Cần đề phòng những đợt rét đậm bất thường
Các Website khác - 06/01/2009
 Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ cho biết, mùa đông 2008 – 2009 cần chủ động đề phòng những đợt rét đậm bất thường kéo dài trên 1 tuần. Đặc biệt, sẽ có cả rét đậm và rét hại, nền nhiệt độ trung bình từ 15 độ C trở xuống. Tháng 1/2009 cũng sẽ là tháng rét nhất của mùa đông năm nay.

Phía Bắc: Chưa có thiệt hại về gia súc

Ngày 4/1, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) cho biết, đợt rét vừa qua, các tỉnh phía Bắc chưa có thiệt hại về gia súc. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng vừa đi kiểm tra các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Lai Châu và sẽ tiếp tục đến những tỉnh giáp biên giới phía Bắc để tìm hiểu về thông tin cho rằng đã có trâu bò chết rét.

Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ cho biết, mùa đông 2008 – 2009 cần chủ động đề phòng những đợt rét đậm bất thường kéo dài trên 1 tuần. Đặc biệt, sẽ có cả rét đậm và rét hại, nền nhiệt độ trung bình từ 15 độ C trở xuống. Từ tháng 1 đến tháng 3/2009, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khoảng 3 - 4 đợt rét đậm, chủ yếu vào nửa đầu tháng 2. Tháng 1/2009 cũng sẽ là tháng rét nhất của mùa đông năm nay với nền nhiệt độ khoảng 15,5 - 16,3 độ C. Các tháng 2 và 3/2009, mỗi tháng nhiệt độ nhích lên 1 - 3 độ C. Riêng tháng 4, trời ấm hơn mọi năm, khoảng 23 độ C.
 

Người dân cần chuẩn bị các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Chí Cường.

 
Nhằm hạn chế các ảnh hưởng của thời tiết bất thường, ngày 4/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn gửi Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với đàn trâu, bò do đói, rét gây ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y, không để dịch bệnh lây lan...
 
Tiếp đó, Bộ NN & PTNT đã có chỉ thị về việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm trong vụ Đông Xuân 2008 – 2009, yêu cầu các tỉnh, thành ngoài trồng cỏ, ngô dày cần tận thu rơm rạ, cây ngô... phơi khô, ủ chua, ủ tươi làm thức ăn cho trâu bò, đảm bảo mỗi trâu bò có 1 – 1,2 tấn rơm hoặc cỏ khô, che chắn chuồng trại, không bắt trâu bò làm việc hoặc chăn thả trâu bò vào ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, những ngày rét đậm kéo dài...

Phía Nam: Ảnh hưởng vì mưa trái mùa

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, người dân không nên chăn thả trâu, bò tự do, cho gia súc nghỉ làm việc, giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm (đốt trấu, củi) cho trâu, bò. Ngoài ra, cần huy động mọi nguồn thức ăn có thể đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để trâu, bò bị đói, khát; cho uống thêm nước ấm để gia súc có sức chịu đựng qua đợt rét.

Tuần qua, nhiều khu vực phía Nam đã xuất hiện mưa trái mùa, có nơi mưa to. Đây là đợt mưa trái mùa đáng kể đầu tiên của mùa khô năm nay, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Tại Quảng Ngãi, những ngày đầu năm 2009 đã có mưa vừa đến mưa to, nước sông dâng cao, các tuyến đường liên huyện bị ngập, hàng nghìn hécta lúa vụ Đông Xuân bị ngập trong nước. Thiệt hại nặng nhất là các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn. Mưa lũ đã làm thiệt hại 150 ha rau màu. Riêng lúa Đông Xuân vừa gieo sạ bị ngập úng hơn 10.000 ha và hơn 400 tấn lúa giống đã ngâm ủ không thể gieo sạ được cũng bị hư hại hoàn toàn... Trận lũ lớn trái mùa làm Quảng Ngãi gặp khó khăn trong vụ sản xuất đông Xuân vì lịch gieo sạ lúa bị chậm lại, diện tích lúa đã sạ bị hư hỏng nặng.

Tại Phú Yên, từ đầu tháng 12/2008 đến nay, mưa trái mùa liên tục đã làm cho hàng nghìn ha lúa Đông Xuân bị ngập úng nặng có nguy cơ mất trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nông dân Phú Yên đang triển khai làm đất gieo sạ lại và cấy dặm những diện tích bị hư hỏng nhằm giảm bớt thiệt hại.

Tại Bạc Liêu và Cà Mau mưa trái mùa lớn trên diện rộng, gây khó khăn cho hàng ngàn hộ đang thu hoạch lúa và diêm dân chuẩn bị làm muối. Riêng huyện Đông Hải (TX Bạc Liêu) có hơn 2.000 ha muối đang cải tạo đồng chuẩn bị sản xuất, nhưng mưa trái mùa nhiều đã làm chậm tiến độ. Năm nay giá muối trên thị trường ở mức cao nên diêm dân đầu tư vốn khá lớn, nếu sắp tới còn mưa, việc sản xuất vụ muối năm nay sẽ muộn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối.

Tại Cà Mau, mưa trái mùa cũng làm ảnh hưởng tới việc thu hoạch hơn 50.000 ha lúa. Nhiều nông dân lo lắng vì lúa chín rộ mà không gặt được sẽ bị đổ sập, hạt rụng nhiều, thất thoát lớn. Và nếu không có nắng để phơi, lúa bị ẩm ướt, dẫn đến nảy mầm, chất lượng giảm xuống và bán không được giá.

Các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, An Giang... cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trái mùa và đang gấp rút tập trung khôi phục sản xuất vụ đông Xuân.

Theo Giadinh.net