Ngày 23-9, Bộ GTVT đã sơ kết, đánh giá kết quả về việc chấn chỉnh hoạT động vận tải khách liên tỉnh bằng ô-tô.
Tập trung thực hiện bảy giải pháp đã được thống nhất triển khai đồng loạt từ Ban chỉ đạo T.Ư đến địa phương, đến nay, cả nước giảm 54% bến cóc, xe dù và trên tất cả các tuyến đường không còn hiện tượng "cơm tù". Đồng thời, cả nước đã có sáu tuyến xe chất lượng cao, với 877 xe, tương đương 17.838 ghế xe thuộc 155 doanh nghiệp, như Hoàng Long (Hải Phòng), Thuận Thảo (Phú Yên), Rạng Đông (TP Hồ Chí Minh)... Đặc biệt, tình trạng "lèn khách", "cướp khách" tại các bến xe đã cơ bản xoá bỏ... Bên cạnh đó, các địa phương đã công bố quy hoạch mạng lưới xe khách ở Thanh Hoá, Quảng Nam, An Giang, Kon Tum nên các bến xe đạt tiêu chuẩn từ loại 1-5 tăng lên.
Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện chỉ thị 01/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô-tô, nạn xe dù trá hình dưới hình thức "xe hợp đồng" vẫn còn tồn tại, hoạt động ở mọi lúc, mọi nơi, rất khó khăn cho công tác quản lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba - PGĐ Sở GTCC TP Đà Nẵng, khẳng định: "Trước khi có Chỉ thị 01/2004/CT-TTg, thì Đà Nẵng không có bến cóc. Nhưng không thể nói là không có xe dù, xe hợp đồng thì... chạy "dù"'. Ông Ba cũng thừa nhận: "Hai điểm nóng về trật tự an toàn giao thông trên QL1A qua địa phận Đà Nẵng là Ngã ba Huế và nút giao thông cầu vượt Hoà Cầm là những điểm bức xúc về tình trạng xe khách đến đây thường hay chạy chậm để bắt khách, mặc dù đây là những điểm rất gần với các trạm kiểm soát giao thông".
Việc triển khai cắm biển "Điểm dừng xe khách" trên quốc lộ từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chưa được điều chỉnh kịp thời, dẫn đến nhiều phương tiện đón trả khách tuỳ tiện. Qua khảo sát của Ban chỉ đạo tại nhiều địa phương, nguyên nhân dân đến những tồn tại nói trên là do công tác kiểm tra, thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên liên tục, nhiều cán bộ thanh tra thiếu kiên quyết để các xe dù, hiện tượng "chèn ép" khách tồn tại và lộng hành. Một số Sở GTCC còn can thiệp sâu vào việc kinh doanh như tăng thêm phương tiện, tăng chuyến, mở tuyến gây khó khăn cho doanh nghiệp. Không những thế, vấn nạn sử dụng giấy phép lái xe giả đang gây ra nhiều bức xúc. Theo ông Dương Hồng Thanh - Phó giám đốc Sở GTCC TP Hồ Chí Minh: "Trong năm 2004, phát hiện 156 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả nên công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động vận tải theo Chỉ thị 01/2004/CT-TTg còn rất nặng nề".
Theo ông Trần Danh Lợi - Phó giám đốc Sở GTCC Hà Nội, muốn giải quyết dứt điểm bến cóc, xe dù, nạn ép khách... thì cần phải xã hội hoá bến xe, củng cố, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác vận tải. Bên canh đó, cần duy trì việc kiểm tra, cấp sổ nhật trình, kiểm tra phương tiện, giải quyết nạn bảo kê... Mặt khác Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thay thế NĐ 92/2001/NĐ-CP ngày 11-12-2001 quy định về Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô và Nghị định thay thế NĐ 15/2003/NĐ-CP ngày 19-12-2003 của Chính phủ: "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ" để các Ban chỉ đạo có chế tài cụ thể. Đặc biệt, Cục đường bộ Việt Nam cần điều chỉnh vị trí các "Điểm dừng xe đón trả khách" trên QL1 từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, triển khai cắm biển trên tất cả các quốc lộ, tỉnh lộ khác.
|