Thực tế cho thấy, nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, điện áp lưới điện hạ thế không ổn định. Chẳng hạn như ở Hương Khê, Hà Tĩnh, điện áp dao động từ 100V tới 240V, các bóng đèn ống huỳnh quang dùng chấn lưu sắt từ thường bị nhấp nháy và dễ bị cháy. Dùng bóng đèn compact huỳnh quang chấn lưu điện tử với hiệu điện thế như vậy càng dễ cháy hơn.
Dùng bóng đèn tiết kiệm điện là đúng, và rất cần thiết, nhưng nên dùng nhiều loại bóng khác nhau chứ không chỉ một loại bóng compact huỳnh quang (tuổi thọ 6.000 giờ), đặc biệt là khi Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn loại bóng này. Tại Hội nghị tháng 7-2005 của Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam đã có nhiều chuyên gia kiến nghị sử dụng nhiều loại đèn tiết kiệm điện khác nhau. Đại diện của Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đến dự hội nghị này, mà sao không tiếp thu những ý kiến đó của các nhà khoa học Việt Nam? Ngoài ra, nếu chỉ thay thế bóng thôi thì không được, cần phải có chóa và đèn đồng bộ và thiết kế chiếu sáng hợp lý.
Nói rằng Rạng Đông mỗi năm sản xuất được 1,5 triệu và Philips Việt Nam là 6,5 triệu bóng đèn compact huỳnh quang là chưa đầy đủ. Hiện nay, Philips chủ yếu nhập khẩu linh kiện để lắp ráp mà thôi. Do vậy, kế hoạch này chỉ có tác dụng là tiêu thụ đèn cho nước ngoài, trong khi năng lực sản xuất các loại bóng tiết kiệm điện khác trong nước lại thừa. Chẳng hạn chỉ riêng Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông hiện có năng lực sản xuất mỗi năm 20 triệu bóng đèn huỳnh quang, trong đó có 7 triệu bóng T8.
Theo thống kê, ở nước ta hiện đang dùng gần 60 triệu bóng đèn dây tóc nóng sáng và 80 triệu bóng đèn ống huỳnh quang, nhưng chủ yếu là dùng bóng T10 (thế hệ cũ), đường kính 40mm, tiêu thụ điện năng 40W (nếu kể cả chấn lưu sắt từ tiêu thụ khoảng 12W thì tổng cộng là 52W) và tuổi thọ chỉ có 6.000 giờ. Nếu thay các bóng T10 này bằng bóng T8 thì dễ làm hơn. T8 là bóng đèn ống huỳnh quang "gầy" (một loại đèn tiết kiệm điện), đường kính 26mm, tiêu thụ điện 36W, hiệu suất phát quang (tức là hiệu suất biến đổi từ điện năng thành quang năng) tăng 20% so với bóng T10. Hơn nữa, tuổi thọ của T8 là 16.000 giờ và giá thành chỉ khoảng 15.000 đồng/bóng. Đối với các phân xưởng sản xuất đang dùng hàng trăm bóng đèn T10, nếu được thay hết bằng bóng T8 thì rất quý, vừa giảm tiêu thụ điện, vừa dễ làm và còn tạo điều kiện cho ngành sản xuất thiết bị chiếu sáng trong nước phát triển.
Ở các vùng nông thôn, tiền mua bóng mới sau khi bóng miễn phí bị cháy cũng là một vấn đề, bởi dân ta còn nghèo. Chẳng hạn ở Hương Bình (Hà Tĩnh), nhiều hộ chỉ dùng 5.000 - 6.000 đồng tiền điện/tháng. Hiện nay phải trả 3.000 đồng/bóng dây tóc nóng sáng hoặc bỏ thêm 13.000 đồng nữa để mua bóng T8, nhưng nếu buộc họ dùng đèn compact, thì phải bỏ ra chừng 30.000 đồng (bóng của Rạng Đông) hoặc chừng 50.000 đồng (để mua bóng của Philips và bóng Osram). Đây là điều không khả thi, và sẽ có nhiều người tìm mua hàng rẻ, nên có thể chỉ mua bóng compact nhập lậu kém phẩm chất giá khoảng 10.000 đồng/cái (đang có trên thị trường). Loại bóng đèn này, lẽ ra phải được phá hủy tại nơi sản xuất, nhưng bằng cách nào đó nó lại được nhập khẩu vào nước ta; thí nghiệm của tôi cho thấy những sản phẩm ghi 11W chỉ cho quang không bằng bóng huỳnh quang compact 5W của Việt Nam sản xuất.
Ngày nay, Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại bóng đèn tiết kiệm điện, với mức độ tiết kiệm điện khác nhau. Sau bóng T8 đã có T5, T3. Bóng T5 tiết kiệm điện hơn bóng T8 và bóng T3 tiết kiệm điện hơn bóng T5. Ngoài ra, còn có nhiều loại bóng đèn tiết kiệm điện khác nữa, như: đi-ốt phát quang (100.000 giờ), bóng cảm ứng điện từ (60.000 giờ), bóng so-di-um, bóng me-tan ha-li-de, bóng xe-non...
Theo tôi, mỗi loại bóng đèn điện có ưu, nhược điểm khác nhau. Điểm mấu chốt là phải hướng dẫn nhân dân biết cách sử dụng đúng các loại đèn chiếu sáng (nói chung) và đèn tiết kiệm điện đúng chổ để vừa tiết kiệm điện vừa mang lại cho đất nước lợi ích tiết kiệm tổng hợp. Chẳng hạn, loại bóng nào mắc ở những vị trí nào thì phù hợp, phục vụ cho mục đích sử dụng gì là tốt nhất... Do đó, cần phải có thái độ khoa học nghiêm túc, nghiên cứu, cân nhắc nhiều yếu tố vì những lợi ích tổng hợp, tiết kiệm nhiều mặt, chứ không phải chỉ khư khư chú ý cho một mục tiêu là tiết kiệm điện. Nói cụ thể, như bóng đèn huỳnh quang compact có thể lắp ở một số vị trí trong nhà, ngõ xóm, song không thể lắp ở những nơi ẩm ướt, nóng quá hoặc lạnh quá vì ở đó hiệu suất phát sáng của bóng sẽ giảm. Tại lớp học, xưởng sản xuất... cần ánh sáng đều nên cần dùng nguồn sáng dài (như đèn ống huỳnh quang như T8 là phù hợp). Hoặc, bóng đèn ống huỳnh quang triphotpho 100, có nhiệt độ màu 5.310 độ K, nằm trong phổ nhạy cảm của mắt người, rất tốt cho học sinh, sinh viên. Còn bóng metane halide cho ánh sáng mầu trung tính, ánh sáng ban ngày (tuỳ thuộc dùng hơi kim loại gì) thích hợp cho những nơi như sân vận động, quảng trường. Bóng sodium (chứa hơi natri) cho bức xạ vàng thích hợp chiếu sáng ở bờ biển, đường phố vùng rừng núi có nhiều sương mù...
Nên hiểu rằng, thiết kế sử dụng các nguồn chiếu sáng là một ngành khoa học, đồng thời chứa đựng cả những nét văn hóa. Trong nhiều trường hợp, dù lòng người rất thuận cho việc sử dụng đèn tiết kiệm điện cũng không thể bỏ hẳn bóng dây tóc nóng sáng. Ví như ở những nơi điện yếu hoặc những nơi sinh hoạt đông người (như sân vận động, siêu thị, quảng trường, rạp hát...) mà sử dụng các đèn tiết kiệm điện như đèn cao áp thủy ngân, sodium, hoặc metane halide, thì đồng thời phải lắp dự trữ thêm những bóng halogen và bóng dây tóc nóng sáng công suất lớn để "ứng cứu" (bật sáng ngay). Bởi vì, nếu bị mất điện, thì khi có điện trở lại các bóng đèn tiết kiệm điện này không sáng trở lại ngay được, mà phải chờ cho chúng nguội hẳn, rồi mới bật sáng trở lại. Dùng trong quay phim, trong đèn chiếu hắt ở rạp hát, sân khấu, vũ trường phải là bóng dây tóc nóng sáng. Đối với phòng khách nên dùng ánh sáng trắng, hoặc ánh sáng ban ngày, không dùng ánh sáng lạnh. Phòng ăn dùng ánh sáng vàng sẽ làm cho đồ ăn trông ngon miệng hơn. Phòng ngủ, tùy theo sở thích mà dùng ánh sáng hồng, vàng nhạt hoặc mầu lá cây...
Nên hướng dẫn nhân dân cách sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện, chứ không nên áp đặt, dù là biếu không. Tổ chức các cuộc thi sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Người tham gia cuộc thi phải chế tạo đèn, chọn chỗ lắp đặt phù hợp, tạo ra các hệ điều khiển bóng đèn trong nhà, chẳng hạn như sau khi đi ra khỏi phòng một phút thì bóng tự tắt...
Ngoài ra, cần phải thành lập khoa kỹ thuật chiếu sáng tại các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật. Đưa kiến thức chiếu sáng vào các bài học vật lý, kỹ thuật công nghệ. Đầu tư cho nghiên cứu sản xuất các loại đèn tiết kiệm điện.
|