Sao lại từ chối di sản?
Các Website khác - 03/03/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Sao lại từ chối di sản?

Hà Văn Thịnh
Sự kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng vì "chưa có thời cơ chín muồi" nên chưa lập hồ sơ để đề nghị Liên Hợp Quốc công nhận sông Hương là di sản văn hoá thế giới đang làm cho sông Hương cuộn sóng. Buổi sáng 2.3 ở các quầy bán báo tại Huế, nhiều người xếp hàng chờ mua báo Lao Động. Mua được tờ Lao Động, đọc xong mới biết vì sao người dân lại quan tâm đến tờ báo và phiền muộn thế.

Có lẽ trong đời, ít ai lại từ chối quyền thừa kế. Tổ tiên, dòng dõi, khí thiêng bao đời... mới tích tụ được một tài sản, dẫu ít hay nhiều, để thừa kế. Huống hồ câu chuyện của dòng Hương Giang là tài sản được kế thừa vô giá. Từ Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Thu Bồn, Trịnh Công Sơn..., thử hỏi không ai là không có những câu viết về sông Hương làm lay động lòng người? ẹt có một dòng sông nào đẹp đến thế, khi "nằm vắt ngang" qua hai di sản văn hoá thế giới. Sông Hương đủ rộng để cho những tâm hồn thanh thoát bay cao; đủ hẹp để cho mọi nỗi niềm ngược - xuôi hiểu thế nào là lẽ khúc chiết của một bến bờ, một dòng chảy. Huế và dòng Hương Giang, không chỉ là sự khát đủ của nỗi niềm mà còn là tiếng của muôn đời vọng lại.

Bởi thế, nếu Hương Giang được công nhận là di sản văn hoá của nhân loại, ý nghĩa không chỉ là số tăng của một hay vài ngàn khách du lịch mà là niềm tự hào của Huế, của mọi người dân Huế và của mọi người dân Việt. Thật đáng trân trọng cho mọi sự nghĩ suy khi có một di sản chạy băng qua chở theo những di sản khác.

Để có được một niềm vui nhỏ nhoi, ai cũng phải cố gắng thật nhiều. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hình như đã cho rằng tranh đấu là không cần thiết? Tại sao lại nghĩ rằng số phận của cả một dòng sông, của cả một nền văn hoá, ích lợi chưa bằng một toà nhà khách sạn nào đó sắp xây? Quyền lợi của người dân, của quốc gia là trên hết, hay quyền lợi của một vài ai đó cao hơn? Ai chẳng biết một dự án được "buông neo" là một dự án có muôn ánh mắt ngóng chờ! Chúng ta đã từng phải trả giá không ít lần cho sự thiển cận. Cái tầm ngắn của cách nhìn, cái tầm nghĩ cạn của mỗi lượt tư duy - đó là điều người dân mong mỏi không bao giờ có ở những người quản lý.

GS-TS Tô Ngọc Thanh cho rằng, phải thấy hết hàm lượng văn hoá của dòng sông Hương. Ông còn khẳng định thêm: Đây là thời cơ hoàn toàn chín muồi. Quả thật, không chín muồi thì UNESCO đã không cử chuyên viên tới để khảo sát. Chỉ có một "người" duy nhất không nhìn thấy giá trị của Hương Giang, không thấy Hương Giang thừa đủ mọi khả năng để sánh ngang tầm thế giới, đó là "người" muốn phá vỡ mọi cảnh quan, muốn bất chấp cả gia sản cha ông, muốn xây dựng thật nhiều khách sạn cao tầng để sông Hương trở thành dòng sông im lặng lần mò, chậm chạp gỡ lối ra...

Sông Hương là tài sản vô giá. Giá trị của một di sản không thể đong đếm được bằng tiền, bằng những tính toan vị kỷ. Phải nghĩ đến điều ích dân lợi nước của 30-50 năm sau nữa. Tại sao không thể nỗ lực để "trả" cho sông Hương giá trị vốn có? "Tham bát bỏ mâm" là điều ông cha từng căn dặn tự lâu rồi. Cách nhìn, cách ứng xử để cho một dòng sông để cho nó không dùng dằng không chảy nổi, là điều mà nhiều người đã từng day dứt. Tại sao không muốn cho sông Hương được cả nhân loại tôn vinh? Quả là kỳ lạ.