, hàng nội trông xỉn hơn và khi dùng, hàng Trung Quốc công dụng mạnh hơn. Cùng khối lượng thực phẩm cần xử lý, chỉ cần cho ít hơn nhưng vẫn cho kết quả như nhau. Tức là mức độ tẩy trắng của loại hàng Trung Quốc còn ghê gớm hơn hàng nội. “Khi dùng phải đeo găng tay đấy, nếu không sẽ bị ăn thủng tay”, chị chủ hàng cảnh báo.
Chị còn khoe: “Nhiều khi mua sách bò hay lòng về nhà cũng xử lý qua chất này. Nhà mình năm thì mười hoạ mới dùng một lần, vả lại người ta dùng đầy có sao đâu. Nói ăn tay là với những người ngày nào cũng tiếp xúc với nó, chứ mình làm mươi phút việc gì”.
Trên thị trường có bán nhiều loại hoá chất để tẩy rửa mà người mua dễ bị nhầm lẫn giữa axit chanh (một chất an toàn khi sử dụng trong thực phẩm). Do không rõ nguồn gốc cho nên đó có thể là những chất tẩy dùng trong công nghiệp như trong ngành mạ, hay dùng để vệ sinh đường ống dẫn nước, tẩy trắng vải... Đây là những chất không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, dẫn đến ngộ độc hay các biến chứng khác.
KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC KHÔNG NÊN MUA Bản thân axit chanh (axit citric) đóng bao là chất được phép dùng trong thực phẩm. Khi nhập về đều được kiểm định kỹ về chất lượng và luôn có bản tiêu chuẩn về chất lượng đi kèm. Trên bao bì thường có đầy đủ các thông số về thành phần, ngày sản xuất, hạn dùng, tên nhà phân phối… Và quan trọng nhất là trên bao bì phải đề thông số BP, BP 2000 hoặc BP 1999, 1998… Hiện giờ, thông thường đều theo BP 2000. Với người tiêu dùng, khi thấy sản phẩm không có đầy đủ các yếu tố trên, tốt nhất là không mua để tránh mang hoạ vào thân. Ông Ngô Xuân Trường, Công ty Cổ phần Hoá chất Công nghệ mới Việt Nam |
Theo Giadinh.net
▪ Hạ Sơn mùa đông giá (14/01/2009)
▪ “Cò vé chợ đen” lộng hành dịp tết (14/01/2009)
▪ “Gập ghềnh” về quê ăn Tết (14/01/2009)
▪ Cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm ngày Tết (14/01/2009)
▪ Bình ổn thị trường dược phẩm (14/01/2009)
▪ Bộ Công thương bác bỏ phương án tăng giá của tập đoàn Điện lực (14/01/2009)
▪ Bùng phát tắc đường dịp áp Tết (13/01/2009)
▪ Đêm ở chợ đầu mối gia cầm (13/01/2009)
▪ Lạnh 17 độ, người Nam Bộ đã... lao đao (13/01/2009)
▪ 7 sự kiện xã hội năm 2008 (13/01/2009)