Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội
Các Website khác - 03/03/2006
Lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn Tây Nguyên đã dành nhiều công sức, tình cảm cùng đồng bào các dân tộc vùng biên vượt qua những khó khăn về kinh tế và những diễn biến phức tạp về chính trị, để xây dựng cuộc sống ổn định.
Nằm ở khu vực giáp biên giới mốc CHDCND Lào và Vương quốc Cam-pu-chia, Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh của cả nước và khu vực Ðông - Nam Á. Những năm qua, Ðảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đã thường xuyên quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn Tây Nguyên, trong đó có khu vực biên giới.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản, đời sống của nhân dân từng bướcđược cải thiện, nâng lên. Tuy nhiên, so với các địa bàn khác thì Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực biên giới. Qua khảo sát của Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tháng 4-2005 cho thấy, ở khu vực biên giới Tây Nguyên có 26 xã, 214 thôn buôn, số dân hơn 100.000 người, gồm 29 dân tộc anh em.

Ðời sống của đồng bào Tây Nguyên còn rất khó khăn (khoảng 12,6% số hộ thiếu ăn, 4,58% số hộ thiếu đất sản xuất và 30,3% số hộ còn ở nhà tạm). Ðội ngũ cán bộ ở cấp thôn, buôn năng lực quản lý điều hành và khả năng tuyên truyền thuyết phục, vận động quần chúng rất hạn chế; các tổ chức đoàn thể tuy hằng năm đều được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, nhưng chất lượng hoạt động còn thấp.

Bên cạnh đó, địa bàn Tây Nguyên thời gian qua luôn có những diễn biến phức tạp, kể từ sau sự kiện bạo loạn chính trị tháng 2-2001 đến nay, các thế lực thù địch ngày càng bộc lộ rõ âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Bằng nhiều thủ đoạn, chúng tuyên truyền lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí thúc ép, đe dọa, hủy hoại tài sản và tính mạng của những quần chúng tốt, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cố tình tạo ra mâu thuẫn giữa cộng đồng người Kinh với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân và an ninh - trật tự ở địa bàn.

Trước tình hình đó, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh BÐBP đã triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, của Ðảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới công tác vận động quần chúng ở địa bàn, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các xã biên giới củng cố cơ sở chính trị, xây dựng và tổ chức các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh - trật tự thôn, buôn biên giới. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, của địa phương. Ðặc biệt, triển khai Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.

Ðội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường trực tiếp tham gia xây dựng và triển khai thực hiện 17 dự án kinh tế - xã hội do Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao, với số vốn gần 70 tỷ đồng, ở khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên. Các đơn vị vận động và hướng dẫn nhân dân khai hoang gần 10 ha ruộng trồng lúa nước ở xã Quảng Trực, địa bàn Ðồn 767 Ðắc Nông, nhận ươm hơn 40 nghìn cây điều giống cấp và hướng dẫn nhân dân trồng ở xã IaO, địa bàn Ðồn 717 Gia Lai đưa các giống mới vào sản xuất phát triển kinh tế, góp phần giảm đói nghèo trong đồng bào.

Ngoài ra, các đồn biên phòng còn huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân hơn 7.000 ngày công lao động sản xuất, sửa chữa nhà ở, đào giếng, làm nhà vệ sinh, tạo môi trường cảnh quan, sạch đẹp, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng thôn, buôn văn hóa. Phối hợp với Phòng Giáo dục - Ðào tạo các huyện vận động trẻ em và người mù chữ trong độ tuổi đi học, trực tiếp mở và cử cán bộ, chiến sĩ tham gia dạy mười lớp xóa mù chữ cho 282 người.

Lực lượng quân y các đồn biên phòng, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đã phối hợp với y tế xã tổ chức tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh, tư vấn sức khỏe, tuyên truyền ăn ở vệ sinh, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trực tiếp khám, chữa bệnh cho hơn 20.000 lượt người dân ở địa bàn với số thuốc miễn phí trị giá gần 100 triệu đồng. Những việc làm thắm đượm tình nghĩa quân dân ấy đã góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực biên giới.

Các tổ, đội tuyên truyền văn hóa của BÐBP kết hợp với đoàn thanh niên địa phương và các đơn vị kết nghĩa tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn văn nghệ, giao lưu thể thao, chiếu phim phục vụ nhân dân các thôn, bản. Các đội công tác vận động quần chúng và cán bộ tăng cường xã đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm công tác dân vận ở địa bàn như Ðội 123, 164... bám thôn, buôn, làm tốt công tác tuyên truyền, gặp gỡ động viên những người nhẹ dạ cả tin để họ không nghe lời kẻ xấu kích động, gây rối, vượt biên trái phép...

Ðể nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ tăng cường xã và cán bộ các tổ đội cơ sở ở các đơn vị, Chỉ huy Biên phòng các tỉnh đã phối hợp các cơ quan liên quan mở sáu lớp học tiếng dân tộc Gia Rai, Ba Na, M'Nông và 17 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dân vận, kinh tế - xã hội, những chủ trương, chính sách về tôn giáo và dân tộc cho 612 cán bộ, sĩ quan biên phòng. Từ năm 2001 đến nay, đã giúp các xã biên giới củng cố toàn diện tám xã, bồi dưỡng kết nạp 494 đảng viên mới, thành lập thêm 82 chi bộ, củng cố kiện toàn 25 chi bộ và 311 tổ chức quần chúng, trong đó có hai chi bộ và 29 tổ chức quần chúng từ yếu kém vươn lên khá, vững mạnh. Phối hợp tổ chức mười lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho 539 cán bộ chủ chốt của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân quân, công an, thành lập 235 tổ tự quản an ninh - trật tự ở các thôn, buôn. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, quản lý điều hành của chính quyền các xã biên giới từng bước được nâng lên, nhiều tổ chức đoàn thể vươn lên khá và vững mạnh; hầu hết các vụ việc nảy sinh đều được phát hiện sớm, tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết ngay từ cơ sở.

Công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt của BÐBP hiện nay là một bộ phận công tác dân vận, một cuộc vận động cách mạng của Ðảng, là một nhiệm vụ chính trị của quân đội, là một mũi tiến công trên mặt trận chính trị - tư tưởng, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp và ưu thế về chính trị của quân đội ta. Công tác này có nhiều thuận lợi song không ít khó khăn, gian khổ, phức tạp. Vì vậy cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BÐBP thường xuyên quán triệt nhiệm vụ, giáo dục cán bộ, chiến sĩ làm công tác ở địa bàn nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, gần gũi hòa nhập với đồng bào, không ngại khó, ngại khổ, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, tham mưu cho địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng trận địa lòng dân vững vàng, BÐBP cùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh địa bàn biên giới.

VŨ TRỌNG VIỆT
Phó Tư lệnh chính trị Bộ đội Biên phòng