Cán bộ thủ đô phải về tận “điểm nóng”!
Các Website khác - 28/06/2008

 
Hà Nội - Ảnh Vnexpress

Sau khi hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, cán bộ sở nào sẽ “ngồi” ở sở đó chứ không ngồi ở hai nơi. Có sở sẽ không nhất thiết ở Hà Nội mà có thể vào Hà Đông...

 

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc giao ban lãnh đạo thành phố với quận huyện quý 2, sáng 25/6.

  

Bí thư Phạm Quang Nghị nói: "Để giải quyết những bức xúc, nóng bỏng của thủ đô tới đây có thể bố trí những sở, ngành thuộc những lĩnh vực có nhiều bức xúc như: xây dựng, đất đai, giao thông ngồi tại những điểm nóng để kịp thời giải quyết công việc".

 

“Chỗ nào nóng nhất, bức xúc nhất sẽ đưa cán bộ, đưa ngành đó về để trực tiếp giải quyết. Hàng ngày tiếp xúc với những bức xúc, ví như đi lại bị tắc đường, rồi sẽ phải tìm cách giải quyết nhanh được”.

 

Hợp nhất nguyên trạng cán bộ

 

Ông Phạm Quang Nghị cho biết: Bộ Chính trị đã họp và quyết định chủ trương quan trọng là thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của thủ đô mới.

 

Tinh thần là cần sớm ổn định bộ máy để bắt đầu hoạt động từ 1/8, trong đó rất quan trọng là tạo được sự ổn định tư tưởng cán bộ, tạo thuận lợi cho bộ máy hoạt động.

 

Về bộ máy, Bí thư Nghị nói rõ: “Bộ Chính trị quyết định cho Thủ đô Hà Nội được thành lập một Ban chấp hành Đảng bộ mới trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng các Ban chấp hành của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, kể cả Mê Linh (Vĩnh phúc) - nếu có đồng chí ở đó trong Ban chấp hành”.

 

Ban thường vụ cũng sẽ được hợp nhất từ 2 tỉnh, trừ những đồng chí có thể được trung ương điều động. Ban chấp hành mới sẽ là ban chấp hành chính thức. “Đây là một thuận lợi vì sẽ không phải làm quy trình đánh giá cán bộ, không lo tâm tư để ai tham gia, ai không” - Bí thư Nghị nói.

 

Về nhân sự, ông Phạm Quang Nghị cho biết: Nhân sự ở cấp nào cấp đó sẽ quyết định. Bộ Chính trị sẽ quyết định các chức danh bí thư, chủ tịch UBND TP, chủ tịch HDNDTP Hà Nội mới. Ban Bí thư quyết định các chức danh phó bí thư, các phó chủ tịch UBND TP và HĐNDTP.

 

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ thực hiện chức năng tổ chức bộ máy các sở, ngành theo thẩm quyền. Phương án này giúp sớm ổn định công tác cán bộ, để họ tiếp cận nhanh nhất công việc. Các đơn vị, tổ chức khác cũng được hợp nhất theo nguyên trạng.

 

Vấn đề đặt ra là, sẽ có nhiều cấp phó hơn, nhưng cấp phó được giữ nguyên số lượng. Riêng với HĐND, cho phép số lượng cấp phó nhiều hơn quy định (quy định chỉ có một phó).

 

“Vấn đề xử lý 2 cấp trưởng thì sẽ phải căn cứ vào trình độ, năng lực và các tiêu chí, yêu cầu cụ thể. Chắc rằng các đồng chí trưởng cũng phải mong cấp phó ủng hộ mình làm việc, chứ không lẽ luân phiên thay nhau làm trưởng!”- Ông Nghị nói.

 

Từng vị trí phải “đột phá”

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận định 6 tháng đầu năm kinh tế Hà Nội tăng trưởng 10,7%không đạt chỉ tiêu đề ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,26% cao nhất từ trước đến nay, thị trường bất động sản mất cân đối, chứng khoản sụt giảm, xuất khẩu bấp bênh.

 

“Cải cách hành chính còn trì trệ, nhiều vi phạm cần khắc phục về lâu dài, chứ không chỉ là 6 tháng cuối năm”- Ông Thảo nói.

 

Chủ tịch Hà Nội thừa nhận, cán bộ còn yếu về chuyên môn, có nhiều tiếng chê trách nặng nề như “trên thông dưới tắc”, “trên bảo dưới không nghe”.

 

Tuyển chọn, bồi dưỡng, thu hút được người tài, đó là giải pháp lâu dài cho công tác cán bộ. Còn trước mắt cấp ủy, chính quyền phải làm sao quản lý đội ngũ cán bộ hiện có, siết chặt kỷ cương, tổ chức kiểm tra công vụ đột suất để xử lý sai phạm.

 

“Nếu cần đề nghị xử lý ở mức cao nhất đối với những cán bộ vi phạm”- Ông Nguyễn Khả Hùng, Bí thư huyện Đông Anh đề nghị.

 

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học lo lắng: “Cán bộ rất thiếu, nhưng khó thu hút cán bộ trẻ có trình độ về xây dựng, quản lý đô thị vào bộ máy do quy định chưa đủ hấp dẫn, mức lương cho cán bộ phường thấp, chỉ có hơn 2 phẩy”.

 

Giám đốc Sở TN&MT Vũ Văn Hậu cho rằng đội ngũ công chức “có vấn đề”, “đáng báo động”, “Công chức thông minh, cần mẫn, chịu nghiên cứu chính sách không nhiều. Không chỉ đào tạo bồi dưỡng, mà phải làm công tác tư tưởng, kể cả vấn đề thu nhập mới giải quyết đựơc”.

 

Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng năng lực, ý thức cán bộ chưa chuyển biến đều, “thủ tục tốt mà cán bộ làm việc theo kiểu cũ cũng không ổn”.

 

“Phải chỉ đạo ráo riết, chỉ rõ đến từng vị trí: vướng ở đồng chí trưởng, phó nào, bê bối ở phường nào. Cán bộ, phường nào trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm thì phải đột phá từ chính vị trí đó, nơi đó, nói đột phá chung chung thì ai cũng nói đựơc” - Ông Nghị nói.

 

Bí thư Thành ủy cho rằng, cán bộ mới chỉ tốt ở chỗ “che chắn” tốt, để nếu có xảy ra chuyện gì sẽ không bị trách nhiệm, còn tinh thần chịu trách nhiệm thì chưa cao.

 

Theo TPO