"Cải" nhưng chưa... "tiến"
Các Website khác - 23/11/2005
Để phục vụ dịp Tết năm nay, ngành đường sắt đưa vào sử dụng hệ thống đặt vé tàu qua mạng, nhằm chia sẻ áp lực hành khách dồn về Ga Sài Gòn. Tuy nhiên, nhiều hành khách cho rằng, việc đặt vé qua mạng còn quá rắc rối và chưa khả thi.
Nhiều rắc rối và vô lý

Năm nay, Ga Sài Gòn (GSG) gửi thông báo đến các đơn vị có nhu cầu mua vé tập thể trước Tết gần ba tháng nhưng đến thời điểm này, ngành đường sắt vẫn chưa có giá vé cụ thể.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ tăng giá vé từ 3% đến 10% vào dịp Tết nhưng tăng cụ thể bao nhiêu thì chưa công bố.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ GT-VT cho biết, các đơn vị vận tải không được tăng giá cước vận tải trong dịp Tết.

Một cán bộ Đoàn thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh (xin được giấu tên) bộc bạch: Mua vé tập thể cho sinh viên thường phải thu tiền trước, nhưng không biết thu theo giá nào, trong khi thời hạn đăng ký đã hết. Hơn nữa, năm nay ngành đường sắt thực hiện chuyển đổi các mác tàu vào dịp Tết làm cho hành khách khó khăn trong việc lựa chọn. Hỏi nhân viên nhà ga thì được giải thích rất mù mờ khi có, khi không. Đi tàu SE thì sợ không dừng ga lẻ mà đi tàu TN thì chỉ có ghế ngồi cứng, trong khi đó mẫu hướng dẫn đăng ký vé lại không có mục này.

Cụ thể, trong mẫu quy định mỗi đơn vị đăng ký mua vé tập thể phải có ít nhất 20 người đi cùng chuyến, cùng ngày và phải lên - xuống cùng một ga.

“Đây là một quy định quá vô lý, trong khi ngành đường sắt khuyến nghị các cơ quan, công ty, trường học cho nghỉ Tết theo từng đợt để tránh áp lực người đi tàu dồn vào một ngày. Quy định trên, phải chăng là đánh đố khách hàng” – đại diện một công ty may ở quận Thủ Đức bực dọc.

Chị Hà, đại diện công ty may tư nhân đóng trên địa bàn quận Tân Bình bộc bạch: Công ty khoảng 100 công nhân, hầu hết là ở các tỉnh miền trung và miền bắc. Thấy công nhân xin nghỉ việc để đi mua vé tàu Tết tốn nhiều thời gian nên ông chủ cử một người đại diện đi mua vé.

Thế nhưng theo quy định của nhà ga, chị đành phải ngậm ngùi ra về vì “cả công ty tìm 20 người cùng quê cũng khó chứ nói gì đến chuyện họ về cùng ngày”.

Đặt chỗ qua mạng: trục trặc, quá tải

Việc đưa vào sử dụng hệ thống đặt vé tàu qua mạng vào dịp Tết năm nay được coi là bước đột phá của ngành đường sắt nhằm chia sẻ áp lực hành khách dồn về Ga Sài Gòn. Đây là động thái cụ thể nhất thể hiện việc cải tiến trong khâu bán vé của ngành đường sắt.

Thế nhưng mới chỉ đưa vào hoạt động được vài ngày, mạng này đã bộc lộ nhiều nhược điểm mà theo giải thích của ngành “do mạng đang trong thời kỳ thử nghiệm nên có trục trặc và quá tải”.

Những khách hàng may mắn vào mạng đã đưa ra nhận xét: website đặt vé qua mạng của đường sắt hướng dẫn khó hiểu và mất nhiều thời gian để điền hết thông tin. Nên thiết kế một cách đơn giản để người dân bình thường cũng thao tác được dễ dàng. Một hành khách phản ánh “Tôi muốn đặt ba vé gần nhau cho gia đình nhưng rất khó, do hệ thống chỉ cho phép đặt chỗ từng người một”.

Ngay trên trang chủ, khách hàng cũng đã phát hiện ra một số bất cập khác như tiến trình đăng nhập vấn đề mật khẩu và số CMND của khách hàng…

Mục đích đặt chỗ vé tàu qua mạng để giảm áp lực cho nhà ga dịp Tết được nhiều người đồng tình nhưng về phương pháp vẫn chưa được sự tin tưởng của hành khách.

Một kỹ sư tin học cho rằng việc đặt mua vé qua mạng hiện nay quá rắc rối và chưa khả thi. “Cò” vé có thể lợi dụng vào đó đặt chỗ trước hay đầu cơ để bán phiếu đặt vé. Đó là chưa kể trang web này thường xuyên không vào được.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao đường sắt không thực hiện bán vé như các hãng hàng không? Ngành đường sắt có cả hệ thống nhà ga, đại lý bán vé dày đặc nhưng tại sao vẫn để khách xếp hàng rồng rắn về Ga Sài Gòn mua vé? Có lẽ cứ mãi với câu giải thích do “áp lực vé tàu dịp Tết là rất lớn, cung không đủ cầu” cùng với những quy định bất hợp lý của “ông độc quyền” thì khách hàng vẫn chưa hết khổ.

Từ 5-12-2005, biểu đồ chạy tàu khách Thống Nhất chỉ chạy hai loại tàu là: tàu nhanh tốc hành mang số hiệu (mác tàu) SE và tàu suốt mang số hiệu TN.

Hằng ngày sẽ có các đôi tàu xuất phát tại ga Sài Gòn và ga Hà Nội, cụ thể: tàu SE1/SE2 hành trình 33 giờ, xuất phát lúc 19 giờ (hành trình và giờ xuất phát của tàu S1/S2 cũ); tàu SE3/SE4 hành trình 29 giờ 30 phút, xuất phát lúc 23 giờ (hành trình của tàu SE1/SE2 và giờ xuất phát của tàu E1/E2 cũ); tàu SE5/SE6 hành trình 30 giờ 30 phút, xuất phát lúc 15 giờ. Tàu suốt TN3/TN4 hành trình 38 giờ, xuất phát lúc 13 giờ; TN5/TN6 hành trình 40 giờ 40 phút, xuất phát lúc 15 giờ 50 phút.

Theo Sài Gòn giải phóng