Giá điện tăng, dân lo lắng
Các Website khác - 03/03/2006
Về phương án tăng giá điện từ năm 2006:
Giá điện tăng, dân lo lắng

Đề án tăng giá điện vừa được Tổ công tác liên ngành - do Bộ Công nghiệp chủ trì - đưa ra, dự kiến sẽ công bố công khai trên website của Bộ Công nghiệp vào đầu tuần tới, nhằm lấy ý kiến của đông đảo chuyên gia và người sử dụng. Đây là đề tài gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội những ngày này.

Khi tiếp xúc với PV Báo Lao Động,
người dân cả nước đều bày tỏ sự
lo ngại khi giá điện tăng.

Phương án nào khả thi?
Trong 4 phương án tăng giá điện được Tổ công tác liên ngành đề xuất, theo ông Phạm Công Tham - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ Công nghiệp), nhiều ý kiến thiên về phương án 3, bởi nó hạn chế được tác động của việc tăng giá tới đối tượng sản xuất, những hộ gia đình có mức sống thấp và các tổ chức quản lý điện nông thôn.

Đối với điện SH bậc thang, giá điện 100kWh đầu tăng 80đ/kWh, tương đương 15% so với hiện hành. Đối với các hộ gia đình có mức sống thấp (sử dụng dưới 100kWh/tháng), mức tác động sẽ không quá lớn, mỗi hộ tăng chi phí tiền điện tối đa 8.000đ/tháng. Các bậc thang trên 100kWh tiếp theo có mức tăng bình quân 15%, thấp hơn nhiều so với mức 35% của phương án 1 và hạn chế ảnh hưởng tới đại bộ phận các hộ sử dụng điện SH. Các đối tượng hành chính sự nghiệp, kinh doanh dịch vụ có mức tăng tương ứng là 11% và 12% là mức có thể chấp nhận được.

Doanh nghiệp: Càng thêm gánh nặng

Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Nhà máy ximăng Hoàng Thạch - cho biết: Chi phí sản xuất ximăng Hoàng Thạch sẽ tăng hơn 5.000 đồng/tấn nếu điện tăng giá 50 đồng/kWh. Với sản lượng 3 triệu tấn/năm, như vậy mỗi năm riêng chi phí từ giá điện tăng đã đội đầu vào lên 15 tỉ đồng. Do đặc thù lò nung phải chạy liên tục, nên không thể tránh giờ điện cao giá như một số ngành sản xuất khác. Riêng hệ thống máy nghiền có thể tạm dừng hoạt động 4 tiếng/ngày vào giờ cao điểm để tiết kiệm chi phí, nhưng cũng chỉ vào thời điểm ximăng tiêu thụ chậm, chứ nhu cầu tiêu thụ mà cao thì đương nhiên vẫn phải chạy cả trong giờ cao điểm.

Ông Phan Văn Thanh - GĐ Cty cổ phần nhựa Sài Gòn-nói: "Hàng tháng, Cty chúng tôi phải chi từ 100-200 triệu đồng tiền điện. Ngành nhựa có đặc trưng chi phí tiêu thụ điện rất cao, chiếm khoảng 5% giá thành sản phẩm. Trong lúc giá nguyên liệu đang tăng gấp ba, giá nước cũng tăng và nhiều thứ khác cũng tăng theo, thì việc sắp tới tăng giá điện càng thêm gánh nặng đối với các DN".

Theo ông Thanh, thời điểm hiện nay tăng giá điện là không ổn, dễ gây khó khăn thêm cho sản xuất. Trong hoàn cảnh nhiều cơ sở sản xuất gia đình, DN vừa và nhỏ ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc tăng yếu tố đầu vào sẽ càng khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh với hàng ngoại, trong đó có hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Bà Huỳnh Lệ Phan- chủ một cơ sở gia công đồ chơi trẻ em ở phường 11, quận 11 (TPHCM) -giải thích: "Khi giá điện tăng, chúng tôi đề nghị tăng giá gia công 1kg sản phẩm thêm 500 đồng thì khách hàng kiên quyết từ chối. Và thế là có nguy cơ họ bỏ chúng tôi để đi nơi khác. Nếu chúng tôi vẫn nhận đơn hàng, là chấp nhận làm không công".

Bà Thái-Cty Đức Bổn, trong KCX Tân Thuận, quận 7 (TPHCM)- cho biết: Nhiều năm nay, Cty phải dùng điện mua từ Nhà máy điện Hiệp Phước với giá đổ đồng là 0,075USD (xấp xỉ 1.200 đồng)/1kWh. Nếu ngành điện thực hiện một đợt tăng giá chung trong thời gian tới, chắc chắn các DN trong KCX Tân Thuận sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhóm PV Kinh tế

4 phương án điều chỉnh giá bán điện sinh hoạt

Phương án 1: Không tăng giá bán điện cho đối tượng sản xuất (SX); không tăng giá bán buôn điện sinh hoạt (SH) nông thôn và không tăng giá bán điện SH bậc thang đối với 100kWh đầu tiên. Các đối tượng còn lại (chiếm 25% tổng sản lượng điện thương phẩm) sẽ phải chịu mức tăng rất cao, tăng bình quân 20% so với hiện hành. Các bậc thang từ 100kWh trở lên tăng bình quân 35% so với hiện hành.

Phương án 2: Không tăng giá điện SX giờ bình thường và thấp điểm; tăng 20% giá bán điện giờ cao điểm của tất cả các đối tượng; tăng giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn lên 420đ/kWh (tăng 30đ/kWh, tăng 7,7% so với hiện nay). Chia đôi bậc thang 100kWh giờ đầu đối với điện SH bậc thang thành 2 bậc thang (50kWh đầu giá 600đ/kWh; 50kWh tiếp theo giá 750đ/kWh).

Phương án 3: Tương tự phương án 2: Tăng giá bán điện 100kWh giờ đầu điện SH bậc thang lên 630đ/kWh. Do tăng giá giờ cao điểm nên bình quân giá điện cho SX sẽ tăng 4%. Giá bán buôn điện SH nông thôn tăng 30đ/kWh (7,7%).

Phương án 4: Tương tự phương án 3: Tăng giá bán điện 100kWh giờ đầu điện sinh hoạt bậc thang lên 700đ/kWh, xoá bỏ sự phân biệt về giá điện sinh hoạt giữa thành thị và nông thôn. T.X