Tăng giá điện: Người nghèo càng... khó!
Những người dân nghèo - đang rất lo lắng bởi hội chứng "tăng giá kéo theo" - tức là giá điện tăng thì giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ cũng sẽ đua nhau tăng theo...
Bà Tô Thị Y - C26 Tân Mai, Hà Nội: Gần đây, các mặt hàng đều tăng giá, đời sống của chúng tôi đã khó khăn lắm rồi. Nếu điện cũng tăng giá nữa thì mọi chi phí sinh hoạt lại sẽ tăng theo, như thế thì chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Nếu giá điện tăng, chúng tôi sẽ không dám dùng điện cho cả những nhu cầu tối thiểu như nấu cơm bằng nồi điện, tủ lạnh và thậm chí cả xem tivi. Nghe có vẻ nực cười, nhưng không còn cách nào khác, vì điều kiện kinh tế gia đình chúng tôi lại thấp, đành quay về thời ngày xưa, coi như chưa có những đồ dùng đó vậy!
Chị Bùi Thanh Lâm - 44 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng (HN): Theo tôi, các phương án tăng giá điện của Bộ Công nghiệp đều có mức tăng khá cao, nhất là đối với điện sinh hoạt, như vậy là chưa phù hợp. Tôi cho rằng, đời sống của đại đa số người dân ở nước ta còn rất khó khăn, nếu tăng nhiều vào giá điện sinh hoạt thì chắc chắn người dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, như vậy sẽ dẫn đến việc họ hạn chế mọi nhu cầu cần thiết, thậm chí cả xem tivi để nâng cao dân trí. Như vậy thì sẽ kéo theo sự tụt hậu, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Anh Trịnh Tuyến - số nhà 33 tổ 12, cụm 2, phường Phú Thượng, Tây Hồ (HN): Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, những đồ dùng thiết yếu nhất trong nhà là máy bơm nước, tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, quạt, mấy bóng đèn thắp sáng và cái máy tính, chúng tôi cũng không thường xuyên ở nhà, vậy mà số kWh hàng tháng cũng trên 100 số, nếu nói giá điện dưới 100 số khá thấp thì có mấy nhà dùng được dưới 100 số/tháng đâu. Như vậy có khác gì là làm khó cho dân. Chị Nguyễn Thị Ngọc - phường Bến Thành, Q.1 TPHCM: Nếu ngành điện thực hiện ngay việc điều chỉnh giá điện bình quân lên 852 đồng/kWh vào lúc này, và sau này là 890 đồng/1kWh, thì những hộ dân dùng điện sinh hoạt trong định mức có nguy cơ phải trả tiền điện gần gấp đôi mức hiện nay (550 đồng/1kWh). Liên hệ với đợt ngành điện điều chỉnh giá điện sinh hoạt năm vừa qua, hoá ra người dùng nhiều hay người dùng ít cũng đều phải trả tiền điện với giá cao.
Ông Đoàn Ngọc Kình, tổ 36, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng: "Không nên "mồi" cho sự tăng giá cả thị trường". Cũng giống như việc tăng lương từ tháng 10.2005, thông tin tăng giá điện thì chưa chính thức, song ngoài thị trường giá cả đã tính chuyện tăng rồi. Những người "sống nhờ lương" như công nhân viên chức, cán bộ hưu trí chúng tôi làm sao mà điều chỉnh, xoay xở nổi. Tôi cho rằng tăng giá bán điện khu vực sinh hoạt là bất hợp lý. Điều tôi mong muốn nữa là việc ghi chữ điện phải minh bạch, đúng ngày, giờ, bởi vì nếu anh ghi tiền điện sai một ngày mà trúng thời điểm đồng hồ điện nhảy lên số 101 chữ, hoặc 301 chữ... thì thiệt hại của người tiêu dùng là rất lớn.
Ông Trần Trọng Tín, quận Thanh Khê, Đà Nẵng: "Điện tăng dễ, nhưng giá xe thồ thì khó". Hành nghề xe thồ, nuôi con ăn học và giúp vợ làm thêm vào ban đêm như tôi không thể sống thiếu điện. Tôi có thể ngủ mò, ăn dưới ánh đèn sáp, nhưng con tôi phải có điện để học. Tăng giá điện thì dễ, song tăng giá xe thồ thì sẽ ế khách, có nghĩa là đói. Tôi nghe nói thất thoát trong xây dựng cơ bản là rất lớn, liệu trong các công trình xây dựng nhà máy điện có thất thoát, lãng phí không? Ngành điện cần chống thất thoát, lãng phí, thực hành tiết kiệm thì may ra giá điện mới ổn định được.
P. Lan - T.Hải ghi Vì sao ngành điện không tiết kiệm ngay trong bản thân từng đơn vị của ngành?
Nếu ngành điện tiết kiệm, sẽ không cần tăng giá. Vì sao ngành điện không nghĩ đến việc hiện đại hoá công nghệ, cải cách phương thức hoạt động, tinh gọn bộ máy, nâng cao trình độ quản lý, vận hành... để giảm giá thành bán điện? Đặc biệt, vì sao ngành điện không thực hành tiết kiệm ngay chính bản thân của từng đơn vị trong ngành? Cụ thể như ở Đà Nẵng, có đơn vị của ngành điện chỉ vỏn vẹn 20 người, nhưng có đến 18 chiếc xe Land Cruiser, các Cty truyền tải điện, BQL các dự án điện nông thôn, thuỷ điện... đều có trụ sở là "nhà cao cửa rộng", và giàn xe vừa đắt tiền vừa quá thừa thãi. Đã có thống kê nào về sự phung phí của ngành điện chưa?
Ông Nguyễn Xuân Toàn - quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng |
|