Cắt giảm hơn 35.000 tỉ đồng đầu tư công
Các Website khác - 24/07/2008
 
 

Dự án bờ kè hồ Tây - công trình bị cắt giảm một số hạng mục theo quyết định của UBND TP Hà Nội - Ảnh: T.PHÚ
11 đoàn kiểm tra của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) đã hoàn tất việc kiểm tra tình hình thực hiện quyết định 390 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư phát triển năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Ngày 23-7 tại Hà Nội, đại diện Bộ KH-ĐT đã thông báo với báo chí về kết quả kiểm tra.

Các địa phương dẫn đầu

Theo báo cáo kiểm tra, tổng công trình, dự án dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã hoãn khởi công mới, ngừng triển khai thực hiện và giãn tiến độ trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án với tổng vốn gần 6.000 tỉ đồng, tương đương 8% kế hoạch năm. Trong tổng số dự án đình hoãn, các tỉnh thành đóng góp phần đáng kể với tổng dự án điều chỉnh là 1.884 dự án, với số vốn lên tới 5.662 tỉ đồng.

Theo báo cáo và kết quả kiểm tra tại 15 tập đoàn và tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn này cũng rà soát, cắt giảm, hoãn khởi công và giãn tiến độ kế hoạch đầu tư năm 2008 được 1.300 dự án với tổng vốn hơn 29.000 tỉ đồng. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), một số tập đoàn, tổng công ty thậm chí đã cắt giảm hơn 50% tổng vốn đầu tư như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin - 65%), Tập đoàn Hàng hải (52,36%), Tổng công ty Bến Thành (56%)…

Theo vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Bùi Hà, việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, tập đoàn, tổng công ty lớn cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ 2.971 dự án nhưng tổng cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế không đổi do hơn 35.000 tỉ đồng tiết giảm sẽ được sử dụng để bố trí vốn cho các dự án cấp bách hơn, hiệu quả hơn và những dự án chuyển tiếp cho năm sau.

Về thực tế hầu hết dự án đình hoãn chỉ là những dự án khởi công mới (của các tỉnh chiếm đến 72%) chứ không phải các công trình đã đầu tư nhưng không hiệu quả, ông Lê Văn Học - vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ - khẳng định: tỉ lệ này là hoàn toàn phù hợp vì đình hoãn dự án khởi công mới thì không tổn hại tới vốn. Còn dự án đang dở dang mà ngừng sẽ liên quan đến vấn đề hợp đồng, bảo quản để triển khai tiếp trong những năm sau.

Kiên quyết

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mức đình hoãn, cắt giảm đầu tư công theo kết quả liệu có quá ít so với "tiềm năng" và liệu có đủ tác động đến kiềm chế lạm phát, ông Lê Văn Học cho rằng bên cạnh số vốn gần 6.000 tỉ được đình hoãn còn khoảng 10.000 tỉ vốn trái phiếu Chính phủ cũng được tạm dừng giải ngân, cộng số vốn các tập đoàn tạm dừng đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng là không nhỏ.

Về một số dự án đáng lẽ phải trong diện cắt giảm nhưng vẫn được cấp vốn như Bảo tàng Hà Nội, ông Học khẳng định nếu theo quyết định 390 thì phải đình hoãn, Bộ KH-ĐT cũng đã thảo luận nhiều nhưng khi hệ thống lại các văn bản thì công trình này lại nằm trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Thủ tướng lại có riêng một ban điều hành chương trình này nên dự án trên không được đưa vào diện đình hoãn thi công.

Qua kiểm tra, Bộ KH-ĐT phát hiện tỉ trọng vốn vay trên tổng vốn đầu tư của các tập đoàn hiện lên tới 52%. Cho rằng đây là mức an toàn, nằm trong biên độ cho phép nhưng khi lãi suất ngân hàng lên cao, theo ông Học, cơ cấu vốn của các doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh lại. Ông Học cho biết Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành địa phương tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư năm 2008 với tinh thần kiên quyết. Cụ thể việc xây trụ sở cơ quan, khu vui chơi giải trí cần được đình hoãn, giãn tiến độ. Riêng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ KH-ĐT kiến nghị rà soát, cắt giảm cả kế hoạch đầu tư tăng tài sản cố định, kế hoạch thành lập mới các công ty thành viên, đặc biệt là việc góp vốn vào các công ty tài chính, ngân hàng.  

Doanh nghiệp phải thích nghi và "tự cứu mình"

Trao đổi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại buổi đối thoại về "Lạm phát, các giải pháp kiềm chế lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp" diễn ra sáng 23-7 tại TP.HCM, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng trong tình hình kinh tế hiện nay, ngoài việc cùng với Nhà nước và người dân tích cực tiết kiệm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nhanh chóng tái cơ cấu lại hoạt động, thay đổi công nghệ… để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp, nếu tất cả đều đồng lòng thực hiện đồng loạt các biện pháp đối phó hiệu quả, nền kinh tế VN có khả năng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn từ giữa năm 2009. Dù muốn hay không thì các doanh nghiệp phải thích nghi, "tự cứu mình" trên cơ sở hành động mau lẹ với các biện pháp như tái cấu trúc mặt hàng, loại trừ những mặt hàng nào không tiếp tục sinh lãi trong bối cảnh hiện nay và chỉ giữ lại những mặt hàng nào có khả năng sinh lãi, cắt giảm đến mức tối thiểu đối với các chi phí không thật sự cần thiết, tái cấu trúc doanh nghiệp, giữ liên lạc với bạn hàng để chờ qua giai đoạn khó khăn… 

H.Đăng  

CẦM VĂN KÌNH - HƯƠNG GIANG