Đường điện chạy qua mà nhà vẫn tối
Đêm đông giá rét, không có điện, Mua ngủ trên 1 chiếc chiếu đơn và 1 cái chăn bông cũ, mỏng. Mua bảo: "Lạnh quá không ngủ được thì cứ nằm cuộn vào chờ đến sáng thôi". Tôi hỏi: "Sao Mua không đốt lửa lên vừa sáng, vừa ấm"? Mua cười chua chát: "Củi đâu mà đốt? Rừng không còn, tiền không có mua củi để đồ mèn mén (bột ngô say, hấp lên dùng thay cơm) mà ăn nữa là...". |
Trên con đường nhựa êm ái, thênh thang từ thị xã Hà Giang lên cửa khẩu Thanh Thuỷ, có một chiếc cầu treo nhỏ bắc qua sông Lô. Đầu bên kia là lối mòn vắt lên tận đỉnh núi, hai bên cỏ dại và lau trắng bao phủ um tùm.
Đi bộ chừng 15 phút thì tới ngôi nhà đầu tiên của bản, nhưng để đến được ngôi nhà nghèo nhất cuối bản, chúng tôi phải đi bộ mất hơn 1 tiếng đồng hồ. j
Hầu như ngày nào Trưởng bản Nông Thị Hợp, cũng đi xe máy đến chân cầu treo, rồi "quẳng" xe ở đó để "vác tù và hàng tổng". Bà Hợp không phải là người gốc gác ở Hạ Sơn, nhưng là người không thể thiếu được với bà con nơi này.
Từ năm 2001, hơn 20 hộ gia đình lục tục kéo nhau "di dân" từ vùng núi đá ở cổng trời Cắn Tỷ của huyện Quản Bạ - Hà Giang, đến ngụ cư trên đỉnh một ngọn núi không tên của xã Thanh Thuỷ.
Cái tên bản Hạ Sơn cũng từ đó mà ra đời. Bà Hợp lại được xã tín nhiệm, giao cho nhiệm vụ khó khăn hơn là "dìu dắt" xóm Hạ Sơn ổn định đời sống và phát triển. Song mọi chuyện không hề giản đơn như thế.
|
PV báo GĐ&XH và cán bộ chở áo ấm vào bản Hạ Sơn cho bà con bằng xe máy nhưng phải dùng sức người để đẩy. |
Bà Hợp buồn rầu tâm sự với chúng tôi: "So với Cắn Tỷ, ở Hạ Sơn có nhiều đất đai để bà con trồng trọt hoa màu, nhưng lại khó khăn hơn về nguồn nước. Muốn lấy nước sinh hoạt, bà con phải xuống tận sông Lô "cõng" nước lên núi. Mọi cây trồng có lớn được hay không là đều nhờ vào trời. Điều khiến tôi buồn nhất là có 2 đường dây điện cao thế 110 KW và đường dây 220 KW chạy qua bản, ấy vậy mà bà con vẫn phải sống trong tăm tối. Chúng tôi ở "dưới" này đã đề nghị lên "trên" rất nhiều lần mà ...".
Nghèo toàn phần
|
Bà Nông Thị Hợp, Trưởng bản Hạ Sơn. |
Theo thống kê của xã Thanh Thuỷ, bản Hạ Sơn có 25 gia đình bị "liệt" vào diện đói nghèo. Bản chỉ có 25 hộ, đương nhiên nó thuộc diện nghèo toàn phần rồi còn gì.
Bà Hợp thở dài ngao ngán: "Cái chính để mà thấy đau là bởi Hạ Sơn chỉ nằm cách thị trấn Thanh Thuỷ sầm uất chưa đầy 2 km. Mà ở cái cửa khẩu Quốc gia này mỗi ngày có biết bao nhiêu đoàn khách trong, ngoài nước ra vào tấp nập? Bao đôi trai gái tân thời "ôm" tiền sang biên giới "đốt" vào những trò đỏ đen sát phạt? Tiếng nhạc sập sình ở thị trấn, từ những giàn loa thùng cỡ lớn, đôi khi vọng tới tận Hạ Sơn, vọng vào đêm mùa đông tĩnh mịch chát chúa như trêu ngươi ấy...".
Ông Giàng Chúng Thàng, vốn là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cắn Tỷ, là người chuyển nhà đến Hạ Sơn sớm nhất. Ông Thàng nói: "Mình là cán bộ thì phải noi gương trước thì dân họ mới theo. Về đây, tôi phải bỏ chức danh của mình, công việc và tiền lương. Bà con sống ở đâu, quen ở đó rồi. Muốn họ rời đến đây, nhiều người đã nói không đúng sự thật đâu cán bộ à! Nếu nói đúng thì Hạ Sơn phải có điện từ lâu rồi chứ?".
Người Hạ Sơn cứ mỏi mòn chờ ánh sáng. Ban đêm được tính từ lúc mặt trời khuất sau đỉnh núi phía Tây. Người lớn chẳng biết làm gì ngoài việc đi ngủ, trẻ con nhà giàu thắp đèn học bài. Nhà nghèo như Hầu Mí Mua thì khỏi ôn bài luôn.
|
Chị em Giàng Thị Dính tung tăng trên đường đi nhận quà về. |
Mua rất thích đi học, nhưng em học không giỏi. Mua bảo: "Về nhà chẳng bao giờ em thắp đèn học bài đâu. Ngày đi làm nương ngô, nương lúa bằng đôi tay, cái cuốc... chứ có trâu, bò đâu mà cày. Lúc giáp hạt, nhà chẳng có gì ăn, tiền đâu mà mua dầu đốt đèn hả chị?".
Mua ngồi tãi ngô cùng anh rể ngoài sân. Nhiều ngô, nhưng tất cả đã mọt hết cả rồi. Mọt do thời tiết, chứ mọi năm mẹ của Mua cũng cất ngô như vậy mà có mọt bắp nào đâu. Mua bảo: "Tết năm nay lại phải ăn mèn mén bằng ngô mọt này thôi chị ơi!".
Lửa ấm từ chiến sĩ biên phòng
Khoảng thời gian chờ ánh sáng của người Hạ Sơn lúc đầu được tính bằng tháng, sau đó được tính bằng năm và cho đến nay thì đã gần tròn 10 năm... mà tối tăm vẫn hoàn tăm tối. Bóng tối vô tình kéo tụt sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Hạ Sơn.
Nó làm trẻ con phải đói rét, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng và tím tái vì lạnh giá, người lớn sinh đẻ không có kế hoạch. Bố mẹ Giàng Thị Dính mới sinh em bé được 2 năm, trong khi đứa cháu ngoại của họ cũng vừa tròn 1 tuổi.
|
Vợ chồng ông Giàng Chúng Thàng năm nay đã gần 70 tuổi, sống cùng 8 người con ở bản Hạ Sơn. (Ảnh: Thu Hoài) |
Chị gái của Dính đi lấy chồng năm 17 tuổi, lúc đó mẹ Dính mới sinh ra 1 đứa em út. Mặc dù nhà Dính đã có nếp, có tẻ, nhưng mẹ Dính vẫn "tòi" ra một đứa em vì lý do rất đơn giản: "Tối trời đi ngủ sớm, "loạng quạng" rồi vỡ kế hoạch lúc nào không biết".
Dính mới 11 tuổi mà là chị cả của 4 đứa em bé lít nhít. Lúc bố mẹ đi làm nương, Dính ở nhà làm "mẹ bất đắc dĩ" của bầy em nhỏ. Dính năm nay học lớp 5, em kế Dính tên là Giàng Thị Chở học lớp 4; em kế tiếp Chở tên là Giàng Thị Sinh học lớp 2, còn đứa út chưa đi học vì còn nhỏ quá.
Dính chưa biết mẹ nó có còn đẻ em bé nữa không, nhưng nó học tiếp, học cao hơn, vì thế lúc nào các em ngoan ngoãn chơi với nhau ngoài sân, là Dính lại tranh thủ học bài kẻo trời lại tối...
Hôm chúng tôi ở Hạ Sơn, Thiếu tá Hà Văn Nga, Chính trị viên của Đồn Biên phòng Thanh Thuỷ, đang chỉ đạo cán bộ của mình mang vật liệu lên núi, xoá nhà tạm cho gia đình chị Tẩn Thị Vản, để anh chị và 3 đứa trẻ được đón Tết trong ngôi nhà ấm áp hơn.
Công việc đang được triển khai để kịp tiến độ được giao. Hàng chục người cõng vật liệu vượt núi hàng giờ đồng hồ, giúp dân làm nhà. Anh Nga nói: "Đồn chúng tôi đặt chỉ tiêu trước Tết xoá được 5 ngôi nhà tạm cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 5 xã. Xây được 1 ngôi nhà không khó bằng việc vận chuyển vật liệu lên núi.
Tiền xây nhà do anh em cán bộ chiến sĩ đóng góp. Người lính cũng khó khăn nhưng so với dân thì có thấm tháp gì đâu? Cái chính là ở đời phải biết trân trọng sự sẻ chia, gánh đỡ gian khó cho nhau thôi cán bộ ạ!". Âu cũng là nguồn động viên, sự đồng cảm nho nhỏ giúp bà con Hạ Sơn tiếp tục nuôi cái khát khao chờ trời sáng trong những đêm đông lạnh buốt.
Theo Giadinh.net